Lo lắng về an ninh trật tự sau đại dịch
Khẳng định, Việt Nam đang được thế giới nhắc đến như là một điều kỳ diệu trong chống đại dịch, song điều ĐB Nguyễn Quốc Hưng (Hà Nội) mong muốn là làm sao viết nên câu chuyện thần kỳ về kinh tế trong thời gian tới. Theo ông Hưng, cội nguồn tạo ra sức mạnh Việt Nam chính là từ bản sắc văn hóa và nền tảng giáo dục. Nếu khai thác và phát huy có hiệu quả tài nguyên vô giá này, không chỉ giúp dân tộc Việt Nam trường tồn mà còn giúp đất nước ta phát triển mạnh mẽ, không tụt hậu trong khu vực và trên thế giới.
Trong khi đó, ĐB Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) bày tỏ lo lắng về tình hình an ninh trật tự sau đại dịch. Theo ông Thành, vụ việc 200 thành phần mặc áo cam gây biến ở TPHCM khiến cử tri rất quan tâm. “Đây là một trong những ví dụ điển hình cho vấn đề an ninh trật tự mà người dân quan tâm. Đề nghị Chính phủ và các địa phương phải tập trung giải quyết”, ông Thành kiến nghị.
Liên quan đến câu chuyện giá thịt lợn liên tiếp tăng cao trong suốt thời gian qua, ĐB Hoàng Quang Hàm, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách cho rằng, phải nghiên cứu xem tăng giá do sản xuất hay lưu thông để tuyên truyền, định hướng, có biện pháp hỗ trợ, cần thiết thì kinh tế nhà nước phải đảm trách, không nên để suốt thời gian qua dư luận cho rằng “người dân chỉ được ăn thịt lợn giá rẻ trên tivi”.
Theo ông Hàm, do khâu sản xuất thì phải kích thích tăng đàn, tăng nhập khẩu. “Với tình hình hiện nay, việc kiểm soát giá cả là cấp bách để đảm bảo ổn định đời sống của nhân dân. Việc điều tiết giá cả không thể bằng mệnh lệnh hành chính mà phải bằng quản lý, điều tiết bằng bàn tay vô hình của nhà nước”, ông Hàm nêu ý kiến.
Trước ý kiến trên, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết sẽ đẩy nhanh tái đàn, đa dạng rổ thực phẩm ngoài thịt heo và rà soát tình trạng đẩy giá thịt heo ở khâu thương lái, phân phối. “Chúng ta không nên chỉ tập trung ăn thịt heo, mà cần đa dạng hoá các loại thực phẩm khác khi giá mặt hàng này quá cao, như thịt gà, cá, tôm, trứng... Ăn những loại này cũng đều rất tốt. Cần san sẻ rổ thực phẩm vừa bổ dưỡng, tốt cho cơ thể”, ông Cường nói.
Nhiều vụ án gây “mòn lòng tin”
Đề cập đến các vụ án Hồ Duy Hải, vụ nghi vấn công ty Nhật hối lộ ở Bắc Ninh, vụ lùi xe trên đường cao tốc, vụ nhảy lầu tự tử ở Tòa án nhân dân tỉnh Bình Phước, vụ củi khô ở Kon Tum và vụ gỗ tại Quảng Trị thời gian qua, ĐB Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) cho biết, các vụ án trên đang gây bức xúc, nghi ngờ, nghi vấn trong nhân dân về tính đúng đắn trong phán quyết của tòa án.
“Nhiều người tù tội đang tiếp tục kêu oan chờ mong mòn mỏi vào công lý để nỗi oan khiên được minh giải. Có thể nói đây là phần nổi của tảng băng chìm đang bào mòn lòng tin của người dân, nhưng nó là hồi chuông để hối thúc Quốc hội tiếp tục quyết liệt hơn nữa trách nhiệm giám sát của mình để bảo đảm cho pháp luật được thượng tôn, niềm tin của nhân dân vào nền tư pháp được củng cố và để góp phần làm trong sạch các cơ quan bảo vệ pháp luật của chúng ta”, ông Thắng nói.
Tranh luận lại, ĐB Phạm Hồng Phong, Phó Chánh án Tòa án nhân dân Cấp cao tại TPHCM nói rằng “không nên chỉ qua một vài trang giấy, cũng như một vài bình luận của báo để đưa ra nhận định thiếu cơ sở”. Ông Phong cảnh báo, nhiều thế lực phản động đang chống phá Đảng, Nhà nước, nên cần hết sức cảnh giác.
“Chúng ta không nên đưa ra những hiện tượng cá biệt để đánh giá bản chất của một nền tư pháp. Tôi cũng chia sẻ sự mất mát của gia đình nhưng không nên bức xúc, mang tính tiêu cực để giải quyết vụ việc mà thiếu suy nghĩ, chín chắn mà phải tiếp tục thực hiện những bước còn lại của pháp luật quy định”, ông Phong nhấn mạnh.
Cũng tranh luận lại với đại biểu Phong, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) khẳng định, các đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội phải có trách nhiệm với cử tri thực thi giám sát. Cho nên, những cái gì đại biểu Quốc hội phát biểu về cơ quan hành pháp, tư pháp, trong đó có các vụ án là phản ánh những băn khoăn của cử tri, đồng thời có trách nhiệm của đại biểu Quốc hội.
Theo ông Nghĩa, khi có khuyết điểm hoặc ghi là có khuyết điểm thì phải nêu để bàn bạc với nhau. “Tôi muốn kết luận tranh luận của tôi bằng câu nói của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước rằng “không phải cứ đỏ tưởng là chín”, ông Nghĩa nói.