Nông dân xuất ngoại, học gì?

Nông dân xuất ngoại, học gì?
TP - UBND TPHCM vừa phê duyệt Đề án Đưa nông dân đi học tập ở nước ngoài. Ông Trần Trường Sơn- Phó Chủ tịch Hội Nông dân TPHCM - Đơn vị xây dựng đề án đã trả lời phỏng vấn Tiền Phong.

> Thủ tướng trình bày Báo cáo kinh tế - xã hội
> Tăng trưởng GDP 'thua xa' mục tiêu đề ra

Thưa ông, cơ sở nào khiến Hội Nông dân TPHCM xây dựng đề án này?

Quá trình đô thị hóa đang tăng nhanh tại TPHCM, bình quân 1 năm, diện tích đất nông nghiệp bị mất khoảng 1.000ha do chuyển đổi sang đất công nghiệp, đất đô thị. Một bộ phận nông dân được chuyển đổi ngành nghề nhưng đa số vẫn phải làm nghề gắn với đất.

Mức thu nhập của nông dân tại TPHCM hiện nay vào khoảng 200 triệu đồng/ha/năm, tuy cao hơn so với bình quân của cả nước nhưng vẫn thấp hơn so với yêu cầu đặt ra. Ngoài ra, việc xây dựng nông thôn mới có nhiều yêu cầu đòi hỏi như nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp, xây dựng chuỗi liên kết từ nhà sản xuất cho tới người tiêu dùng. Để làm được thì nông dân cần có những thay đổi trong cách làm nông nghiệp như tham gia vào tổ chức hợp tác xã, định hướng nuôi trồng theo kỹ thuật mới.

Nông dân sẽ được đưa đi học tập ở đâu và nội dung học là gì?

Chúng tôi đưa người nông dân đi nước ngoài chủ yếu là để cho nông dân thấy được cách làm ăn khoa học, chuyên nghiệp của những nông dân ở nước ngoài. Những năm trước đây, chúng tôi cũng từng đưa gần 100 nông dân đi học tập kinh nghiệm tại một số nước như, Trung Quốc, Thái Lan.

Bản thân tôi cũng một lần đi tìm hiểu tại Đài Loan và phải thừa nhận họ đã tổ chức sản xuất nông nghiệp rất tốt, rất khoa học. Ví như người nông dân được giao đất nông nghiệp phải là người thực sự làm nông nghiệp, nếu không làm sẽ bị nhà nước trưng mua để giao lại cho người khác.

Sản phẩm nông nghiệp không có ai bao tiêu mà được tổ chức bán đấu giá tại các phiên chợ nông sản. Người mua nông sản trúng đấu giá có những yêu cầu nông dân phải làm ra sản phẩm phù hợp nhu cầu thị trường như về chất lượng, về mẫu mã bao bì...

Ai là những người được lựa chọn đưa đi học và đây có phải là giải pháp xây dựng nông thôn mới?

Chúng tôi đã đề xuất có khoảng 20% cán bộ quản lý cũng đi học tập cùng nông dân. Dĩ nhiên không thể đưa toàn bộ nông dân TPHCM đi học tập được mà chúng tôi chỉ lựa chọn những nông dân tiêu biểu.

Thời gian học tập các mô hình nông nghiệp ở nước ngoài sẽ giúp cho họ có những thay đổi trong nhận thức và cách làm để khi trở về, họ sẽ trở thành những hạt nhân nòng cốt trong việc thực hiện cũng như tuyên truyền về những mô hình, những cách làm nông nghiệp mới.

Tuy nhiên, tôi cũng khẳng định đưa nông dân đi học tập ở nước ngoài chỉ là một trong những giải pháp trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Còn rất nhiều giải pháp khác như khuyến nông, xây dựng chuỗi liên kết chặt chẽ giữa nông dân và nhà kinh doanh, người tiêu dùng.

Mục tiêu xây dựng nông thôn mới tại TPHCM trong những năm tới sẽ như thế nào?

Hiện nay đời sống người nông dân TPHCM vẫn chưa tương xứng với sự phát triển của xã hội. TPHCM hiện có 56 CLB nông dân sản xuất giỏi. Chúng tôi sẽ lấy cơ sở từ đây để xây dựng mô hình nông thôn mới với nhiều hoạt động sẽ được đặt ra như tổ chức ứng dụng khoa học kỹ thuật, đào tạo nghề, hỗ trợ vốn và hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm…

Cảm ơn ông.

Theo đề án, từ năm 2014 đến năm 2018 sẽ có 100-125 nông dân, cán bộ quản lý, xã viên hợp tác xã, tổ hợp tác, các trang trại trên địa bàn thành phố được tham quan học tập kinh nghiệm tại các nước Thái Lan, Hàn Quốc, Malaysia, Singapore, Trung Quốc. Nông dân sẽ được học hỏi về khoa học kỹ thuật, công nghệ hiện đại trong sản xuất các loại rau, hoa, cây kiểng, cá cảnh, bò sữa, nuôi tôm quy mô lớn; các mô hình du lịch sinh thái nông nghiệp...

 

Trọng Thịnh
Thực hiện

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG