'Nối vòng tay lớn' không ngừng

Bạn trẻ yêu nhạc Trịnh này nhờ người thân đèo xe máy kèm xe lăn từ Củ Chi về TPHCM để viếng mộ nhạc sĩ vào dịp “nhớ Trịnh” năm kia. Ảnh: Tư liệu gia đình nhạc sĩ.
Bạn trẻ yêu nhạc Trịnh này nhờ người thân đèo xe máy kèm xe lăn từ Củ Chi về TPHCM để viếng mộ nhạc sĩ vào dịp “nhớ Trịnh” năm kia. Ảnh: Tư liệu gia đình nhạc sĩ.
TP - Các đêm nhạc phi lợi nhuận nhớ Trịnh Công Sơn vào dịp giỗ Trịnh không ngừng mở rộng về quy mô. Thế hệ trẻ tiếp tục khám phá kho tàng âm nhạc giàu tính nhân văn của Trịnh Công Sơn. Khả năng gây cảm hứng của nhạc Trịnh thể hiện qua các bài viết tham gia cuộc thi Nhạc Trịnh trong tôi.

Thêm nhiều người “nhớ Trịnh”

Chương trình kỷ niệm nhớ Trịnh Công Sơn năm nay chủ đề Nối vòng tay lớn ngoài tổ chức tại Hà Nội, TPHCM và Huế, lần đầu tiên đến Bạc Liêu, dự kiến thu hút 100.000 khán giả. Chương trình thu hút khoảng 70.000 khán giả trong lần tổ chức đầu tiên tại Hà Nội, Huế và TPHCM nhân 10 năm nhạc sĩ rời cõi tạm. Sau đó đều đặn hàng năm tổ chức tại TPHCM các đêm diễn có sức chứa 35.000 khán giả tại khu Phú Mỹ Hưng. Khán giả muốn có vé mời xem chương trình thường phải xếp hàng từ 4h sáng.

Chương trình năm nay lùi lại đến đầu tháng 5 mới diễn ra. Bên cạnh lý do cần thời gian để chuẩn bị tổ chức đáp ứng một lượng khán giả lớn, bà Trịnh Vĩnh Trinh- đại diện gia đình nhạc sĩ cho hay: “Đây cũng là cách BTC thể hiện lòng tôn trọng những chương trình quốc gia diễn ra nhân dịp mừng 40 năm ngày chiến tranh kết thúc trên cả nước”. Bà Trinh cũng nhấn mạnh một mình gia đình nhạc sĩ không thể tổ chức được chương trình miễn phí quy mô như vậy: “Đây thực sự là chương trình của những người yêu nhạc Trịnh”.

Chương trình ở cả 4 điểm nhìn chung kết cấu giống nhau với sự tham dự của các nghệ sĩ hàng đầu, dự kiến có NSND Trung Kiên, Quang Lý, Cẩm Vân, Thanh Lam, Mỹ Linh, Tùng Dương, Trần Mạnh Tuấn... Mở đầu là loạt bài  mang âm hưởng hùng ca Ta đã thấy gì đêm nay, Huế- Sài Gòn- Hà NộiDựng lại người dựng lại nhà. Đặc biệt Thanh Bùi sẽ phụ trách một tiết mục liên khúc Ở trọ, Biết đâu nguồn cộiMỗi ngày tôi chọn một niềm vui do các em nhỏ có hoàn cảnh đặc biệt (khiếm thị hoặc mồ côi...) trình diễn. Được biết gia đình nhạc sĩ đã phải rơi nước mắt khi vào trường mồ côi ở Huế hay Bạc Liêu để nghe các em nhỏ tại đây hát nhạc Trịnh. Kết thúc chương trình theo truyền thống là Nối vòng tay lớn - tất cả các nghệ sĩ trình bày.

