Nỗi niềm Ước Lễ...

Nỗi niềm Ước Lễ...
(TPO) Khi cái Tết đã gần kề, người làng lại rộn rịp chuẩn bị đồ nghề để toả đi các nơi, bắt tay vào mùa làm ăn phát tài nhất trong năm. Chính vì thế làng Ước Lễ (Tân Ước, Thanh Oai, Hà Tây) trở nên  vắng vẻ hơn bao giờ hết...

Ông Nguyễn Quang Khả - 70 tuổi, một trong những nghệ nhân lành nghề chế biến giò chả của làng - kể lại: Thập kỷ 70 của thế kỷ trước, khi còn chế độ bao cấp, mọi thứ đều theo tem phiếu, làng ông gần như không thể hành nghề cổ truyền này. Ông là một trong số ít người Ước Lễ vẫn cố gắng duy trì. Có lẽ, vì thế, sự lĩnh hội các bí quyết làm nghề của ông đã đạt đến mức hoàn hảo. Nhiều người trong làng đến nay vẫn tôn ông là nghệ nhân hàng đầu. Ông Khả đã không đắn đo khi truyền lại cho con em trong làng những bí quyết mình tích lũy được. Cả làng đã bám trụ và làm giàu từ nghề giò chả.

Ông Nguyễn Bích Bình lên Hà Nội lập nghiệp từ hai bàn tay trắng, đến nay đã trở thành một trong những người giàu nhất làng. Ông cũng chính là người đã đảm nhận thực hiện chiếc bánh chả lớn nhất nước ta, được triển lãm tại Hội chợ triển lãm Giảng Võ (Hà Nội) năm 2003. Bà Nguyễn Thị Luân (nay đã mất) mang cả nghề làm giò chả cổ truyền sang tận Califonia (Mỹ) và làm giàu ngay tại đất nước cách quê hương nửa vòng trái đất. Cách đây mấy năm, khi về thăm quê, bà Luân đã ủng hộ trên 200 triệu đồng, xây dựng trường tiểu học của xã; xây dựng nhà cho hội người mù của huyện...

Hai anh em ông Lê Tiến Bảo và Lê Tiến Cường ra Hà Nội lập nghiệp đã hơn chục năm, nay có cơ ngơi vững vàng, thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Cơ sở sản xuất giò chả của ông tại khu tập thể Cao su Sao Vàng thu hút hàng chục lao động, với mức lương 1 - 1,5 triệu đồng/người/tháng.

Nỗi niềm Ước Lễ... ảnh 1
Chẻ lạt

Ông Nguyễn Đăng Quang (45 tuổi) đang cư trú tại TP Đà Lạt cũng ra đi từ bàn tay trắng. Bằng nghề làm giò chả, ông Quang đã mua được ngôi nhà khang trang, sắm được nhiều tiện nghi đắt tiền. Hiện, ông và gia đình đã định cư tại TP Đà Lạt. Thi thoảng về thăm quê, ông lại góp tiền cho quỹ khuyến học, quỹ xây dựng các công trình công cộng của làng, xã.

Không thể thống kê chính xác, nhưng ước tính: Mỗi năm, dân làng Ước Lễ thu vào túi cả chục tỷ đồng. Thu nhập bình quân của các thôn khác trong xã chỉ đạt khoảng 3,9 triệu đồng/người/năm nhưng con số này ở làng Ước Lễ khoảng 12 triệu đồng. Giữ gìn được nghề, sống được từ nghề và có thể làm giàu bằng nghề là điều người dân Ước Lễ mừng nhất.

Càng phát đạt, làng càng vắng vẻ...

Ông Ước - Chủ tịch UBND xã cho biết: Xã Tân Ước chưa đến vạn dân nhưng có hàng ngàn người đang làm ăn trên khắp miền đất nước. Ba làng của Tân Ước đã được UBND tỉnh công nhận làng nghề truyền thống: làng Quế Sơn, Chi Lễ (nghề nón lá, mây tre đan); làng Ước Lễ (nghề làm giò chả). UBND xã đang làm thủ tục công nhận làng nghề giò chả cho Phú Thụy. Ông Ước cho biết thêm, làng Ước Lễ có hơn 1.000 khẩu nhưng vào dịp Tết cổ truyền thì gần như cả làng đã đổ đi các nơi hành nghề, kiếm sống. Hiện nay, trong làng chỉ còn lại các ông bà già, các cháu nhỏ trong độ tuổi đi học. Nhiều ngôi nhà cả năm đóng cửa im ỉm, đến đêm 30 Tết mới sáng đèn.

Nỗi niềm Ước Lễ... ảnh 2
Thịt tươi, ngon - một tron gnhiều yêu cầu để có giò, chả ngon, dễ bảo quản.

Tôi đã về thăm Ước Lễ nhiều lần. Nhưng lần nào cũng vậy, đều cảm nhận được bầu không khí vắng vẻ của ngôi làng. Chiếc cổng làng có niên đại cả trăm năm hằng ngày vẫn buồn tẻ vì ít người qua lại. Ngôi đình cổ kính, rêu phong được che phủ bởi hàng chục cây cổ thụ. Bước qua cổng làng là một không gian im ắng đến lạ thường...  

Những tháng cuối năm, ở các nơi khác là thời gian các đôi trai gái đua nhau làm lễ thành hôn. Nhưng ở Ước Lễ thì khác. Hàng chục năm nay, làng Ước Lễ gần như không có đám cưới vào dịp cuối năm. 

Cụ Nguyễn Thị Hội, bán nước tại cổng làng hàng chục năm nay, vừa bỏm bẻm nhai trầu vừa kể cho chúng tôi nghe về Ước Lễ. Cụ bảo, mấy tuần nay, những thanh niên, trai tráng còn bám trụ làng cày cấy nuôi con đã rục rịch kéo nhau đi làm ăn vụ Tết. Ngày thường, dân làng này đã vắng lắm rồi, dịp Tết này còn vắng hơn nhiều.

Từ sáng tới trưa, tôi chỉ đếm được hơn chục người lớn qua đây, chủ yếu là các cụ già, còn lại toàn là trẻ con đi học... Cũng theo lời kể của cụ Hội, thuở xưa, làng này nghèo lắm. Cả làng giã giò thuê bằng tay, vất vả, thu nhập lại thấp. Một người đức độ đã khai hoang lập làng và truyền lại cho con cháu Ước Lễ hàng trăm năm nay những bí quyết làm giò chả vừa thơm ngon, vừa dễ bảo quản.

Từ đó, con cháu Ước Lễ đã kế tục và gìn giữ được nghề, dù đã trải qua không ít biến động. Là người được chứng kiến nhiều thay đổi của Ước Lễ, mỗi khi xem ti vi thấy không khí đầm ấm, sum vầy của các làng quê khác, cụ thèm lắm. Ba người con của cụ đều đã đi làm ăn xa hàng chục năm nay. Và cũng chừng ấy năm, cụ mò mẫm một mình, sáng gánh hàng ra cổng làng, chiều lại dọn về. Chẳng cần quan tâm bán được bao nhiêu, hằng ngày cụ chỉ mong có người khách nào vãng lai để được hàn huyên,  bởi cụ cũng chẳng còn sống được bao lâu nữa. Tám mươi rồi còn gì...

MỚI - NÓNG