Trả giá
Dọc con sông Cái Tàu, thuộc ấp 18, 19, 20 của xã Nguyễn Phích (U Minh, Cà Mau) ngày nay đã khác xưa rất nhiều. Bộ mặt xóm làng đổi thay, nhà cửa khang trang, xe máy nhộn nhịp chạy trên đường xi-măng, xuồng ghe xuôi ngược trên sông. Để có được ngày hôm nay là nhờ vào việc thay đổi vật nuôi, cây trồng ở địa phương vốn bị nước mặn xâm lấn nội đồng. Song, nguyên nhân sâu xa của sự thay đổi đó lại bắt đầu từ sự “xé rào” của những người nông dân nơi này.
Năm 1992, vợ chồng ông Nguyễn Văn Hà (ở ấp 18, xã Nguyễn Phích) cùng hàng trăm hộ dân nhận khoán bình quân từ 5- 6 ha/hộ của Lâm ngư trường Sông Trẹm sản xuất nông nghiệp, trồng rừng theo tỷ lệ 3/7. Nhận thấy rừng tạp, cây tràm không lớn vì nhiễm mặn quanh năm, trồng lúa phần đất cho phép liên tục mất mùa, đời sống khổ sở nên ông Hà mang dao chặt phá cây, dọn thêm diện tích nuôi tôm và trồng lúa. Sau đó ông bị Hạt Kiểm lâm U Minh lập biên bản và bị khởi tố về tội “hủy hoại rừng”. Tháng 3/2015, ông Hà bị xử phạt 3 tháng tù giam. Sau sự kiện đó, ông Hà, được bà con địa phương đặt biệt danh “Hà bá”. “Tôi trả giá cho việc “phá rào” để nuôi tôm, nhưng xóm làng đổi thay nhờ cấy một vụ lúa - một vụ tôm”- ông Hà nói giọng buồn rầu.
Không riêng ông Hà, nhiều người dân khác ở địa phương cũng làm theo cách của ông Hà và đều bị quy vào tội tương tự. Bà Nguyễn Thị Nhàng, (78 tuổi, ở ấp 20, xã Nguyễn Phích) có con trai út là Phù Văn Út cũng bị 6 tháng tù treo vì tội hủy hoại rừng. Bà nói: “Vợ chồng tôi nhận khoán 5 ha đất sản xuất nông nghiệp, trồng rừng với tỷ lệ 3/7 làm sao sống nổi, đành phải phá rừng trồng lúa-nuôi tôm”. Bà Nhàng cho biết, sau khi mãn hạn tù, Út vẫn tiếp tục trồng lúa - nuôi tôm “vì đất nhiễm mặn, rừng tràm ven sông có xanh tốt được đâu”.
Ông Dư Bé Ba-Chủ tịch UBND huyện U Minh nói: “Chúng tôi không muốn dân phải vào tù, bà con làm ăn khá là mừng rồi nhưng điều chỉnh quy hoạch chậm, không sát với thực tế. Việc chuyển đổi quy hoạch sử dụng đất vượt quá thẩm quyền cấp huyện nên phải chờ cấp trên”.
Lão nông Huỳnh Văn Tuôi, 81 tuổi, ở thị trấn Rạch Gốc (Ngọc Hiển, Cà Mau), nói: “Tôi nhìn bằng mắt thường, lục trí nhớ, triều cường năm sau cao hơn năm trước, nhanh hơn kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng của các nhà khoa học cảnh báo”.
Lúa - tôm bền vững
Ông Võ Hồng Ngoãn (Sáu Ngoãn), vua tôm sinh thái tỉnh Bạc Liêu tính toán hiệu quả mô hình tôm quảng canh- trồng lúa. Chi phí làm đất, giống, phân bón, công thu hoạch 18 triệu đồng, lợi nhuận 13,5 triệu đồng/ha, thu lợi chỉ 60% vốn đầu tư. Nuôi tôm quảng canh phải đầu tư sên vét, giống tôm,… chi phí 8 triệu đồng, thu hoạch 50 triệu đồng, lợi nhuận 42 triệu đồng/ha. Ông Sáu Ngoãn quả quyết: “Mô hình lúa- tôm, bà con nông dân nghèo dễ làm, không cần trình độ khoa học cao, hiệu quả gấp 5 lần cây lúa. Con tôm chất lượng cao, rất phù hợp với biến đổi khí hậu”.
