Nông dân bán đảo Cà Mau bơi trong nước biển dâng

Gia đình ông Lưu Văn Cảnh vẫn còn trong vòng điều tra “Hủy hoại rừng”.
Gia đình ông Lưu Văn Cảnh vẫn còn trong vòng điều tra “Hủy hoại rừng”.
TP - Biến đổi khí hậu, nước biển dâng cao, xâm nhập mặn ngày càng sâu,… khiến người dân ven biển bán đảo Cà Mau đang vật lộn với muôn vàn khó khăn, thách thức. Quy hoạch lạc hậu và vô cảm đẩy người dân tiến thoái lưỡng nan trong nỗ lực mưu sinh.

Bài 1: Lúa- tôm và nỗi ám ảnh tù tội

 Dọc tuyến dân cư kinh xáng Bờ Bao Giữa xuyên qua các ấp 18, 19, 20, xã Nguyễn Phích (U Minh, Cà Mau) bây giờ nhà cửa khang trang, đường quê tráng xi-măng láng cóng, xe máy bon bon; vỏ lãi băng băng lướt sóng trên sông. Vùng đất nằm kẹp giữa hai con sông Trẹm và sông Cái Tàu nhiễm phèn, mặn chát nên quy hoạch đất lâm nghiệp thành lỗi thời, lạc hậu đã vô tình đẩy người dân khát vọng thoát nghèo vào vòng lao lý.

 Vào tù vì khát vọng thoát nghèo

Gặp lão nông Nguyễn Văn Ngà, ông cười tươi, để lộ những chiếc răng úa vàng, ông nói: “Bà con tự phát nuôi tôm- trồng lúa đã có ăn, có tiền để dành mua xe máy, vỏ lãi, TV màu nhưng mấy gia đình bị kết tội, vào tù”.

Nghé thăm gia đình ông Nguyễn Văn Hà mà bà con gọi bằng biệt danh Hà Bá, ở ấp 18, xã Nguyễn Phích (U Minh) vừa mãn hạn tù. Bà Lê Thị Hận, vợ ông Hà, vừa búi tóc cho cháu ngoại, vừa liếc yêu chồng, nói: “Từ ngày ổng ra tù, tôi giữ ổng kè kè, không cho đi chơi bời, lỡ bị ai chọc tức, nổi nóng lại vào tù khổ thêm”.

Ông Hà là người hiếm hoi ở xứ này phải vào tù vì liên quan các vụ án “hủy hoại rừng” nhưng thực chất ông không cam chịu nghèo đói lao vào trồng lúa, nuôi tôm trên đất nhận khoán. Năm 1992, vợ chồng ông cùng hàng trăm hộ dân nhận khoán bình quân từ 5- 6 ha/hộ của Lâm ngư trường Sông Trẹm sản xuất nông nghiệp, trồng rừng theo tỷ lệ 3/7.

Nhận thấy rừng tạp, cây tràm không lớn vì nhiễm mặn quanh năm, trồng lúa phần đất cho phép liên tục mất mùa, đời sống khổ sở nên ông Hà mang dao chặt phá cây, dọn thêm diện tích nuôi tôm và trồng lúa. Năm 2014, Hạt kiểm lâm U Minh lập biên bản, công an khởi tố vụ án “hủy hoại rừng”, rồi giao cho các cơ quan bảo vệ pháp luật xử lý.

Bà Lê Thị Hận kể: “Chồng tôi bị bệnh suyễn, đi khám bệnh trên TPHCM vừa về nhà được một đêm, sáng ra bị gọi lên Công an xã Nguyễn Phích làm việc nhưng Công an huyện U Minh chờ sẵn, còng tay, bắt giam.

Tháng 3/2015, ông bị Tòa án nhân dân huyện U Minh xử phạt 3 tháng tù, thời hạn được tính từ ngày 6/3/2015, thụ án tại Trại giam Công an Cà Mau. “Trong tù, gác tay lên trán, tôi nghĩ mãi có lẽ do tôi không chịu để vợ con nghèo đói mới ra nông nỗi này”- ông Hà tự vấn.

Tuy nhiên, điều khiến ông Hà ấm ức là: “Ở đây, từ cán bộ nhỏ đến lớn, đảng viên đều dọn cây để nới rộng diện tích nuôi tôm- trồng lúa. Cả xóm làng đều làm, không ai bị sao, riêng tôi bị bắt giam, bỏ tù. Phải chi chính quyền kiểm lâm nhắc nhở, xử phạt, răn đe mà mình ngoan cố đã đành. Đằng này, kiểm lâm đùng dùng ập đến lập biên bản, đo đạc tính toán, rồi…”.

Bà Lê Thị Hận kể: “Chồng vào tù, con cái đi tứ tán, tôi chạy lạy lục xin tại ngoại để chữa bệnh nhưng không được”. Những ngày chồng ở tù, quá nghèo khó, con bà Hận phải xa quê, kiếm sống.

Đi theo những kinh xáng như bàn cờ, tôi ghé nhà bà Nguyễn Thị Nhàng, 77 tuổi, ở ấp 20, xã Nguyễn Phích, cũng là một trong những gia đình bị kết tội “hủy hoại rừng” để sản xuất lúa- tôm. Vợ chồng bà Nhàng nhận khoán 5 ha đất sản xuất nông nghiệp, trồng rừng cũng với tỷ lệ 3/7.

Rồi chồng bà Nhàng mất, để lại cho bà cả thảy 10 người con. Nghèo đói, nhìn thấy bà con quanh xóm dọn rừng, nuôi tôm và trồng lúa nên các con bà cũng làm theo.

