Trao đổi với Tiền Phong chiều 26/12, ông Thuận kể lại, khoảng 19h, gia đình ông gồm 7 người đang ngồi ăn cơm, bỗng nhiên có tiếng kêu răng rắc. Bể cá, đồ đạc đột ngột đổ sập khiến cả nhà hốt hoảng bỏ chạy. Toàn bộ nền nhà bị võng xuống, có chỗ sâu tới gần 50cm. “Đã 2 ngày trôi qua nhưng đơn vị quản lý nhà vẫn chưa đến khảo sát hay đưa ra bất cứ phương án khắc phục gì. Cả nhà hiện vẫn đang ở trên gác xép, vừa ở vừa lo nhà sụp bất cứ lúc nào”, ông Thuận nói.
Đây không phải lần đầu tiên khu TĐC Đồng Tàu bị sụt lún. Ngay từ năm 2007 khi người dân dọn tới khu TĐC này, đã bắt đầu xảy ra tình trạng “xẻ rãnh” giữa khung của các tòa nhà với sân, nhà xe, các ki ốt… Đến năm 2011, người dân tiếp tục phản ánh đến các cơ quan chức năng bởi tình trạng sụt lún ngày càng nghiêm trọng, nhiều bậc hè do lún đã tách khỏi tòa nhà từ 30 - 40 cm.
Gần đây nhất vào ngày 12/8/2016, tại chung cư N5 đã xảy ra sự việc sập sàn chung cư khiến nhiều người hoảng loạn. Theo phản ánh của các hộ dân, tòa nhà N4, N6, N7, N10 (thuộc khu TĐC Đồng Tàu) cũng gặp phải tình trạng tương tự. Tình trạng sụt lún diễn ra khiến nhiều hộ dân lo lắng khi nguy cơ đổ sập có thể xảy ra.
Ông Nguyễn Văn Đức, Chủ tịch UBND phường Thịnh Liệt cho biết, nguyên nhân là do công trình đã xuống cấp cộng với nền đất yếu. Trước đây, nhiều toà TĐC đã được sửa chữa, cải tạo, thế nhưng giờ lại phát sinh điểm hỏng chỗ khác. Phường đã có kiến nghị Xí nghiệp quản lý sửa chữa ngay và có báo cáo chi tiết gửi lên quận Hoàng Mai. Được biết, dù người dân đã vào ở hơn 10 năm thế nhưng nhiều tòa nhà trong khu TĐC Đồng Tàu vẫn chưa thành lập được Ban quản trị. Lãnh đạo phường Thịnh Liệt cho biết thêm, phường đã nhiều lần tổ chức họp dân nhưng chưa đạt được đồng thuận, do người dân phản ứng gay gắt về chất lượng công trình.
Đại diện Cty Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội cho biết, Xí nghiệp quản lý đã báo cáo về vụ sụt lún, Cty sẽ có hướng xử lý cụ thể. Vị này cho biết thêm, Cty đã đổ rất nhiều tiền để sửa chữa, cải tạo khu TĐC Đồng Tàu, thế nhưng do nền đất cũ yếu, do trước là ao hồ nên vẫn xảy ra sụt lún. Về nguyên nhân nhiều nhà TĐC chưa có Ban quản trị, vị này cho biết, nguyên nhân chủ yếu là do kinh phí. Kinh phí bảo trì của các tòa nhà TĐC chỉ là 2%. Khi không đủ kinh phí duy tu, bảo trì thì các chủ sở hữu phải đóng góp kinh phí. Ban quản trị nếu thành lập sẽ phải thực hiện việc này, do đó người dân không thiết tha với việc thành lập Ban quản trị.
Ông Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng, cần sớm thành lập Ban quản trị cho các tòa nhà TĐC, bởi chỉ người dân mới thực hiện việc sửa chữa, bảo trì tòa nhà hiệu quả được. Trước khi bàn giao, đơn vị quản lý có trách nhiệm nâng cấp, sửa chữa tòa TĐC cho tốt thì mới bàn giao lại cho Ban quản trị.
Chung cư Đồng Tàu được đưa vào sử dụng năm 2007, gồm các tòa nhà đánh số thứ tự từ N1 đến N10, do Xí nghiệp Quản lý dịch vụ và Khai thác khu Đô thị (trực thuộc Cty Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội) quản lý.
Khi nào thì tình trạng xuống cấp nguy hiểm tại khu tái định cư Đồng Tàu được quan tâm xử lý? Công luận đang chờ câu trả lời từ UBND thành phố Hà Nội.