Quốc hội thảo luận tại hội trường:

“Nóng” đề án mở rộng Hà Nội

“Nóng” đề án mở rộng Hà Nội
TP - Nghị trường Quốc hội khá “nóng” khi có tới 31 đại biểu phát biểu trong phiên thảo luận tại Hội trường về mở rộng địa giới thủ đô Hà Nội, sáng qua (19/5).

Có nhiều ý kiến, dù tán thành với chủ trương mở rộng thủ đô, nhưng lại chưa đồng thuận với phương án và thời điểm mở rộng Hà Nội như Tờ trình của Chính phủ.

Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng và 5 bộ trưởng đã phải đăng đàn để cung cấp thông tin, lý lẽ nhằm thuyết phục các đại biểu Quốc hội.

“Nóng” đề án mở rộng Hà Nội ảnh 1

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trao đổi với đại biểu Nguyễn Ngọc Đào (Hà Nội) trong giờ QH giải lao. Ảnh: Nguyễn Tuấn

Lý lẽ của Chính phủ

Ý kiến của 6 thành viên Chính phủ (một Phó Thủ tướng, Bộ trưởng các Bộ: GT-VT, NN&PTNT, Tư pháp, Nội vụ, Thông tin & truyền thông) thể hiện sự đồng tình, nhất trí cao với chủ trương mở rộng địa giới thủ đô Hà Nội như Tờ trình của Chính phủ.

Những ý kiến này xuất phát từ việc cho rằng thủ đô có quy mô nhỏ, đang quá tải về giao thông, đô thị, ô nhiễm môi trường nên mở rộng Hà Nội (như phương án đề cập trong tờ trình) là đòi hỏi tất yếu để phát triển.

Điều đó cũng thể hiện rõ chủ trương phát triển thủ đô Hà Nội theo mô hình đa chức năng (là trung tâm chính trị - hành chính- văn hóa giáo dục và kinh tế). Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng nói: Việc mở rộng như đề án là phù hợp với tầm nhìn, phù hợp với Hiến pháp và các văn bản pháp luật.

Cơ quan chuyên môn cũng đã đưa ra 9 tiêu chí khi xây dựng đề án. Và thực tiễn cho thấy quy mô thủ đô hiện nay không đáp ứng được yêu cầu phát triển. “Ngay tại hội trường này các ý kiến thảo luận cũng còn khác nhau, nhưng ta phải căn cứ vào ý kiến của cơ quan chuyên môn để quyết định”- Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng đề nghị Quốc hội thông qua chủ trương mở rộng địa giới hành chính theo phương án trong tờ trình, sau đó giao Chính phủ tổ chức bộ máy, tổ chức làm quy hoạch. Ông cho rằng, Chính phủ đã chuẩn bị đề án rất kỹ. “Quốc hội phải quyết định thì Chính phủ mới làm được, nếu dừng lại sẽ rất khó khăn cho Chính phủ và các tỉnh liên quan” – Phó Thủ tướng nói.

Từ yêu cầu bức thiết về giao thông, Bộ trưởng GT-VT Hồ Nghĩa Dũng đồng thuận với phương án mở rộng Hà Nội: Quỹ đất giao thông cho Hà Nội mới chỉ đạt khoảng 7%, trong khi nhu cầu cần tới 20-25%, thủ đô nhiều nước cũng phải sử dụng quỹ đất như vậy. “Với  quy mô Hà Nội hiện tại, sẽ không thể giải được bài toán về giao thông đô thị”- Bộ trưởng Dũng nói. Ông cũng cho rằng, cần có quỹ đất để làm hạ tầng, đồng thời có quỹ đất để tạo ra cơ chế về vốn, để các nhà đầu tư tham gia vào đầu tư hạ tầng.

Bộ trưởng Nội vụ Trần Văn Tuấn cũng phát biểu để thuyết phục Quốc hội, ông cho rằng quá trình chuẩn bị Đề án mở rộng thủ đô là rất công phu, khoa học.

