TIÊU ĐIỂM KINH TẾ:

Nóng lãi suất ngân hàng, lộ lý do hơn 700 triệu cổ phiếu FLC ‘bất động’

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Tiết lộ mức giảm lãi suất; báo động không còn điện dự phòng; lý do hơn 700 triệu cổ phiếu FLC "bất động"...  là những thông tin đáng chú ý tuần qua.

Mức giảm lãi suất sau cuộc họp 'nóng' với Ngân hàng Nhà nước

Tối 25/5, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phát đi thông báo liên quan đến lãi suất sau cuộc họp “nóng” với lãnh đạo 26 ngân hàng.

Nóng lãi suất ngân hàng, lộ lý do hơn 700 triệu cổ phiếu FLC ‘bất động’ ảnh 1
Các ngân hàng thương mại sẽ tiếp tục giảm lãi suất thời gian tới.

NHNN đánh giá việc tiếp tục điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành là giải pháp linh hoạt, phù hợp với điều kiện thị trường hiện nay để hỗ trợ quá trình phục hồi tăng trưởng kinh tế theo chủ trương của Quốc hội và Chính phủ. Qua đó tiếp tục định hướng giảm mặt bằng lãi suất cho vay của thị trường, góp phần tháo gỡ khó khăn cho người vay vốn ngân hàng.

Đồng thời, việc điều chỉnh giảm trần lãi suất tiền gửi bằng Việt Nam đồng các kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng cũng hỗ trợ các ngân hàng giảm chi phí đầu vào. Từ đó, ngân hàng có điều kiện thuận lợi giảm lãi suất cho vay, tăng khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp và người dân, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Nhận định về động thái mới nhất này của NHNN, lãnh đạo các ngân NHTM khá đồng tình và ủng hộ quyết định.

"Đối với lần giảm lãi suất lần này, chúng tôi thấy đây là một quyết định đúng đắn, cũng đúng thời điểm và Vietcombank cũng sẽ nhanh chóng triển khai các nội dung liên quan để trả lãi suất theo chỉ đạo của NHNN", ông Lê Quang Vinh – Phó TGĐ Vietcombank cho biết.

Báo cáo Thủ tướng việc hàng loạt doanh nghiệp chờ đóng cửa

Đây là kết quả khảo sát 9.556 doanh nghiệp vừa được Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) gửi Thủ tướng.

Khảo sát của Ban IV cho thấy, trong các tháng còn lại của năm nay, 82,3% doanh nghiệp dự kiến giảm quy mô, tạm ngừng kinh doanh hoặc ngừng kinh doanh. Trong đó, tỷ lệ doanh nghiệp dự kiến ngừng kinh doanh, chờ giải thể là 10,9%; dự kiến tạm ngừng kinh doanh 12,4%; dự kiến giảm mạnh quy mô 38,5% và dự kiến giảm nhẹ quy mô 20,5%.

Nóng lãi suất ngân hàng, lộ lý do hơn 700 triệu cổ phiếu FLC ‘bất động’ ảnh 2
42% doanh nghiệp ngành xây dựng dự kiến giảm mạnh quy mô hoạt động.

Trong số các doanh nghiệp còn hoạt động năm 2023, có 71,2% dự kiến giảm quy mô lao động trên 5%, trong đó có 22,2% dự kiến giảm trên 50%. Có 80,7% doanh nghiệp dự kiến giảm doanh thu trên 5%, trong đó tỷ lệ giảm trên 50% doanh thu là 29,4%.

Niềm tin của doanh nghiệp đối với kinh tế vĩ mô, kinh tế ngành trong bối cảnh này đặc biệt thấp. Theo Ban IV, có đến 81,4% doanh nghiệp được khảo sát có đánh giá tiêu cực/ rất tiêu cực về triển vọng kinh tế Việt Nam trong các tháng còn lại của năm 2023. Tương tự, có đến 83,7% doanh nghiệp đánh giá triển vọng kinh tế ngành năm 2023 là tiêu cực/ rất tiêu cực, trong đó có 29,6% là rất tiêu cực.

