Nông dân 'vắt óc' cải tiến công nghệ sản xuất nước đá để tiết kiệm điện

Nông dân 'vắt óc' cải tiến công nghệ sản xuất nước đá để tiết kiệm điện
TP - Xuất phát từ việc cạnh tranh gay gắt trên thị trường, nhiều cơ sở sản xuất nước đá trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu mà chủ nhân là những nông dân đích thực đã tìm mọi biện pháp cải tiến công nghệ, quản lý để giảm tiêu hao điện năng, hạ giá thành sản phẩm.

> Các 'sao' cùng tiết kiệm điện
> Doanh nghiệp vùng cao đồng hành tiết kiệm điện
> Tiết kiệm điện ở huyện đảo Phú Quý

Anh Lý Hồng Sơn, chủ một cơ sở sản xuất nước đá tại ấp 15, xã Vĩnh Mỹ B (huyện Hòa Bình) chia sẻ: “Do giá bán cạnh tranh theo thị trường, trong khi giá điện ngày càng tăng nên muốn sản phẩm mình được giá rẻ thì chỉ còn cách tiết kiệm chi phí sản xuất, trong đó chi phí tiền điện là chủ yếu và dễ tiết kiệm nhất”.

Theo anh, hầu hết các cơ sở sản xuất nước đá đều đã và đang sử dụng loại motor có công suất gần sát với công suất đầu kéo máy lạnh, lắp tụ bù để bù công suất phản kháng, thay hệ thống đèn chiếu sáng bằng đèn compact tiết kiệm điện… Tuy nhiên, sản lượng điện tiết kiệm không đáng kể.

Theo anh Sơn, để nâng cao hiệu quả và tiết kiệm điện đáng kể thì phải tập trung ngay trong quá trình sản xuất. Hiện nay, cơ sở của anh đang áp dụng giải pháp giải nhiệt cho giàn nóng máy lạnh bằng quạt gió công nghiệp vừa đảm bảo vận hành tốt quy trình sản xuất nước đá vừa giảm một lượng điện năng đáng kể do giảm được một motor bơm nước giải nhiệt có công suất 3 pha là 7,5 kWh (motor 10 HP). Anh Sơn cho biết, cơ sở của anh có ba giàn máy, mỗi giàn thiết kế hai motor 3 pha công suất 7,5 kW để bơm nước giải nhiệt cho giàn nóng máy lạnh.

Anh kể: “Trước đây, có một giàn máy bị hư một motor bơm nước giải nhiệt, để đảm bảo hợp đồng tôi vẫn phải tiếp tục vận hành máy bằng một motor. Do lượng nước giải nhiệt không đủ đáp ứng nên giàn nóng bị tăng nhiệt quá mức cho phép. Thấy nước giải nhiệt trong hồ quá nóng, ruột tôi nóng theo nhưng không biết làm sao. Chợt tôi nhìn thấy cây quạt gió trong xưởng cơ khí cạnh đó nên đã mượn để “chữa cháy” tạm thời. Trong thời gian sử dụng quạt để làm mát, tôi luôn theo dõi nhiệt độ của nước trong hồ và nhận thấy nước có nhiệt độ thấp hơn cả lúc sử dụng hai motor để bơm nước làm mát. Tôi tiếp tục thử nghiệm thêm một thời gian và cuối cùng quyết định giảm bớt mỗi hầm máy một motor bơm nước và thay vào đó một cây quạt công nghiệp công suất 1 kW”.

Anh Sơn nhẩm tính, nếu thay thế một motor công suất 7,5 kW bằng một cây quạt gió công suất 1 kW, mỗi tháng anh giảm được trên 10.000 kWh và tiết kiệm trên 10 triệu đồng tiền điện. Theo anh Sơn, nhờ làm giải nhiệt tốt cho giàn nóng nên thời gian làm đông đặc nước đá cũng nhanh hơn, nước đá sản xuất ra cũng đạt chất lượng hơn, không bị bọng nước như lúc trước.

Cơ sở sản xuất nước đá Nhân Tài tại ấp 1A, xã Phong Thạnh Tây A, (huyện Phước Long) lại có cách cải tiến khác, nhưng hiệu quả không kém. Chú Ba Niên, chủ cơ sở, cho biết hầm đá của chú trước đây cũng có hai motor bơm nước tuần hoàn giải nhiệt.

Chú Niên kể, trong một lần đến Long Xuyên, ông thấy hãng nước đá ở đây (vùng nước ngọt) người ta không xây hồ chứa nước như ở vùng nước mặn của mình mà bơm trực tiếp nước từ sông lên để làm mát giàn nóng. Vì vậy họ chỉ sử dụng một motor là đủ để bơm nước làm mát.

“Về nhà tôi suy nghĩ nhiều, vì ở Bạc Liêu nước sông có độ mặn cao, nếu bơm trực tiếp lên giàn nóng để làm mát thì các ống sẽ nhanh bị hư hỏng vì bị ăn mòn. Để khắc phục đều này, tôi đào một cái ao chứa nước ngọt, phía dưới giàn nóng tráng xi măng cho phẳng và làm dốc cho nước chảy được từ dưới giàn nóng về lại ao để thành một vòng tuần hoàn khép kín. Với vòng tuần hoàn này, nước sẽ được làm mát nhanh hơn nên chỉ cần một motor bơm nước giải nhiệt là đủ” - chú Ba Niên chia sẻ.

Từ khi áp dụng việc giải nhiệt nêu trên, cơ sở Nhân Tài của chú Ba Niên giảm được hai motor bơm nước giải nhiệt có công suất 5 HP và mỗi tháng ít nhất cũng tiết kiệm được gần 6.000 kWh điện, tương đương trên 6 triệu đồng. “Bây giờ cạnh tranh ghê quá, mình cũng phải tìm mọi cách để giảm chi phí mới mong cạnh tranh được với người ta” - chú Ba Niên tươi cười bộc bạch.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Sắp thử tải cầu vượt biển hàng đầu Việt Nam
Sắp thử tải cầu vượt biển hàng đầu Việt Nam
TPO - Ngày 13/12, Sở Giao thông vận tải tỉnh Bình Định cho biết đã thông báo tổ chức giao thông tạm thời qua cầu Thị Nại, TP. Quy Nhơn. Thời gian xếp xe thử tải bắt đầu từ lúc 8h đến 22h ngày 15/12. Đây là cầu vượt biển đầu tiên được xây dựng ở Việt Nam, hiện là cầu vượt biển dài thứ 2, sau cầu Tân Vũ - Lạch Huyện ở Hải Phòng.