Nổi trôi những phận đời sau bão lũ

TPO - Bế bé Như Ý (2 tháng tuổi) trên chiếc giường tạm vẫn còn ẩm ướt vì bị lũ ngâm, em gái anh Trần Văn Phong (thôn Phan Hiển, xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị) nhìn lên mái nhà vừa bị cơn bão số 9 làm tốc vài viên ngói cũ rồi cất tiếng ru: À ơi, à ơi, chim bay về cội mà cá lội về sông… À ơi, quê mình buồn lắm con ơi, bữa nay lo bão, bữa ni lo cưm (cơm)...
Ai có việc gì cần thuê, làm ơn giới thiệu cho tôi
“Mạ (mẹ) ơi con đói, mạ ơi con muốn uống sửa (sữa), mạ ơi,…”. Tiếng hai đứa trẻ (7 tuổi và 3 tuổi) liên tục quấy khóc khiến chị Nguyễn Thị Thúy (32 tuổi, trú tại thôn Duy Viên, xã Vĩnh Lâm, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị) đang dùng dây thép chằng lại tấm chắn cửa bằng tôn bị bão lũ xô gẫy hôm 8/10 phải dừng tay, đi pha mì tôm cứu trợ cho con.

Ngồi trong góc bếp nghi ngút khói và ẩm thấp, chị Thúy kể: “Tôi lấy chồng năm 2012, anh ấy tên Lê Đức Ngọc, kém tôi 1 tuổi. Sau đám cưới chúng tôi đưa nhau đi bôn ba khắp nơi, làm đủ mọi công việc kiếm sống. Năm 2013 tôi sinh con trai đầu lòng nên anh Ngọc đi làm một mình. Tuy nhiên, trong một lần bị mộng du, anh ấy ngã từ tầng 2 ở nơi làm xuống đất. Bác sĩ kết luận chồng tôi bị chấn thương sọ não, một bên mắt bị mù, một bên tay mất khả năng vận động và tinh thần không còn được như trước. Có những hôm cáu con tôi nạt lớn, anh ấy giật mình cũng mếu máo bảo "Sao mạ quát con?".

Nổi trôi những phận đời sau bão lũ ảnh 1
Nổi trôi những phận đời sau bão lũ ảnh 2 Túp lều dựng tạm bằng miếng tôn cũ của gia đình chị Thúy - Anh Ngọc tại thôn Duy Viên, xã Vĩnh Lâm, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị.

Theo chị Thúy, mọi chi phí sinh hoạt trong gia đình đều do chị cáng đáng. Nhiều lần, chị cũng định đi xa tìm một công việc ổn định nhưng ngặt nỗi chồng đau, con còn nhỏ dại nên chị chỉ có thể quanh quẩn ở nhà nuôi vịt, bán vài món quà vặt ở cổng trường. Tuy nhiên, trong đợt lũ lịch sử vừa rồi, mọi vốn liếng duy nhất và cuối cùng để gia đình chị bám víu cũng theo dòng nước đi mất.

“Hôm rồi lũ đến, 2h sáng nước tràn vào nhà, tôi địu đứa nhỏ trên lưng, một tay ôm thằng lớn, một tay dắt chồng hướng theo đường ra lộ (đường) lớn tìm người giúp. Nhưng lúc đó nước ngập sâu quá, bốn phía mênh mông nước, lại tối thui nên tôi phải gọi điện cho bố ruột đến đón.

Sau khi nước rút, 4 cái con lại dắt díu nhau về. Chao ôi, o (cô) biết không, nhìn căn lều dựng tạm bằng tôn xiêu vẹo, mọi hàng hóa, đồ đạc trong nhà từ cái chăn, tấm chiếu, quần áo… nằm lẫn lộn trên sàn nhà với bùn đất mà tôi ứa nước mắt. Xót hơn là 100 con gà tôi vay mượn tiền mua về nuôi để cuối năm bán lấy tiền mua quần áo cho chồng, con cùng bị gạo vừa đong cũng đã đi theo dòng lũ.

Ừ thì của đi thay người, sau lũ mà vợ chồng, con cái vẫn bình an là hạnh phúc rồi. Nhưng bây giờ cả nhà tôi trắng tay, gạo và mì tôm cứu trợ vài bữa nữa rồi cũng hết, nếu tôi không đi làm thì chồng và các con tôi sẽ đói. Nếu ai có công việc gì cần người mà ở gần khu vực tôi sống, làm ơn hãy giới thiệu cho tôi, chỉ cần không trái pháp luật và lương tâm, cực khổ mấy tôi cũng làm được”, chị Thúy khẩn khoản.

Nổi trôi những phận đời sau bão lũ ảnh 3 Con trai chị Thúy đang soạn lại sách vở bị ướt để đem ra phơi.