Bộ trưởng Nội vụ cũng xin nhận khuyết điểm do chuẩn bị gấp nên Tờ trình còn sơ sài, có một số lỗi do soát xét chưa kỹ. “Tuy nhiên những chi tiết sai sót đó không ảnh hưởng đến nội dung cơ bản tờ trình, việc mở rộng địa giới là cần thiết. Kính mong Quốc hội ủng hộ để Chính phủ thực hiện các bước quy hoạch theo pháp luật”- Bộ trưởng Tuấn đề nghị.

ĐB Võ Trọng Việt (Sơn La), Nguyễn Khắc Nghiên (Phú Thọ) cùng một số đại biểu đồng thuận với đề án về mở rộng Hà Nội theo phương án ở tờ trình của Chính phủ - xuất phát từ góc độ tầm quan trọng trong việc phòng thủ cho thủ đô. Ông Việt cũng đề nghị Chính phủ có chính sách thu hút nguồn lực, nhân tài trong nước, nhưng cần giải trình thêm vấn đề vốn, giải quyết những vấn đề trước mắt ra sao khi xây dựng thủ đô hiện đai, để Quốc hội có đủ thông tin.

Nhiều đại biểu còn lo lắng

Luồng ý kiến cho rằng không nên mở rộng Hà Nội như phương án trong tờ trình của Chính phủ cũng có những lý lẽ riêng. Các đại biểu cho rằng tờ trình quá sơ sài, không đủ thông tin để Quốc hội quyết định, trong khi thời điểm đưa ra thực hiện là quá gấp gáp.

ĐB Cao Sỹ Kiêm (Thái Bình) đề nghị nên lấy ý kiến nhân dân, ý kiến các nhà lãnh đạo qua các thời kỳ, có khái toán kinh phí, chẳng hạn như việc chuyển trung tâm hành chính về Hòa Lạc là bao nhiêu? ĐB Đặng Như Lợi (Cà Mau) cho rằng cần làm rõ mở rộng rồi làm quy hoạch hay có quy hoạch rồi quyết định mở rộng thì hiệu quả hơn?

Ông Lợi cũng cho rằng không thể giữ mãi bài ca “lấy hạ tầng để đổi lấy tài chính”. Quốc hội nên nhất trí chủ trương và giao Chính phủ làm lại đề án và cần được phản biện, sau đó sẽ thông qua vào một thời điểm thích hợp.

Thời điểm phù hợp là thời điểm nào? ĐB Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) đề nghị: “Quốc hội không hứa là phải thông qua vào kỳ họp thứ tư hay thời điểm nào, mà là khi nào Chính phủ chuẩn bị xong đề án thì quyết”. “Nhiều trường Đại học mang tên Paris nhưng lại ở ngoại thành, Lầu năm góc cũng không ở thủ đô Washington. Vậy tại sao cứ phải mở rộng Hà Nội mà không sắp xếp lại?”- Ông Thuyết đặt câu hỏi.

Cũng theo ông Thuyết, mở rộng thủ đô là việc quan trọng, dự án lớn hơn nhiều so với thủy điện Sơn La, nhà máy lọc dầu Dung Quất. Vì vậy, Quốc hội phải hết sức cân nhắc: Cân nhắc vì sao nhiều ĐB Hà Nội, Hà Tây, MTTQ, Ủy ban pháp luật không đồng tình?

“Có người nói đấy là vì đất- nếu mình quyết định nhanh quá thì làm sao giải thích với dân được. Tôi cho rằng vừa chạy, vừa xếp hàng thì không tốt. Không thể cứ thông qua chủ trương rồi quyết định sau”- Ông Thuyết nói.

Theo ĐB Nguyễn Lân Dũng (Đắk Nông), việc mở rộng theo tờ trình Chính phủ sẽ đưa Hà Nội xếp thứ hai về thủ đô có diện tích lớn nhất trên thế giới- chỉ sau Tôkyô (Nhật bản), lớn hơn cả nội thành Bắc Kinh (780km2).

“Nhưng mục tiêu mở rộng là gì? Không thể chấp nhận mục tiêu là để có thêm quỹ đất làm hạ tầng! Một dự luật còn phải qua hai kỳ họp. Việc mở rộng thủ đô phải được thẩm định chặt chẽ, không có lý do gì để phải biểu quyết ngay”- Ông Dũng nói.

