Nông dân chế thuyền thúng composite

Nông dân chế thuyền thúng composite
TP - Hàng trăm chiếc thuyền thúng của ngư dân làng chài Cam Bình xã Tân Phước, thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận làm bằng chất liệu composite xếp kín một phần bãi biển.

Ít ai biết được sản phẩm thuyền thúng này là của nông dân Lê Văn Nam, 52 tuổi mới chỉ học đến lớp 6. Quê ở Quảng Trị, ông Nam theo gia đình vào La Gi từ năm 1974. Nhà nghèo, ông nghỉ học khi mới đến lớp 6. Cũng như những người dân chài nghèo trong làng, ông Nam ra biển đánh cá từ nhỏ. Lênh đênh trên chiếc thuyền thúng được đan bằng nan tre, trét dầu chai, được vài mùa thì thuyền xuống cấp, mục nát, không an toàn, lại phải thay thuyền mới, ông Nam cứ day dứt.

Năm 2004, thấy ở cảng cá La Gi có chiếc bo bo của lực lượng kiểm ngư làm bằng chất liệu lạ. Chẳng phải gỗ, không phải sắt mà cũng chẳng phải là nhựa. Hỏi người điều khiển phương tiện này, ông Nam mới hay nó được làm bằng chất liệu composite. Sau khi thấy chiếc bo bo bị cơn sóng của tàu khác đánh dạt va vào cầu tàu rầm rầm nhưng vẫn không hề hấn gì, ông Nam suy nghĩ để mày mò làm chiếc thuyền này. Cuối cùng thì ông Nam cũng tìm mua được nguồn vật liệu composite.

Thế nhưng bắt đầu làm từ đâu để cho ra một chiếc thuyền thúng là cả là một vấn đề lớn với ông nông dân mới học đến lớp 6. Ông chia ra nhiều công thức pha chế. Lúc đầu ông Nam dùng vật liệu này chế thành cái chậu. Ông bắt đầu đập thử độ bền, cứng, dai của từng loại chậu để chọn ra công thức sản xuất nào cho ra sản phẩm đạt yêu cầu nhất.

Từ cái chậu, ông Nam nâng dần lên cái thúng nhỏ, rồi bằng cái thúng đi biển thực thụ. Tất cả sản phẩm làm ra đều tiếp tục được đem thử nghiệm. Sau vài tháng thử nghiệm, ông Nam cho ra đời chiếc thuyền thúng đường kính 2,2m ưng ý đầu tiên.

Ngày hạ thủy chiếc thúng composite, dân chài Cam Bình tò mò so sánh chiếc thuyền “lạ” này với thuyền thúng tre. Sau thời gian thử nghiệm thực tế, ông Nam sản xuất thêm. Trên bãi biển làng chài Cam Bình, hiện tại có hàng trăm chiếc thuyền thúng “cơ sở Văn Nam” nằm dọc bãi biển. Một ngư dân cho hay, người dân ở đây có hai nghề, ngày ra đồng, lên rẫy làm nông và đêm thì ra biển đánh cá. Do chỉ đánh bắt nhỏ gần bờ nên mỗi gia đình, một người dùng một thuyền thúng rất cơ động, tiền đầu tư cũng không cao. Mỗi chiếc thúng có đường kính 2,0m - 2,2m được ngư dân chia làm hai khoang, một khoang chứa lưới, gác máy nổ còn một khoang chứa cá. Cứ đêm ra biển, sáng có hải sản biển tươi sống bán ngay tại bờ.

Ông Hai Thi chỉ chiếc thuyền thúng của ông Nam sản xuất, nói: “Nhờ ông Nam mà dân chài yên tâm hơn khi có phương tiện đánh bắt an toàn. Thuyền thúng nan tre  đã “về hưu” khi  chiếc thuyền thúng của ông Nam ra đời”. Ông Nam cho hay khoảng 3 năm nay, người dân chài ở vùng này đã thay hết thuyền thúng nan tre bằng thuyền thúng composite với gần 500 chiếc. 

Với chiếc thuyền thúng composite, người dân chài yên tâm hơn về độ bền, tính an toàn. Ngoài máy móc, ngư cụ, họ còn trang bị cả máy định vị, bộ đàm liên lạc không thua kém các thuyền đánh cá lớn.

MỚI - NÓNG