Nông dân và những nỗi lo sau lụt

Nông dân và những nỗi lo sau lụt
TP - Cả ngày qua, 5/11, nhóm PV Tiền phong quay lại một số điểm ngập lụt nặng nhất, để chứng kiến những khó khăn và lắng nghe tâm tư người dân.

Xóm Đồng Nga, thôn Văn Điển (Tứ Hiệp, Thanh Trì, Hà Nội) là nơi cung cấp một số lượng cá lớn cho Hà Nội. Đợt mưa lụt vừa qua khiến những người dân nuôi cá nơi đây không khỏi bàng hoàng bởi thiệt hại lên đến nhiều tỷ đồng.

Chiều 5/11, khi chúng tôi đến thôn Văn Điển, trùm lên tất cả là những khuôn mặt u buồn của người dân nơi đây. Trận lụt kinh hoàng khiến nhiều hộ nuôi cá mất trắng.

Anh Nguyễn Hữu Trung - chủ hai ao cá với diện tích hơn 2 ha - buồn rầu kể: “Cá trong đầm chỉ còn nửa tháng nữa là bán được, vậy mà giờ đây mất hết rồi...”. Mắt anh rơm rớm, nhìn ra xa khi tâm sự với chúng tôi. Gia đình anh Trung bắt đầu nuôi cá từ năm 2001, với nhiều loại cá nước ngọt  như: Phi, rô, chép, chim, trắm...

Ao nhà anh chủ yếu nuôi cá thịt nên mỗi lần thu hoạch cho hàng chục tấn cá, với hàng trăm triệu đồng lãi. Cơn “đại hồng thủy” bất ngờ ập đến hôm 31/10 khiến anh hoàn toàn bất ngờ và không kịp trở tay.

Anh nói: “Nước lên nhanh quá mình không kịp làm gì, vừa loay hoay tìm lưới cắm cho đầm trên nhưng chỉ sau 20 phút đầm dưới đã ngập lên đến 40 cm. Cá trong đầm tràn hết ra sông Kim Ngưu. Nhìn đàn cá bị dòng nước cuốn trôi mà như đứt từng khúc ruột”.

Anh Trung nhẩm tính: “Riêng tiền thức ăn mình đã lỗ hơn 100 triệu đồng, chưa kể tiền cá giống và các khoản chi khác như nhân công, điện, nước... Bây giờ cá trong đầm nhà mình không còn nổi 10%”.

“Do thiên tai thì mình chẳng biết kêu ai. Bây giờ phải làm lại từ đầu thôi, lại mua giống mà thả. Mình đã mua thêm lưới cắm xung quanh đầm để bảo vệ những con cá còn sót lại và cá giống. Nhưng điều khiến tôi buồn nhất là trong lúc hoạn nạn như thế mà chẳng thấy cơ quan chức năng nào xúm tay giúp đỡ...”.

Tại thôn Đồng Trì (xã Tứ Hiệp), nơi có trên 50% dân sống bằng nghề nuôi cá, người dân đang rất bức xúc trước sự thờ ơ các cơ quan chức năng.

Anh Quán Văn Huy - chủ đầm cá rộng hơn 20 ha, bức xúc: “Nghề nuôi thủy sản có nhiều rủi ro, điều đó chúng tôi sẵn sàng chấp nhận. Tuy nhiên, có hai vấn đề khiến tôi rất bức xúc.

Thứ nhất, cơ quan Khí tượng Thủy văn được trang bị thiết bị hiện đại, đội ngũ chuyên môn hùng hậu nhưng dự báo không chính xác, làm chúng tôi bị động trong đối phó mưa lụt.

Thứ hai, trong khi dân nghèo chúng tôi dầm mình trong mưa để giăng lưới, cất vó kiếm từng con cá mong vớt lại chút ít tài sản trôi theo nước lũ thì không thấy bóng các cơ quan chức năng”.

Cùng ý kiến anh Huy, chị Nguyễn Thị Thu (xã Tứ Hiệp) hỏi: “Hằng năm, chúng tôi đóng thuế đầy đủ, theo quy định. Nhưng đến khi xảy ra thiên tai, chẳng có ai chung sức giúp chúng tôi. Phải chăng cấp trên đã bỏ mặc chúng tôi?”.

Chị Thu cũng cho biết, gia đình chị vay ngân hàng mấy trăm triệu đồng để đầu tư đào ao, thả cá. Nhưng trận lụt lịch sử này đã cuốn đi tất cả vốn liếng của gia đình chị.

Giờ đây, ngoài việc lo miếng cơm manh áo cho cả nhà, gia đình chị còn nơm nớp với gánh nặng từ khoản vay ngân hàng.

“Nếu ngân hàng không khoan nợ, giãn nợ thì chúng tôi không biết lấy gì mà sống” - Chị Thu nghẹn ngào.

Tả tơi rau sạch

Hàng trăm ha hoa màu của huyện Đông Anh đã bị nước lũ nhấn chìm. Trong đó, hai xã Tiên Dương và Vân Nội với diện tích trồng rau sạch lớn nhất nước phải hứng chịu thiệt hại nặng nhất.

Tại xã Tiên Dương, phần lớn diện tích trồng xu hào đã mất trắng. Chiều 5/11, khi chúng tôi đến tìm hiểu, nước đã rút nhưng trên khắp cánh đồng mà cách đây ít ngày vẫn còn xanh mơn mởn hứa hẹn một vụ mùa bội thu chỉ còn sót lại vài củ nằm trơ trọi.

Trong mấy ngày mưa to, các máy bơm nước được bà con sử dụng hết công suất để mong cứu được ruộng xu hào nhưng cơn mưa dai dẳng đã làm cho sức người cũng không chống đỡ nổi. Cứ tính trung bình một sào xu hào đầu tư cây giống, phân bón... mất xấp xỉ 2 triệu đồng, nếu thuận lợi sẽ lãi 3-4 triệu đồng. Nhà ít nhất có 2 sào, nhà nhiều 5-6 sào, mức thiệt hại không hề nhỏ.

Tại xã Vân Nội, ở xóm I có khoảng 47 ha rau màu (chủ yếu là rau lấy lá) cũng ngập trắng trong nước. Nguyện vọng của đông đảo bà con lúc này là các cấp có thẩm quyền hỗ trợ ít nhiều cho bà con nông dân ổn định đời sống và kịp làm vụ mùa. Nhiều hộ gia đình vay lãi ngân hàng, nay mất trắng chưa biết trông vào đâu.

Trao đổi với PV chiều 5/11, đại diện một số ngân hàng thương mại đều chung ý kiến: Sẵn sàng khoanh nợ, giãn nợ cho bà con nông dân chịu hậu quả nặng nề của thiên tai đợt này. Tuy nhiên, cần có chỉ đạo chính thức từ Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước thì mới thực hiện được.

Những ngày đầu mưa lụt, người dân đều phải tự mình dầm mưa, lọ mọ tìm cách chống đỡ, nhưng sức người sao chống nổi thiên tai, nhất là khi không chủ động được. Mãi sau mấy ngày, chính quyền xã mới cử cán bộ đến khảo sát để cùng người dân khắc phục hậu quả. Người nông dân tủi thân lắm. Dường như chính quyền địa phương một số nơi chưa đau với nỗi đau của dân...

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.