Trong bức tranh “tối màu” này, doanh nghiệp thể hiện mức độ đánh giá tiêu cực hơn cả là doanh nghiệp ngành xây dựng; các doanh nghiệp quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa; doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước; doanh nghiệp tại TPHCM.

Báo động không còn điện dự phòng

Chia sẻ tại Hội nghị phát động tiết kiệm điện toàn quốc năm 2023, do Bộ Công Thương tổ chức ngày 22/5, Tổng giám đốc EVN Trần Đình Nhân cho hay, tập đoàn đang đối mặt vô vàn khó khăn. Tính đến ngày 21/5, tại khu vực miền Bắc, tất cả 12/12 hồ thủy điện lớn có lưu lượng nước về hồ rất kém. Đến nay có 17/47 hồ thủy điện lớn có mực nước đã về mực nước chết hoặc gần mực nước chết, tần suất nước về nhiều hồ thấp nhất trong 100 năm qua.

Riêng tháng 4 và đầu tháng 5 nước về các hồ chỉ đạt dưới 50% trung bình nhiều năm, cá biệt một số hồ chỉ đạt 20% so với trung bình nhiều năm, gây thiếu hụt nguồn nước nghiêm trọng cho các hồ thủy điện.

Theo ông Nhân, hàng loạt thuỷ điện và nhiệt điện cùng bị suy giảm công suất do thiếu nước, thiếu than kéo theo khả dụng nguồn của hệ thống điện quốc gia chỉ còn khoảng 42.000 MW. Trong khi đó nắng nóng gay gắt trên toàn quốc khiến phụ tải toàn hệ thống điện ngày 19/5 đã tăng lên mức kỷ lục mới, 924 triệu kWh/ngày.

“Để đảm bảo cung ứng điện, tập đoàn đã phải huy động các nguồn nhiệt điện chạy dầu diesel và mazut. Hiện hệ thống điện đã không còn công suất dự phòng. Dù Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia đã triệt để khai thác tiết kiệm thủy điện nhưng đến ngày 21/5 sản lượng còn lại trong hồ toàn hệ thống là 2,91 tỷ kWh, thấp hơn 1,72 tỷ kWh so với kế hoạch năm. Miền Bắc thấp hơn 1,033 tỷ kWh, miền Trung thấp hơn 435,6 triệu kWh, miền Nam thấp hơn 258 triệu kWh”, ông Nhân cho hay.

Nóng lãi suất ngân hàng, lộ lý do hơn 700 triệu cổ phiếu FLC ‘bất động’ ảnh 3
Tăng cường áp dụng công nghệ sửa chữa điện nóng để hạn chế tối đa gián đoạn cung cấp điện. Ảnh: Thanh Trần.

Để duy trì hoạt động các nhà máy nhiệt điện, EVN đã có văn bản gửi Chủ đầu tư dự án Nhà máy nhiệt điện BOT Duyên Hải 2 là Công ty TNHH Janakuasa Việt Nam (JVL) và Tổng thầu EPC dự án là China Huadian Engineering về việc vay 100.000 tấn than của Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 2. Số than này được để sử dụng cho Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 3 để sản xuất điện, với mục tiêu đảm bảo cung ứng điện trong tình hình cấp bách hiện nay.

5 dự án điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp sắp phát điện lên lưới

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An cho biết, mới đây đã gặp các nhà đầu tư và nghe đầy đủ các vướng mắc việc đàm phán giá các nhà máy điện tái tạo chuyển tiếp.

Đến nay, sau nhiều đôn đốc, 52 dự án với trên 3.000 MW chuyển hồ sơ đến EVN để xem xét đàm phán, vẫn còn 33 dự án chưa nộp hồ sơ. Trong nhóm này, không phải dự án nào cũng đã hoàn thiện đầu tư xây dựng.

Nóng lãi suất ngân hàng, lộ lý do hơn 700 triệu cổ phiếu FLC ‘bất động’ ảnh 4

Thứ trưởng Đặng Hoàng An chỉ đạo EVN trước ngày 31/5 phải hoàn thành việc thí nghiệm, thử nghiệm đối với các nhà máy điện đã có đăng ký.