Trao đổi về hoàn cảnh của gia đình chị Thúy, ông Lê Đức Dũng, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lâm cho biết: “Gia đình chị Thúy, anh Ngọc thuộc diện hộ nghèo nhiều năm của xã. Năm vừa rồi xã có ý định huy động từ quỹ vì người nghèo của địa phương và các đoàn thể hỗ trợ gia đình 30 triệu để làm lại căn nhà nhưng gia đình chị Thúy lại chưa có khả năng để làm. Do đó, cần phải có thêm nhiều nguồn hỗ trợ hơn nữa thì gia đình chị Thúy mới làm được căn nhà kiên cố hơn hiện tại”.

Vợ liệt, chồng già trắng đêm chờ nước rút

Có mặt tại UBND xã Gio Mai (huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị) hôm 23/10 để nhận gạo và mì tôm cứu trợ từ chuyến xe thiện nguyện của Tỉnh Đoàn Quảng Trị phối hợp với Thành Đoàn Cần Thơ, cụ Trương Công Khai (83 tuổi, xóm Đồi 3, thôn Mai Xá Chánh) vừa lau nước mắt vừa kể: “Khổ quá rồi con ơi, bữa đêm nước lũ lên nhanh quá, ông không thể đi di tản được vì không có ai phụ đưa bà – Trương Thị Chút (84 tuổi, bị tai biến, nằm liệt giường) đi cùng, mà con thì đi làm xa. Thế là ông phải chồng hai cái giường lên nhau để hai ông bà ngồi trên đó chờ trời sáng, lúc ấy trong nhà còn ít chăn, màn và lúa cũng đành chấp nhận để ướt hết…”.

Chia sẻ về cụ Khai, ông Hoàng Thanh Lương, Chủ tịch UBND xã Gio Mai cho xác nhận gia đình cụ Khai là một trong nhiều trường hợp thuộc diện hộ nghèo, bị khuyết tật của xã. “Hai vợ chồng cụ Khai sống cùng một người con gái nhưng gia cảnh khá éo le vì bản thân cụ ông bị điếc, phải đeo máy trợ thính trong khi cụ bà nằm liệt giường đã lâu, phải luôn có người bên cạnh để chăm sóc” - ông Lương thông tin.

Nói về mong muốn của mình, cụ Khai vừa ôm hộp mì cứu trợ vừa nói: “Tôi già cả rồi, giờ cũng chả mong muốn cái gì to tát, chỉ mong xóm có được cái thuyền nhỏ để khi mưa lũ đến, bà con chủ động hơn trong việc di tản, nhất là đưa tụi nhỏ và những người không có khả năng đi lại như bà nhà tôi đến nơi an toàn. Nhắc đến lại thấy tội bà ấy, nằm một chỗ đã lâu không được ra ngoài, giá ai đó cho thêm được cái xe lăn cũ để hôm nào mát trời, tôi đẩy xe đưa bà ra ngoài thăm người thân thì mừng quá”.

Có đàn gà định bồi dưỡng sau sinh, lũ cuốn mất rồi

Lắng nghe câu chuyện của gia đình chị Thúy, cụ Khai, anh Trần Văn Phong (44 tuổi ở thôn Phan Hiển, xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị) vừa đổ bao thóc đã lên mạ ra sân phơi vừa thở dài nói: “Năm nào lũ đến cũng khiến bao gia đình điêu đứng. Nhà tôi cũng chẳng ngoại lệ”.

Nổi trôi những phận đời sau bão lũ ảnh 4
Nổi trôi những phận đời sau bão lũ ảnh 5 Chị Lê Thị Tuyến (ảnh trên) và bé Trần Thị Như Ý trong căn lều mới xây bằng gạch cay ở ở thôn Phan Hiển, xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị.

Sau đó người đàn ông tóc đã điểm bạc bước lạng khạng (bị thương tật ở chân từ nhỏ) về phía căn lều xây bằng gạch cay, nhóm lửa nấu cháo cho vợ- Lê Thị Tuyến (36 tuổi). Theo lời anh Phong, năm 2010, chị Tuyến được chẩn đoán mắc bệnh Basedow và hở van tim, sau thời gian uống thuốc và điều trị tại Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh Quảng Trị, thấy bệnh tình chưa có dấu hiệu thuyên giảm rõ rệt nên vợ chồng chị Tuyến vì nôn nóng nên nghe theo lời người quen đến một bệnh viện tư nhân ở Huế đăng kí mổ.

Sau khi mổ xong, trở về nhà sức khỏe chị Tuyến có dấu hiệu sa sút trầm trọng, khi đến bệnh viện Quảng Trị thăm khám, vợ chồng chị như chết điếng lúc bác sĩ thông báo ca mổ trước đó của chị không thành công, người thực hiện ca mổ đã cắt bỏ hết tuyến giáp, cận giáp và làm hỏng dây thanh quản của chị Tuyến.