Trong ngày chính giỗ của nhạc sĩ, căn nhà số 47C Phạm Ngọc Thạch, quận 3, TPHCM, nơi ông cư ngụ lúc sinh thời mở cửa cho tất cả người hâm mộ từ 6h sáng đến 4h chiều. Vào 7h30 sáng, khoảng 100 người sẽ từ đây lên đường đi viếng mộ nhạc sĩ tại nghĩa trang Gò Dưa. Chuyến đi do CLB những người yêu Nhạc Trịnh tổ chức. Cũng CLB này tổ chức đêm Thao thức cùng Trịnh bên mộ nhạc sĩ vào 21h tối nay. Gia đình nhạc sĩ hỗ trợ công tác hậu cần cho đêm tưởng niệm này.

Kết nối thế hệ trẻ

Vào dịp giỗ Trịnh năm nay, gia đình dự định cho biên soạn cuốn sách về mẹ của nhạc sĩ, nhưng ý định này đã được hoãn tới năm sau vì cuộc thi Nhạc Trịnh trong tôi - tổ chức thường niên từ 2013. BTC năm nay khá trăn trở khi chọn chủ đề Nối vòng tay lớn - được coi là khó với các bạn trẻ. Nhưng được biết những bài viết do các tác giả 8X, 9X gửi về ấn tượng đến độ các giám khảo (nhà thơ Nguyễn Duy, nhà báo Nguyễn Trọng Chức...) quyết định tập hợp các bài thi của cả 3 cuộc thành sách dự kiến phát hành trước ngày 2/5.

Trích bài viết đoạt giải Khuyến khích của Nguyễn Văn Lập ở Cần Thơ kể về chặng đường đi tình nguyện: “Những đôi bàn chân đã mỏi rời, không còn ai đủ sức nói cười được nữa, tất cả chỉ muốn nhìn thấy một điểm trú mưa bên đường, nhưng điều đó dường như là quá xa vời… Anh Lâm bỗng cất tiếng hát: “Rừng núi dang tay nối lại cách xa, Ta đi vòng tay lớn mãi để nối sơn hà…, Tiếng hát phá tan sự im lặng đáng sợ. Một tiếng hát theo, rồi hai, ba… và tất cả cùng đồng thanh hát lên, không còn nghe thấy tiếng mưa nữa, mệt mỏi trên những khuôn mặt kia được thay bằng những rạng rỡ, hừng hực tiến”. Nguyễn Văn Lập cho hay trước đó bạn chưa biết Trịnh Công Sơn là ai. Từ sau “sự kiện” đó, bạn mới bắt đầu tìm hiểu kho tàng nhạc Trịnh.

Bài viết đoạt giải của Phan Thị Mỹ Cảnh thuật lại một tiết học lịch sử. Khi học sinh đề nghị cô giáo thuật lại khung cảnh ngày thống nhất đất nước, cô đã bật bài hát Ta đã thấy gì đêm nay. Tác giả viết: “Bài hát đã mở ra một không gian bừng sáng của niềm hoan ca, kết nối hơn 47 triệu trái tim người Việt thuở ấy cùng chung nhịp đập say mê.

Bạn là ai, tôi là ai can hệ gì đâu bởi thời khắc ấy lòng tôi, ý bạn chung một niềm hạnh ngộ mà bao năm trường khao khát: hòa bình trên quê hương. Để rồi hôm nay, hơn 90 triệu người dân nước Việt – có những người không phải của ngày tháng cũ vẫn thấy bên ngực trái rưng rưng: Ta đã thấy gì trong đêm nay. Bàn tay muôn vạn bàn tay. Những ngón tay thơm nối tật nguyền. Nối cuộc tình nối lòng đổ nát. Bàn tay đi nối anh em...”. 

Chương trình 14 năm nhớ Trịnh Công Sơn diễn ra tại TPHCM vào 2/5, Bạc Liêu 9/5, Hà Nội 16/5 và Huế 23/5. Chương trình cộng đồng thi hát nhạc Trịnh sẽ diễn ra trước khi chương trình chính thức. Cuộc thi viết Nhạc Trịnh trong tôi trao giải vào 16/4, 9h tại TPHCM. Toàn bộ giải thưởng đều là các hiện vật (sách, đĩa, vé...) liên quan đến nhạc Trịnh. 

MỚI - NÓNG