Nồng nàn Tây Bắc

Tiếng khèn Mông để các chàng trai, cô gái gọi bạn tình.
Tiếng khèn Mông để các chàng trai, cô gái gọi bạn tình.
TP - Tây Bắc luôn hấp dẫn, mời gọi. Nhiều bạn trẻ, cùng du khách tìm về nơi đây để tham gia các trò chơi như xếp tường rào đá, se lanh dệt vải, tục cúng ma, “vỗ mông” bạn tình, tỏ tình qua tiếng khèn Mông… Tất cả tạo nên một không gian văn hóa đa sắc màu, độc đáo.

“Vỗ mông” bạn tình

Cao nguyên đá Hà Giang mang một vẻ đẹp kỳ vĩ. Mùa này, các cung đường uốn lượn đèo dốc thu hút các phượt thủ, du khách trong và ngoài nước đổ xô trải nghiệm. Thi thoảng họ dừng lại, lưu vào máy những bức hình kỷ niệm.

Tại ngôi nhà sàn, ông Vừa A Đồng (72 tuổi) dân tộc Mông, ở Mèo Vạc, Hà Giang tận tình múc từng chén rượu hoa tam giác mạch, bát thắng cố mời các bạn trẻ, du khách qua lại thưởng thức. Khi chén rượu lâng lâng, ông Vừa A Đồng say sưa kể về phong tục “vỗ mông” kiếm bạn tình. Nghe qua, cảm giác có điều chi đó thô thiển, dung tục, nhưng không phải vậy. Phong tục này thể hiện đúng cuộc sống chất phác, thật thà của người Mông từ xưa đến nay. Mỗi dịp xuân về cũng là thời điểm mà những đôi trai gái người Mông hẹn hò, trao nhau những câu tâm tình, ngỏ những lời yêu thương để chọn người tri kỷ. Trong lễ hội, khi các chàng trai, cô gái thích nhau, họ sẽ thấy được điều đó trong đôi mắt của bạn tình. Khi hai ánh mắt chạm nhau, cô gái e thẹn tách dần ra khỏi đám đông và ra tín hiệu cho chàng trai biết. Chàng trai ngay lập tức tiến lại gần, dùng tay vỗ vào mông cô gái và nói lời tỏ tình. “Nếu cô gái thấy “ưng cái bụng” thì mạnh dạn vỗ lại vào mông chàng trai và đáp lời tế nhị. Cứ thế cho đến khi vỗ đủ chín cặp (tức 18 cái qua lại) thì xem như hai bên đã chấp thuận nhau, chờ người mai mối để thành vợ thành chồng. Nếu ngày hôm trước vỗ chưa đủ 9 cặp, ngày hôm sau gặp nhau lại vỗ tiếp”, ông Vừa A Đồng kể.

Già làng Giàng Thị Hùa (76 tuổi, xã Lũng Pù, Mèo Vạc, Hà Giang) kể, chàng trai Mông thường có cách chọn vợ cho riêng mình, nhưng thường để ý đến các cô gái khỏe mạnh, chăm chỉ lên nương. Thực ra, người con trai đã tìm hiểu và nhắm người mình thích từ trước, đến ngày hội mới tìm cách để tỏ tình. Vì thế, “vỗ mông” như là một lời tỏ tình độc đáo. “Nhiều gia đình người Mông quy định rõ, con gái lớn thì phải vỗ mông mới được yêu. Chợ tình là nơi để các đôi trai, gái hẹn hò. Nhiều đôi đã thầm thương, trộm nhớ nhau nhưng chưa vỗ mông thì không được xem là chính thức yêu nhau”, bà Hùa nói.

Theo già làng Hùa, “vỗ mông” là sợi dây kết nối yêu thương, tình cảm, lời tỏ tình độc đáo chỉ có ở người Mông. Các đôi nam nữ “vỗ mông” rồi nên duyên không phải do vô tình tìm được nhau mà thường họ đã có sự tìm hiểu từ trước. Tham gia “vỗ mông” trong ngày Tết, chợ tình ngày xuân chỉ là cơ hội để hai người tìm gặp lại nhau.

Ông Nguyễn Cao Cường, Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc (Hà Giang) cho biết, tục “vỗ mông” gắn liền với tập quán đồng bào Mông từ rất lâu đời. Đây là hoạt động thiết thực góp phần làm phong phú thêm kho tàng di sản văn hóa phi vật thể của địa phương. “Theo thời gian, giờ lớp trẻ nhiều vùng người Mông quên đi “vỗ mông” một nét văn hóa độc đáo, một cách tỏ tình gần gũi của dân tộc mình. Mấy năm nay, chúng tôi đã sưu tầm, phục dựng tục “vỗ mông” trong dịp đón xuân ở một số xã như: Cán Chu Phìn, Lũng Pù, Khâu Vai... Chúng tôi sẽ tiếp tục nhân rộng bảo tồn và phát triển vốn văn hóa đặc sắc này, đồng thời có các biện pháp không để “vỗ mông” biến tướng, phản cảm và bị lợi dụng. Tục “vỗ mông” sẽ là điểm nhấn trong “chợ tình” Khâu Vai”, ông Cường nói.

Nồng nàn Tây Bắc ảnh 1 Vẻ hồn nhiên, đáng yêu của hai em bé dân tộc Mông.