Tỉnh Cà Mau có 254 km bờ biển với hàng trăm cửa sông ăn thông ra biển nên xâm nhập mặn rất nhanh. Từ năm 2000, bà con ở các huyện Thới Bình, U Minh, Trần Văn Thời, Cái Nước và thành phố Cà Mau chú trọng chuyển hướng sang sản xuất lúa-tôm theo hình thức trồng 1 vụ lúa nuôi xen với tôm càng xanh, một vụ tôm sú, tôm thẻ chân trắng xen cua... Trong tổng số 262.915 ha nuôi tôm nước lợ, hiện gần 60.000 ha tôm-lúa.
Diện tích lúa - tôm cũng phát triển nhanh tại tỉnh Bạc Liêu. Đến nay, tỉnh Bạc Liêu đứng thứ ba vùng bán đảo Cà Mau có tôm - lúa hơn 30.000 ha, tăng nhanh qua các năm, tập trung ở huyện Hồng Dân, Phước Long, Giá Rai, Vĩnh Lợi. Tại Kiên Giang, mô hình sản xuất lúa - tôm khá phổ biến ở các huyện ven biển như An Minh, An Biên, U Minh Thượng…và đến nay tổng diện tích lúa-tôm ở tỉnh này đã lên tới 77.000 ha. Ông Nguyễn Văn Tâm - Giám đốc Sở NN&PTNT Kiên Giang cho biết, khi chưa có mô hình này, nhiều diện tích ven biển chỉ có thể trồng lúa 1 vụ/năm, năng suất thấp 2- 3 tấn/ha, đời sống rất khó khăn. Nhưng sau gần 15 năm chuyển đổi, năng suất tôm đạt khoảng 280 kg/ha và lúa đạt 4 - 5 tấn/ha.
Thách thức
Tại bán đảo Cà Mau, do đất ngập nước mặn quanh năm nên người dân bỏ qua vụ lúa để tập trung nuôi tôm, nhưng nhiều vùng nuôi tôm quảng canh, độc canh không trúng như những năm mới chuyển đổi, và đó là thách thức của mô hình lúa - tôm ở vùng này. Ông Trần Thanh Liêm ở U Minh (Cà Mau) cho rằng: “Những năm mới chuyển đổi từ đất trồng lúa sang chuyên canh tôm cho năng suất tôm cao, hiệu quả gấp 5 lần trồng lúa. Nhưng những năm sau, năng xuất tôm giảm dần, tôm chết nhiều khiến người nuôi lo ngại”.
Theo ông Lương Ngọc Lân - GĐ Sở NN&PTNT Bạc Liêu, thực tế những năm qua, bà con gieo cấy lúa sau nuôi tôm còn thấp, khoảng 30% diện tích do thời tiết hoặc bà con không còn mặn mà với lúa. Ông Nguyễn Văn Minh, nông dân ở xã Khánh Lâm (U Minh, Cà Mau) nói: “Cái khó hiện nay là không có giống lúa chịu mặn và ngắn ngày để đối phó với lượng mưa ít, thời gian mưa ngắn. Chúng tôi rút ngắn sản xuất lúa bằng cách gieo mạ trên bờ ruộng, rồi đợi rửa mặn xong mới cấy xuống ruộng”.
Theo kỹ sư Nguyễn Trần Thức, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Cà Mau, nuôi tôm nhiều năm sẽ làm cho đất mặn hóa, nghèo vi sinh vật và nhiều yếm khí sinh độc tố. Nếu trồng lúa sẽ bù vi sinh vật hoạt động lại, rễ lúa sẽ đưa ô-xy xuống, độc tố sẽ bay đi. Luân canh lúa - tôm là mô hình bền vững.
Theo GS Võ Tòng Xuân, bà con trồng một vụ lúa, thu hoạch xong, cho nước mặn vô, pha với nước ngọt còn lại, để nuôi tôm, nuôi cua, nuôi cá… Nước mặn vô không làm hư đất vì mặt đất còn ướt. Bà con có khoảng 5 tháng để nuôi tôm, nuôi cua, cá kèo hoặc các loài thủy sản khác để tăng thu nhập. Rồi mùa mưa xuống, đóng cống lịa, rửa mặn, trồng lúa. Nếu phổ biến sản xuất vùng ven biển một vụ lúa, một vụ tôm thì rất bền vững.