Nón Huế bị 'cắm sừng': Tại sao sáng tạo dở vẫn xuất hiện ở Festival?

Hình ảnh chiếc nón lá bị "cắm sừng" đang tạo nên một làn sóng tranh cãi trong dư luận.
Hình ảnh chiếc nón lá bị "cắm sừng" đang tạo nên một làn sóng tranh cãi trong dư luận.
TP - Qua ồn ào nón Huế bị “cắm sừng”, người ta đổ dồn mọi sự chỉ trích vào tác giả của nó. Song câu hỏi đặt ra: Tại sao một sáng tạo dở vẫn có cơ hội để xuất hiện ở một Festival? Sao ai đó không loại nó từ “trứng nước”? Phải chăng vì tên tuổi và uy tín của nhà thiết kế quá lớn?

Ít ai nghĩ rằng cái tên đình đám trong làng thời trang Việt, từng nhận tước Hiệp sĩ nghệ thuật và văn chương do Tổng lãnh sự Pháp trao, từng được vinh danh đóng góp cho thời trang Châu Á… lại chính là tác giả của nón Huế bị “cắm sừng” tại Festival nghề truyền thống Huế 2019 .

Quanh ồn ào, nhà thiết kế không im lặng, bà chọn cách đối mặt: “Không hiểu vì sao nhiều người nhìn ra đó là cái sừng, chuyện này hơi lạ. Cái gì mới cũng cảm thấy lạ, tạo hình làm sao là cái sừng được… Tại sao họ không hiểu đó là vương miện cho Huế?”. Nhưng tại sao nhà thiết kế lại ép người khác phải hình dung “công trình” của mình là “vương miện”, chứ không phải thứ gì khác? 

Chưa nói đến vương miện của hoàng gia, vương miện ở những cuộc thi nhan sắc qui mô cũng hướng đến là một tác phẩm nghệ thuật. Còn “vương miện” cuả nhà thiết kế nổi tiếng dành cho Huế mộng mơ chỉ độc chữ “HUE” màu tím, xung quanh trang trí đèn led và được gắn trên chiếc nón. Dư luận “ném đá” dữ dội, có gì lạ, mà than “chuyện này hơi lạ”?

Thêm nữa, nếu đứng một mình, ai dám chắc chữ “HUE”  là “HUẾ”. Một khán giả thắc mắc: “Chữ “Hue” là gì? Là Huệ hay Huề”. Nhà thiết kế cho rằng, ai nhìn “HUE” ra cái sừng thì “xúc phạm luôn Huế rồi và tự làm cho Huế thấp kém đi”. Nhưng người ta cũng có quyền trách nhà thiết kế quá xem thường “thượng đế”: “Phải chú thích thì người xem mới hiểu. Đột phá 4.0 đây sao?”. Có người còn bắt nhà thiết kế phải “bồi thường” vì tội làm hỏng… cái nón. “Thượng đế” cũng đề nghị tác giả của “HUE” nên tư duy xa xôi hơn: “Nói “cắm sừng” không có nghĩa giống cái sừng thật mà là người xem phản ứng trước sự thô thiển của nó”.

Những người yêu Huế đều biết, không chờ đến Minh Hạnh, Huế cũng đã sở hữu rất nhiều “vương miện”. Bởi mảnh đất này vốn là nguồn cảm hứng dạt dào cho thi ca, hội họa, âm nhạc… Chiếc nón cũng là hình ảnh quen thuộc trong các tác phẩm về Huế. Nhạc sỹ An Thuyên viết: “Em trao nón đợi và em hẹn hò” (Huế thương). Cố thi sĩ Thu Bồn có bài thơ nổi tiếng “Tạm biệt Huế”. Ông không bị “ném đá” mà được độc giả ca ngợi vì khắc họa nón cực ảo: “Nón rất Huế mà đời không phải thế/Mặt trời lên từ phía nón em nghiêng”…

Qua ồn ào nón Huế bị “cắm sừng”, người ta đổ dồn mọi sự chỉ trích vào tác giả của nó. Song câu hỏi đặt ra: Tại sao một sáng tạo dở vẫn có cơ hội để xuất hiện ở một Festival? Sao ai đó không loại nó từ “trứng nước”? Phải chăng vì tên tuổi và uy tín của nhà thiết kế quá lớn?

Không riêng gì trong lĩnh vực thiết kế thời trang, trong sáng tạo nghệ thuật nói chung, một tác giả lớn không đảm bảo mọi “đứa con” sinh ra đều hoàn hảo. Đặt niềm tin tuyệt đối hoặc nuông chiều một tên tuổi, một tác giả nào đó sẽ tạo hiệu ứng ngược, làm thui chột tài năng. Cũng may “thượng đế” gần đây tỏ ra  khá sắc sảo và quyết liệt trong “chấm điểm” các tác phẩm văn nghệ hay các công trình phục vụ đời sống. Vụ đèn hoa ở đài phun nước bờ hồ nếu dư luận không lớn tiếng, chắc gì đã bị tháo dỡ ngay? Hay mô hình rồng kém thẩm mỹ ở Hải Phòng hồi đầu năm 2017, cũng bắt đầu từ ồn ào trong dư luận.

MỚI - NÓNG