Hiện có 39 dự án với công suất 2.363 MW đề xuất với EVN ký kết thỏa thuận giá tạm bằng 50% khung giá trần theo quy định. Đến nay, có 16 dự án đã hòa lưới để thí nghiệm các thông số.

"Còn 5 dự án hiện thỏa mãn các hồ sơ và đủ điều kiện phát điện lên lưới sau khi chốt thử nghiệm. Tổng công suất 5 dự án là 303MW. Trong vài ngày tới, 303MW này có thể vận hành thương mại được", ông An cho hay.

Theo đại diện EVN, 5 dự án năng lượng chuyển tiếp có thể vận hành thương mại và phát điện được ngay là: Nhà máy Nhơn Hội (giai đoạn 2), Tân Phú Đông 1, Phú Mỹ 1, Phú Mỹ 3, Trung Nam - Thuận Nam.

Lý do hơn 700 triệu cổ phiếu FLC ‘bất động’

CTCP Tập đoàn FLC (mã FLC) vừa có văn bản cập nhật tiến độ về lộ trình khắc phục các vấn đề vi phạm công bố thông tin. Theo đó, với việc chưa khắc phục được vi phạm công bố báo cáo kiểm toán 2021, hơn 700 triệu cổ phiếu FLC chưa thể quay lại sàn giao dịch.

Trước đó, ngày 28/4/2023, Tập đoàn FLC cam kết báo cáo kiểm toán năm 2021 sẽ được chính thức phát hành không muộn hơn ngày 25/5. Tuy nhiên đến nay, theo văn bản số 63/2023/CV UHY của Công ty TNHH Kiểm toán và tư vấn UHY ngày 25/5, sau quá trình trao đổi thống nhất, vẫn tồn tại một số vấn đề chưa đạt được sự đồng thuận giữa hai bên vì vậy báo cáo tài chính chưa được hoàn thành.

Nóng lãi suất ngân hàng, lộ lý do hơn 700 triệu cổ phiếu FLC ‘bất động’ ảnh 5
Hơn 700 triệu cổ phiếu FLC chưa thể quay lại giao dịch trên sàn.

FLC cho biết sẽ gấp rút phối hợp với Công ty TNHH Kiểm toán và tư vấn UHY để phát hành các báo cáo tài chính và công bố thông tin theo quy định. Sau khi các báo cáo tài chính năm 2021 được phát hành, Hội đồng quản trị Tập đoàn FLC sẽ triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông thường niên để thông qua việc lựa chọn đơn vị kiểm toán các báo cáo tài chính của năm tài chính 2022. Trên cơ sở đó, công ty sẽ tiến hành làm việc với đơn vị kiểm toán để thực hiện kiểm toán các báo cáo tài chính năm 2022.

Hiện, FLC đang trong diện hạn chế giao dịch từ ngày 25/5 do chậm công bố báo cáo kiểm toán năm 2022. Đồng thời, cổ phiếu FLC cũng tiếp tục bị đình chỉ giao dịch (ngày 24/2).

Giá xăng tăng sau 3 lần giảm liên tiếp

Liên Bộ Tài chính - Công Thương cho biết, từ 15h ngày 22/5, giá bán lẻ xăng RON 95 được điều chỉnh tăng 490 đồng/lít lên 21.490 đồng/lít; xăng E5 RON 92 tăng 385 đồng/lít lên 20.480 đồng/lít.

Trong khi đó, giá bán lẻ dầu diesel 0.05S tăng 300 đồng/lít lên 17.950 đồng/lít. Giá dầu mazut tăng 290 đồng/kg lên 15.150 đồng/kg. Ngược lại, giá dầu hỏa giảm 10 đồng/lít còn 17.960 đồng/lít.

Tại kỳ hôm nay, cơ quan điều hành tiếp tục không chi sử dụng từ Quỹ bình ổn với xăng, dầu. Mức trích lập vào Quỹ bình ổn giá với các mặt hàng xăng cũng giữ nguyên 300 đồng/lít

Tính từ đầu năm, xăng dầu đã trải qua 14 lần điều chỉnh giá. Trong đó có 7 lần tăng, 6 lần giảm và 1 lần giữ nguyên.

MỚI - NÓNG