Bà Nhàng kể: “Gia đình tôi lấn 3 công đất để sản xuất lúa- tôm. Cán bộ kiểm lâm lập biên bản, rồi Công an huyện U Minh mời tôi lên hỏi. Tôi kể thật, vì rừng tràm không chịu lớn, nước mặn tràn vô, các con muốn nới thêm để nuôi tôm- trồng lúa”.

Nông dân bán đảo Cà Mau bơi trong nước biển dâng ảnh 1

Bà Nguyễn Thị Nhàng.

Có sao bà nói vậy. Các con dọn rừng, bà già yếu rồi, bệnh tật triền miên, làm sao đốn cây tràm, dọn rừng tạp để nuôi tôm? Bà Nhàng kể: “Mấy chú Công an U Minh động viên tôi, bà lớn tuổi rồi, già yếu, đi lên đi xuống khó khăn nên để con trai út của bà lãnh tội”.

Thế là Phù Văn Út, con trai bà Nhàng bị phạt 6 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.

Sau khi hết án tù treo, Phù Văn Út dẫn vợ, con đi làm mướn ở Bình Dương.

Ám ảnh tù tội

Năm lần bảy lượt người viết bài này tìm đến gia đình ông Huỳnh Minh Hoàng, ấp 18, xã Nguyễn Phích nhưng vợ con đều báo ông vắng nhà, đi xa, không biết chừng nào về. Thậm chí, có lần, chính quyền ấp 18 dẫn đến giới thiệu nhưng ông cũng tránh mặt.

Ông Hoàng bị TAND huyện U Minh tuyên phạt 3 năm 9 tháng tù giam. Vợ ông, bà Trương Thị Phương và con trai Huỳnh Phương Quang bị phạt 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo. Ông Hoàng kháng án lên TAND tỉnh Cà Mau xét xử, trả hồ sơ về TAND huyện U Minh.

Thấy nhà báo muốn gặp, bà Phương nói như van nài: “Xin tha cho vợ chồng, con cái tôi, các anh đi lên xã mà hỏi”. Nói xong, bà Phương quay vào nhà. Ngôi nhà mới xây dựng khang trang mà theo bà con ở đây cho biết là nhà tôm- lúa.

Ông Tạ Quang Nha-Trưởng ấp 18 cho biết: “Gia đình ông Hoàng bị nặng nhất, cả 3 người đều bị khởi tố. Ông kháng án lên TAND tỉnh, trả về xét xử lại, chưa xong, thông cảm cho người ta. Nói chung, bà con bị khởi tố rất sợ”.

Ghé vào căn nhà lá lụp xụp, tạm bợ bên kinh xáng của vợ chồng ông Lưu Văn Cảnh và bà Lê Thị Ánh. Nói về chuyện chặt cây tràm còi cọc, rách bơi, cong queo, để nuôi tôm- trồng lúa, ông Lưu Văn Cảnh kể: “Cán bộ kiểm lâm hỏi, tôi thật thà nói tôi chặt cây, vợ tôi gom làm củi chụm. Ai dè khởi tố cả vợ lẫn chồng”.

TAND huyện U Minh xét xử sơ thẩm, vợ chồng ông Cảnh chống án lên TAND tỉnh Cà Mau, hồ sơ được về huyện, rồi ngâm tới bây giờ. Những vụ án “hủy hoại rừng” đã diễn ra tại vùng đất lâm nghiệp, nhiễm phèn, nhiễm mặn nằm kẹp giữa sông Cái Tàu và sông Trẹm. Nơi đây cây tràm không phát triển, trồng lúa một vụ thất bát triền miên.

Ông Trần Công Hoằng, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm U Minh cho biết: “Chúng tôi phát hiện, lập biên bản, đo đạc thiệt hại vượt quá mức xử hành chính nên khởi tố 4 vụ án “hủy hoại rừng” liên quan đến 7 người trong 4 gia đình, chuyển cho cơ quan bảo vệ pháp luật”.

Còn ông Dư Bé Ba- Chủ tịch UBND huyện U Minh nói: “Chúng tôi không muốn dân phải vào tù. Bà con làm ăn khá là mừng rồi. Nhưng pháp luật quy định, phải thực thi. Có thể có thiếu sót là chưa chuyển đất lâm nghiệp bị nhiễm mặn, không thể trồng rừng thành đất sản xuất lúa- tôm. Nhưng chuyển đổi quy hoạch sử dụng đất đã vượt quá thẩm quyền cấp huyện, phải chờ cấp trên”.  

Ông Trần Thanh Liêm, nguyên Phó Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh Cà Mau nói: “Những vụ án áp dụng đối với người dân nuôi tôm- trồng lúa ở vùng ngọt không có nước ngọt, bị nhiễm mặn, cần xem trách nhiệm quản lý. Bà con khát vọng thoát nghèo, không phá hoại kinh tế thì chính quyền đã lấy dân làm gốc, có lắng nghe, thấu hiểu, chia sẻ với dân chưa?”.

MỚI - NÓNG
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến (bên phải) trao Quyết định cho bà Nguyễn Vũ Bích HIền.
Thành ủy Hà Nội trao quyết định về công tác cán bộ
TPO - Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội quyết định chuẩn y bà Nguyễn Vũ Bích Hiền (SN 1975), Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, tham gia Ban Thường vụ, giữ chức vụ Phó Bí thư Đảng uỷ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, nhiệm kỳ 2020 - 2025.