Không đồng tình với đề án, ĐB Nguyễn Ngọc Đào (Hà Nội) đề nghị, Chính phủ nên thành lập một ủy ban đặc trách trực thuộc Thủ tướng bàn về việc mở rộng thủ đô. Trên cơ sở đó, Chính phủ có một tờ trình hợp lý, chặt chẽ, hợp ý Đảng, lòng dân.

“Chúng ta không lo muộn trình Quốc hội. Hãy có một tờ trình nghiêm túc, để quyết định vào kỳ họp tới - đấy là phương án thứ nhất”. Phương án thứ hai, theo ĐB Đào: “Lần này chúng ta thông qua một nghị quyết, nhưng tôi đề nghị chỉ một nội dung - đó là nghị quyết nhất trí mở rộng Hà Nội và giao Chính phủ thực hiện trình đề án vào kỳ họp tới. Ngoài ra, các tỉnh sẽ ngồi lại với Hà Nội quyết định mở rộng Hà Nội bao nhiêu? Theo tôi, nên mở rộng 1,5 lần hiện nay là hợp ý Đảng, lòng dân”.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng:

Tôi đang lắng nghe đại biểu

“Có những ý kiến góp ý đúng và chưa đúng. Tôi sẽ phát biểu trước khi QH biểu quyết”- Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trao đổi với báo giới giờ giải lao phiên thảo luận. Thủ tướng nói: “Tôi đang lắng nghe đại biểu”. Trả lời câu hỏi của phóng viên: “Ông nghĩ thế nào nếu trường hợp xấu nhất QH không thông qua Nghị quyết?”, người đứng đầu Chính phủ nói: “Không có trường hợp nào xấu nhất cả”.

Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng:

QH xin ý kiến đại biểu bằng phiếu về mở rộng Hà Nội

Phát biểu kết thúc phiên thảo luận, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng nói: “Chúng ta có 493 vị đại biểu, dù có phát biểu 7 phút trên hội trường thì cũng mới được 31 vị phát biểu thôi.

Theo ý kiến của một số vị đại biểu đề nghị gửi phiếu xin ý kiến các vị đại biểu, có 3 nội dung, đây là vấn đề lớn, quan trọng, nhạy cảm như chúng ta vẫn thường nói, mong các vị đại biểu suy nghĩ, cân nhắc kỹ và bày tỏ chính kiến của mình.

Các vị gửi lại để đoàn thư ký kịp tổng  hợp, chúng tôi sẽ chỉ đạo tổng hợp một cách đầy đủ. Đề nghị Chính phủ chuẩn bị giải trình, tiếp thu một cách nghiêm túc nhất. Sau đó, chúng ta sẽ quyết định các bước sau”.

Bộ trưởng Nội vụ Trần Văn Tuấn:

Phương án mở rộng thủ đô có từ năm 2003

“Nóng” đề án mở rộng Hà Nội ảnh 2

“Chính phủ đã thành lập Ban chỉ đạo (Bộ Xây dựng chủ trì) xây dựng quy hoạch vùng thủ đô và phương án mở rộng thủ đô Hà Nội từ năm 2003. Năm 2005, Bộ Chính trị khóa IX đã giao nhiệm vụ cho lãnh đạo của thành phố Hà Nội.

Năm 2006, cùng với xây dựng, phê duyệt quy hoạch vùng thủ đô là xây dựng dự án mở rộng thủ đô Hà Nội.

Ngày 28/1/2008, Ban chấp hành Trung ương khóa X, kỳ họp thứ 6 sau khi xem xét Tờ trình của Bộ Chính trị và phương án mở rộng địa giới thành phố Hà Nội đã có kết luận số 19 thống nhất về mặt chủ trương như phương án Bộ Chính trị đã trình và giao cho Ban cán sự Đảng Chính phủ chỉ đạo xây dựng Tờ trình để trình Quốc hội.

Chính phủ đã xây dựng Tờ trình số 60 về mở rộng địa giới hành chính TP Hà Nội, báo cáo Quốc hội ngày 13/5/2008”. 

Bộ trưởng GTVT Hồ Nghĩa Dũng:

Không mở rộng khó giải bài toán giao thông đô thị

“Nóng” đề án mở rộng Hà Nội ảnh 3

Đề án mở rộng thủ đô Hà Nội theo phương án 1 mà Chính phủ trình, dưới góc độ giao thông, tôi thấy đây là phương án tốt và có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển giao thông vận tải theo hướng hiện đại và tạo tiền đề để giải quyết bền vững về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông.