Nổi trôi những phận đời sau bão lũ ảnh 6 Góc để thóc của gia đình anh Phong sau khi lũ bị lũ ngâm.
Nổi trôi những phận đời sau bão lũ ảnh 7 Nguồn nước nhiễm phèn của gia đình anh Phong chị Tuyến.

“Vợ tôi mang bầu cháu thứ hai, nhưng đến những tháng cuối thai kì cô ấy thường xuyên bị khó thở và đến tháng thứ 8 bác sĩ phải chỉ định mổ cổ gấp để đặt ống thông vào khí quản và mổ lấy em bé ra. Hiện tại bé út – Trần Thị Như Ý đã 2 tháng tuổi nhưng hầu như không có sữa mẹ để bú vì vợ tôi yếu quá, nói cũng không ra tiếng, ngồi bên cạnh chỉ nghe tiếng khò khè từ ống thông khí quản.

Vừa rồi tôi đi làm tràm nhưng vì dịch COVID-19 nên xưởng giải thể, về nhà nuôi được bầy gà, định để dành tẩm bổ cho vợ mới sinh còn lại bán lấy tiền mua sữa và tã cho con, nhưng khi lũ lên, vì vội đưa vợ con đi di tản nên tôi không kịp chuyển gà đến nơi an toàn, thế là lũ cuốn trôi hết. Vợ tôi mấy bữa ni toàn ăn mì tôm nên xanh xao lắm, chẳng có sữa cho con bú, tôi phải gạn nước cháo bón cho con, trộm vía con bé biết ba mẹ khổ nên cũng không quấy khóc gì…Hết bão, tôi phải vào thành phố kiếm việc làm để đưa vợ đi bệnh viện chứ cứ thế này, mẹ yếu, con đói tôi xót xa lắm”, anh Phong nói.

Đến đây, em gái anh Phong đang bế bé Như Ý ngồi trên chiếc giường tạm vẫn còn ẩm ướt vì bị bão lũ ngâm nhiều ngày nhìn lên mái nhà vừa bị cơn bão số 9 làm tốc vài viên ngói cũ rồi cất tiếng ru: “À ơi, à ơi, chim bay về cội mà cá lội về sông… À ơi, quê mình buồn lắm con ơi, bữa nay lo bão, bữa ni lo cưm (cơm),…à ơi, à ơi…”

Báo Tiền Phong trân trọng mời các đơn vị, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm tiếp tục ủng hộ, đồng hành cùng báo và BTC cuộc thi Hoa hậu Việt Nam.

Quý đơn vị, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm có thể ủy nhiệm cho báo Tiền Phong và BTC cuộc thi Hoa hậu Việt Nam thực hiện việc thăm hỏi, tặng món quà của mình hoặc đồng hành cùng Triền Phong và BTC HHVN đến trao tặng tận tay các hộ gia đình, các địa phương bị thiệt hại. Việc trao tặng sẽ có sự tham gia của chính quyền, lực lượng ĐVTN địa phương.

Mọi sự ủng hộ xin gửi về tài khoản báo Tiền Phong, số: 1231.0000.062175, tại Ngân hàng BIDV, chi nhánh Quang Trung, Hà Nội, ghi nội dung chuyển khoản: “ung ho truong hop…ở Quang Tri” hay “ung ho dong bao mien Trung Tay Nguyen”; hoặc liên hệ: Ban Bạn đọc và công tác xã hội, báo Tiền Phong, 15 Hồ Xuân Hương, Hà Nội,điện thoại: 0977456112.

Trân trọng cảm ơn và rất mong nhận được sự quan tâm ủng hộ của nhà hảo tâm, quý doanh nghiệp!

MỚI - NÓNG
Lộ mức lương cao nhất Cần Thơ
Lộ mức lương cao nhất Cần Thơ
TPO - Năm 2025, tiền lương bình quân của người lao động tại Cần Thơ đạt hơn 8,3 triệu đồng/người/tháng. Người được trả lương cao nhất tại Cần Thơ là hơn 151 triệu đồng/tháng ở khối doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). 
Gameshow cũng trở thành 'thần tượng'
Gameshow cũng trở thành 'thần tượng'
TP - Việc các concert “anh trai” được tổ chức liên tục (6 đêm trong vòng hai tháng) vẫn thu hút hàng trăm nghìn lượt khán giả đương nhiên là tín hiệu tốt cho ngành tổ chức biểu diễn, mở ra hướng đi mới cho công nghiệp văn hóa. Nhưng làm nên chuyện không chỉ do các nghệ sĩ. Lần đầu tiên có dấu hiệu khán giả không chỉ thần tượng nghệ sĩ mà hâm mộ gameshow góp phần tạo nên những thần tượng đó…