Nông dân tái nghèo, tìm đâu lối ra?

Nông dân tái nghèo, tìm đâu lối ra?
TP - Chi phí đầu vào quá lớn, đầu ra bấp bênh, diễn biến thời tiết bất thường, lại đúng lúc nền kinh tế trong nước đang chịu nhiều ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới, người nông dân đang đứng trước nguy cơ tái nghèo.
Nông dân tái nghèo, tìm đâu lối ra? ảnh 1
Anh Nguyễn Đình Tỵ: “Đành ở nhà bám mấy sào ruộng sống qua ngày”

Huyện Thanh Miện (Hải Dương) vốn là vựa lúa của vùng Hải Hưng xưa. Thế nhưng, khi chúng tôi về, nhiều người không ngớt kêu ca về sản xuất nông nghiệp, khi càng làm càng lỗ, nhất là trong điều kiện phải đi thuê quá nhiều, mà dân ở đây gọi là “nền nông nghiệp đi thuê”.

Gặp chúng tôi bên khoảnh ruộng mới gieo mạ để chuẩn bị cho vụ Chiêm, anh Nguyễn Văn Sức (thôn Đông La, xã Hồng Quang) ngẩn người, nói bâng quơ: Dân vùng này sống chủ yếu nhờ hai vụ lúa, không nghề phụ. Nếu biết tích cóp, dành dụm thì may chăng đủ ăn.

Rồi anh nhẩm tính: “Nhà có bốn khẩu, với tám sào ruộng; nếu mưa thuận gió hòa thì mỗi sào được bốn tạ thóc/năm. Với giá thóc hiện tại khoảng 4.000 đồng/kg, gia đình tôi thu nhập gần 13 triệu đồng mỗi năm”.

Nếu trừ chi phí cho hàng loạt khoản, như phân bón, thuốc trừ sâu, tiền thuê máy cày, lồng (bừa), thuê máy tuốt… (tổng cộng hơn sáu triệu đồng/năm) thì mỗi người trong gia đình anh Sức thu nhập chưa đến 130.000 đồng/tháng (tức là hơn 4.000 đồng/ngày), trong khi  phải cõng hàng loạt chi phí sinh hoạt hàng ngày, rồi đám xá, hiếu hỷ...

Cùng cảnh như gia đình anh Sức, nhiều hộ dân ở xã Hồng Quang cũng dựa vào mấy sào ruộng trũng. Anh Nguyễn Đình Tỵ, cùng thôn Đông La, than thở: Gia đình có 5 người, hai con gái lớn đã cưới chồng. Thằng út bỏ học giữa chừng, vay tiền để nộp đi xuất khẩu lao động lại không đi nên đến giờ vẫn chưa có công việc ổn định.

Ở vùng này, nghề phụ không có; những người như anh Tỵ muốn đi xa kiếm công việc gì đó nhưng chẳng biết đi đâu, sức khỏe lại hạn chế. Đành ở nhà bám lấy mấy sào ruộng sống qua ngày...

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Văn Thường - Phó Chủ tịch UBND xã Ngô Quyền, cho biết: Toàn xã có sáu thôn, hơn 2.200 hộ/8.400 nhân khẩu; hơn 700 ha đất nông nghiệp chủ yếu cấy lúa hai vụ, nghề phụ không có. Vì thế, tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn rất cao, gần 300 hộ, chiếm 14%.

Cũng theo ông Thường, nguy cơ tái nghèo của bà con ngày càng hiện hữu, khi chi phí đầu vào cho sản xuất nông nghiệp quá cao, trong khi đầu ra rất khó, giá cả bấp bênh, thời tiết diễn biến bất thường. Một số nông dân nơi đây không còn mặn mà với đồng ruộng; không xem nông nghiệp là nghề nữa. Chính vì thế, hầu hết có sức khỏe đều “ly hương”; còn lại ở quê là những người già và trẻ nhỏ.

Nghèo vì đi ăn cỗ

"Nếu vụ nào ông trời nổi giận, mùa màng thất bát, thì đói là cái chắc!"- Anh Sức chua xót.

Theo một lãnh đạo Bộ NN&PTNT, tại Đồng bằng sông Hồng, mỗi xã có 5.000-6.000 nhân khẩu, với 250-300 ha đất canh tác (mỗi nhân khẩu 500m2 đất nông nghiệp).

Nếu mỗi sào lãi 130.000 đồng/tháng/người thì gia đình năm người sẽ thu nhập cỡ 650 nghìn đồng/tháng, chỉ đủ mua gạo ăn hàng ngày. Nỗi ám ảnh thường xuyên: Tiền đâu chi phong bì tại các đám hiếu hỷ, giỗ chạp, ốm đau, sinh đẻ...?

Chị Nguyễn Thị Hiên, (Phan Sào Nam - Phù Cừ - Hưng Yên) hạch toán: “Gia đình tôi có năm sào ruộng. Dù không phải thuê nhiều như người ta nhưng cũng chỉ cho thu nhập 1,5 triệu đồng/năm. Số tiền này không đủ nuôi con tôi ăn học lớp 9, với hàng chục khoản, như học phí, xây dựng trường, vệ sinh, quần áo đồng phục, khuyến học…

Cùng đó là tiền mua sách vở, đồ dùng học tập, tiền học thêm..., tổng cộng cỡ 1,3 triệu đồng”. Đã thành lệ, rồi vì tình làng nghĩa xóm, mỗi khi nhà trên xóm dưới có việc hiếu hỷ thì lại thêm 30.000-50.000 đồng. Thế nên cứ phải vay mượn; các khoản nợ cứ chất chồng theo ngày tháng mà chưa có cách gỡ. 

Còn bà Vũ Thị Đảnh (Hồng Quang - Thanh Miện - Hải Dương) than: “Nghèo đi vì... ăn cỗ. Mỗi đám cưới hỏi phải mừng 50.000 đồng, bốc mộ 50.000 đồng, giỗ chạp 30.000 đồng... Nhà tôi lại là con trưởng, càng phải gương mẫu. Tết này không biết xoay xở ra sao?”.

Ông Phạm Đức Nhuận - Chủ tịch UBND huyện Thanh Miện (Hải Dương) lý giải: “Tôi đã tổ chức điều tra trên tất cả các xã/thị trấn của huyện Thanh Miện. Trung bình mỗi xã trong một năm có khoảng 300 đám ma chay, cưới hỏi, tảo mộ, về nhà mới, liên hoan… với khoảng 6-120 mâm cỗ/đám.

Cứ tính trung bình mỗi đám có sáu mâm cỗ, mỗi mâm 500 ngàn đồng thì 300 đám đã tiêu hết 900 triệu đồng. Nếu trung bình mỗi xã có 300 ha đất nông nghiệp, mỗi héc ta cho lãi khoảng 2,5 triệu đồng, tổng lãi thu được là 750 triệu đồng. Số tiền này không đủ chi phí cho 300 đám hiếu hỷ trên”.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.