Nông, lâm trường: 'Ôm' triệu ha đất sử dụng kém hiệu quả

Nhiều công trình vi phạm trên đất rừng Sóc Sơn (Hà Nội)
Nhiều công trình vi phạm trên đất rừng Sóc Sơn (Hà Nội)
TP - Năm năm sau khi Nghị quyết số 30 của Bộ Chính trị về tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp, nhóm doanh nghiệp này vẫn quản lý tới gần 1,9 triệu ha đất dù hiệu quả sử dụng rất thấp. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp muốn đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao lại không có đất. 

Tại Tọa đàm Quản lý sử dụng đất tại các công ty nông, lâm nghiệp do Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì sáng 23/8, ông Lê Thanh Khuyến, Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý Đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết: Sau rà soát, việc sử dụng đất ở các nông, lâm trường quốc doanh vẫn kém hiệu quả. Đại diện Tập đoàn Cao su Việt Nam cho biết: Doanh nghiệp này quản lý 370.000 ha đất (dự kiến bàn giao lại địa phương 27.000ha). Do giá cao su thế giới xuống thấp nên mỗi ha đất chỉ mang lại 5 triệu đồng/năm, Công ty phải tiến hành xen canh, hiệu quả sử dụng đất chỉ đạt khoảng 7 triệu đồng/ha/năm.

Nguyên nhân được ông Khuyến chỉ ra là do các nông, lâm trường sau khi rà soát vẫn giữ lại quỹ đất lớn, vượt quá tầm quản lý, sử dụng. Mô hình quản trị doanh nghiệp, mô hình sản xuất chưa thực sự thay đổi. Do không quản lý được nên một số nông lâm trường tự ý cho thuê, cho mượn, khoán trắng cho người dân, dẫn đến tranh chấp quyền sử dụng đất. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ dẫn thực tế, diện tích đất hiện nay là quá lớn so với nhu cầu thực tế và năng lực quản lý của nông, lâm trường. Thậm chí có công ty, một nhân viên quản lý tới 500 ha đất.

Theo ông Nguyễn Minh Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang, diện tích đất canh tác của địa phương rất hạn chế do địa hình chủ yếu là núi đá. Tuy nhiên, chỉ ba công ty lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh quản lý tới 12.000ha, là diện tích đất canh tác tốt nhất của tỉnh. Tại Thanh Hóa tỉnh không thể kêu gọi đầu tư để phát triển nông nghiệp công nghệ cao vì thiếu quỹ đất trong khi nông lâm trường quốc doanh chiếm tới 120.000ha đất. Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Đức Quyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiến nghị: “Nếu như các công ty nông, lâm nghiệp được giao đất mà không làm được thì phải có giải pháp”.

Theo ông Lê Thanh Khuyến, trong số 1.868.583ha đất được giao của các công ty nông, lâm nghiệp, mới  có 47,6% có phương án sử dụng đất được UBND tỉnh phê duyệt. Trong số 1.868.583ha, cũng có tới 53,9% đất được giao mà không thu tiền sử dụng đất.

Trả đất “xấu” - địa phương không mặn mà

Ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chỉ ra thực tế, các địa phương không mặn mà với diện tích đất được giao vì diện tích đất nông, lâm trường bàn giao về địa phương thường là sông suối, núi đá hoặc đất đai ở vùng sâu, vùng xa, nơi khó quản lý. Ngoài ra, hơn một nửa đất bàn giao cho địa phương là đất giao khoán, cho thuê, cho mượn, liên doanh, liên kết, hợp tác đầu tư, bị lấn, bị chiếm, đang có tranh chấp...

Hiện việc bố trí đất ở, đất sản xuất cho người dân còn rất ít. Phương án giao cho hộ gia đình cá nhân là 32.074 ha, giao cho tổ chức là 28.737 ha. Thực tế, việc giao đất cho hộ gia đình, cá nhân chủ yếu dừng lại ở giai đoạn xác định được những khu vực có thể tạo ra quỹ đất có quy mô diện tích lớn phục vụ mục tiêu giao đất.  

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chỉ đạo, thời gian tới cần tiến hành rà soát lại diện tích đất đã giao nhưng không thu tiền sử dụng đất (hơn 900.000 ha). “Đất mà thả không như thế thì không có động lực để quản lý. Trong khi muốn giao cho doanh nghiệp khác thì không có đất. Phương châm đất đai phải được giao cho chủ thể nào đó để sử dụng. Đất mà lấn chiếm trái phép phải thu hồi, đất tranh chấp phải phân xử trên cơ sở hồ sơ cụ thể và tinh thần thượng tôn pháp luật”.

Phó Thủ tướng giao các bộ ngành thời gian tới tăng cường thanh tra, kiểm tra đất nông lâm trường và đất đã giao lại cho địa phương. Trước mặt tập trung thanh tra đất đai của các tổ chức có biểu hiện vi phạm, đất đã bàn giao cho địa phương nhưng chưa có phương án sử dụng hiệu quả. “Đây là một sự lãng phí lớn trong khi bà con lại thiếu đất ở, đất sản xuất”, Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu Bộ Tài chính bố trí kinh phí giải quyết dứt điểm việc đo đạc, cắm mốc giới đất đai, vẽ bản đồ, lập hồ sơ địa chính với các diện tích đất trên. Đồng thời tiếp tục rà soát, xác định diện tích đất rừng không có nhu cầu sử dụng thực tế, không đủ năng lực quản lý, tiếp tục bàn giao cho địa phương theo tinh thần phải có hiệu quả sử dụng tối đa.  

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.