Tiêu chí quốc tế là tỷ lệ quỹ đất dành cho giao thông đô thị từ 22-24% (hiện ở Băng Kốc khoảng 25%, ở Kuala Lumpur là 23,8% và ở Bắc Kinh khoảng 29%), trong khi đó, Hà Nội tỷ lệ này mới ở khoảng 7%, như vậy chỉ bằng 20-30% so với các nước trong khu vực.

Về mật độ diện tích dành cho giao thông tính theo đầu người, Hà Nội hiện là 2,46 m2/người, chỉ bằng 10% so với các nước. Số km đường giao thông trên 1.000 dân trong khu vực khoảng 0,95 - 1 thì ở Hà Nội là 0,31 chỉ bằng 30% so với các nước…

Hạ tầng giao thông của thủ đô Hà Nội như vậy là rất bất cập. Với hiện trạng giao thông như thế, mà tỷ lệ tăng dân số tự nhiên, cộng với tỷ lệ nhập cư vào Hà Nội đang tăng cao với tốc độ gia tăng phương tiện cá nhân trên 2 chữ số hàng năm, thì quỹ đất giao thông và địa giới hành chính hiện nay không thể nào đạt được mức trung bình của thế giới và rất khó để giải được bài toán giao thông đô thị một cách bền vững, lâu dài.

ĐB Dương Trung Quốc:

Vấn đề quan trọng sao lại vội vã?

“Nóng” đề án mở rộng Hà Nội ảnh 4

Chúng tôi không phản đối việc mở rộng, mà điều đáng suy nghĩ là tại sao lại vội vã trước một vấn đề quan trọng như vậy?

Trong bình luận của người dân họ đưa ra một cách nhận thức không phải là không đúng rằng nếu chúng ta thực thi một việc quan trọng như thế này thì đây chẳng khác là cuộc “du canh” vĩ đại của thế kỷ XXI mà thôi.

Chúng tôi còn nói thêm rằng, không những chỉ “du canh” mà chúng ta lại không “du cư”. Bởi vì tất cả các vị đại biểu người Hà Nội đang sống ở Hà Nội ở đây liệu có sẵn sàng đi lên Hòa Bình, Sơn Tây ở không?

Tôi xin nói với đồng chí Bộ trưởng Bộ GTVT, chúng ta đã điều hành đất nước hơn 50 năm nay, lại có 20 năm đổi mới, tất cả những hệ quả giao thông hiện nay là do chúng ta gây ra!

Trước kia bước ra khỏi cửa ô Hà Nội là đất rộng mênh mông, lúc đó nếu chúng ta quy hoạch giao thông theo tỷ lệ, tỷ trọng đúng với tiêu chuẩn quốc tế thì chúng ta có ngay. Nhưng tại chúng ta làm như vậy, xử lý như vậy? Chúng ta phải chịu trách nhiệm về nó, nay lại mở rộng để giải quyết, tôi cho đấy là một giải pháp không thực tế.

ĐB Nguyễn Lân Dũng:

Năm 2050 thủ đô vẫn còn 4 triệu dân nông thôn?

“Nóng” đề án mở rộng Hà Nội ảnh 5

Tôi chưa thấy bất kỳ lý do gì buộc các đại biểu Quốc hội vội vã biểu quyết trong kỳ họp này, các luật không mấy quan trọng cũng còn phải thảo luận qua 2 kỳ họp nữa là chuyện quốc gia đại sự này.

Giữa lúc trình độ quản lý thủ đô chưa cao và biết bao lúng túng bất cập như vậy thì khi mở to ra liệu năng lực quản lý có đảm đương được hay không?

Lẽ nào đến tận năm 2050 mà thủ đô Hà Nội vẫn còn 4 triệu cư dân nông thôn, Sóc Sơn về Hà Nội bao lâu rồi mà sao vẫn còn nghèo đói như vậy, nay lại gộp to như vậy, liệu có đến lúc phải tách ra như việc làm trước đây đối với Hà Nam Ninh, Hà Sơn Bình…”. 

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.