Say tiếng khèn Mông

Rất nhiều du khách, bạn trẻ gặp người dân tộc Mông đều nói họ đa tình, lãng mạn. Với người Mông ở Lào Cai, ngoài việc mang khèn đi thổi, họ còn thu âm vào cassette để trong lúc đi đường, làm nương rẫy đều có thể nghe được. Khèn Mông được chế tác từ cây trúc ven suối, rừng. Khi thổi, âm thanh phát ra nhiều tầng. Ống trúc lớn nhất, ngắn nhất có chức năng giữ nhịp. Các ống trúc còn lại theo kích thước to, nhỏ mà có âm thanh trầm bổng, cao thấp khác nhau. Vào mùa xuân, trai gái đi hội, không thể thiếu âm thanh của khèn.

Bên ngọn lửa bập bùng với chén rượu ngô ngây ngất, chúng tôi được nghe già làng kể về huyền thoại chiếc khèn. Già làng Vừ A Tuần, 70 tuổi, ở Bản Tả Phìn (huyện Sa Pa, Lào Cai) kể: Ở một bản người Mông nọ, có cô giáo miền xuôi rất xinh đẹp lên bản dạy chữ. Cứ mỗi khi cuộc khèn vang lên là cô có mặt, mê mẩn, say sưa. Người già trong bản bảo, cô giáo mê tiếng khèn mất rồi, chẳng về xuôi nữa mà gắn bó với đất, với người bản Mông miền núi cao này. Thế rồi cô giáo đó ở lại, nên duyên vợ chồng với một người học trò thông minh của mình. Họ sống với nhau hạnh phúc, cùng giúp cho dân bản biết cái chữ. Sau đó, biết bao cô gái dưới xuôi vì mê tiếng khèn Mông mà tình nguyện lên những bản vùng cao dạy chữ. Và cũng biết bao cô gái, chàng trai đã nên vợ nên chồng nhờ tiếng khèn Mông dặt dìu ấy.

Nồng nàn Tây Bắc ảnh 2 Bà con người Mông nấu rượu ngô.

Theo già làng A Tuần, ngày nay, với các chàng trai Mông, cây khèn là vật bất ly thân. Khi buồn, khi vui họ đều mang khèn ra thổi, gửi cả tâm tư, tình cảm của mình vào tiếng khèn. Trong những dịp lễ, Tết, tiếng khèn Mông vang vọng khắp núi rừng. Tiếng khèn như một lời thủ thỉ, nhắn nhủ tha thiết của người con trai gửi đến người con gái mà mình đem lòng thương nhớ. Cuộc sống đã nhiều đổi thay, đâu đó ở những bản người Mông đã biết đến nhiều loại nhạc cụ hiện đại nhưng người Mông vẫn không bỏ chiếc khèn của dân tộc mình. “Tiếng khèn là phần hồn của người Mông, giữ tiếng khèn là giữ lấy bản sắc dân tộc mình. Con trai Mông khi lớn lên là phải biết thổi khèn. Nhưng để thổi được những bài khèn hay, dặt dìu, tha thiết khiến người già, trẻ nhỏ nghe thấy phải trầm trồ, thán phục và các thiếu nữ nghe đến ngẩn ngơ là phải có năng khiếu thiên bẩm. Những người thổi khèn hay luôn được nhiều cô gái xinh ở bản thầm yêu, trộm nhớ”, già làng A Tuần nói.

Tiếp lời già làng A Tuần, ông Vừ Mí Lèo (Sa Pa, Lào Cai) cho biết: Khi tiếng khèn vang lên, người Mông đều dễ nhận diện bởi âm thanh của khèn gắn với một điệu dân ca nào đó. Vào mùa xuân, tiếng khèn trong trẻo, thành tiếng gọi bạn tình. Những giọng khèn vút lên những lời tỏ tình: “Kìa mưa cho hoa nở tươi/ Kìa nắng cho hoa buồn khô/ Gặp nàng, anh vui lắm/ Bên nàng, anh yêu mãi cô nàng ơi”… Chính điều này, giọng điệu của khèn đã tạo cơ hội cho các chàng trai Mông thể hiện lời tỏ tình của mình với các cô gái một cách tự nhiên, chân thành. Con gái Mông 16 - 17 tuổi đã biết nghe và đi theo tiếng gọi của khèn, tiếng người con trai đang tìm, gọi bạn để tâm sự, giao duyên. Nhận ra tiếng khèn của chàng trai hoặc người yêu, nếu cô gái ưng thuận, cô sẽ đáp lại bằng tiếng kèn lá rồi lặng lẽ tìm đến. “Nếu có dịp lên bản người Mông trong những ngày Xuân, bạn sẽ nghe được tiếng khèn gọi bạn, tiếng khèn tự tình của những chàng trai và cả tiếng khèn mừng vui được mùa, mừng cuộc sống no ấm đang về vọng khắp núi rừng”, ông Mí Lèo nói.

“Mấy năm nay, chúng tôi đã sưu tầm, phục dựng tục “vỗ mông” trong dịp đón xuân ở một số xã như: Cán Chu Phìn, Lũng Pù, Khâu Vai... chúng tôi sẽ tiếp tục nhân rộng bảo tồn và phát triển vốn văn hóa đặc sắc này, đồng thời có các biện pháp không để “vỗ mông” biến tướng phản cảm và bị lợi dụng. Tục “vỗ mông” là điểm nhấn trong “chợ tình” Khâu Vai”.

Ông Nguyễn Cao Cường, Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc (Hà Giang)

MỚI - NÓNG