Nỗi niềm sơn nữ: Lời ru buồn giữa đại ngàn

Những đứa trẻ dân tộc Mông thôn Ea Rớt vui chơi bên vệ đường
Những đứa trẻ dân tộc Mông thôn Ea Rớt vui chơi bên vệ đường
TP - Cuộc sống bà con ở các buôn làng vùng sâu xa của tỉnh Ðắk Lắk bây giờ đã có nhiều khởi sắc, song bóng đen hủ tục của nạn tảo hôn, đông con vẫn còn hiện hữu. Những cô gái chưa kịp lớn đã tay bồng tay bế con thơ khiến họ cứ mải miết bơi trong vòng luẩn quẩn đói nghèo - đông con - đói nghèo.

Ðến tuổi phải lấy chồng

Đến thôn Ea Rớt (xã Cư Pui, huyện Krông Bông) qua những buôn làng người Mông nằm ẩn hiện trong sương núi, sâu hun hút, những thiếu nữ người Mông như bông hoa rừng nở sớm địu con trên lưng với đôi mắt đượm buồn. Những đứa trẻ với manh áo mỏng giữa trời gió lạnh, bùn đất lấm lem nô đùa bên vệ đường…như nốt trầm khiến người chứng kiến không khỏi nhói lòng. Cuộc sống nơi đây luôn đói nghèo dai dẳng, và như thể lập trình, việc lấy chồng như cứu cánh để thoát nghèo.

Qua con dốc dựng đứng, ngôi nhà của vợ chồng Lò Văn Dũng (SN 1990) và Vũ Thị Song (SN 1992) đơn sơ ém mình bên sườn núi. Tài sản có giá trị chỉ là mấy cái nồi méo mó. 2 đứa con thơ khép nép dưới góc nhà lạ lẫm nhìn chúng tôi. Khi cô giáo đi cùng giới thiệu bạn cô, Dũng mở lời: Ta lấy vợ năm 17, vợ ta lúc đó 15, da trắng má hồng, xinh lắm. Ta qua nhà chơi, ưng cái bụng phải lấy về làm vợ. Thế rồi làm một lèo 2 đứa, mà chỉ có con gái chưa có con trai. Song tiếp lời chồng: Em học hết lớp 3 nghỉ học, bố mẹ bắt lấy chồng ra riêng tự làm ăn, chứ bố mẹ cũng nghèo không đủ nuôi. Bạn bè bằng tuổi đứa nào cũng có chồng con hết rồi. Mình lúc trẻ cũng đẹp lắm. Từ khi lấy chồng sớm sinh con, lao động kiếm tiền thì phải nhanh già thôi!...

Trong cái se lạnh mùa khô Tây Nguyên, lời ru của người mẹ trẻ vọng ra từ căn nhà gỗ bên sườn núi, hút vào đại ngàn chất chứa nỗi buồn sâu lắng về cuộc sống đầy khó khăn phía trước. Ba mẹ con Lý Thị Sua (SN 1996) đợi chồng đi rẫy về. Chúng tôi gặp vợ chồng Lào Seo Sám (SN 1993) và Sua một cách tình cờ nhưng khá ấn tượng bởi sự hồn nhiên, ngây thơ. Sám kể: 2 người cưới nhau từ năm 2011. Vợ chồng hay cãi nhau vì chưa hiểu nhau, cô ấy hay nũng nịu nữa. Sua chen vào: “Tại anh ấy không nghe em chớ. Cứ làm theo ý anh không để ý đến suy nghĩ của em. Bố mẹ bảo vợ chồng có chi phải bàn bạc cùng nhau, anh ấy ỷ mình lớn nên tự làm mọi việc, em nói không nghe nên em giận thôi”. Tôi hỏi: "Sao cưới nhau sớm thế, không yêu nhau thêm tí nữa cho hiểu nhau rồi cưới”. “Không được mô, vợ chồng mình quen nhau một thời gian. Tuổi này không cưới là ế đấy”, Sám đáp.

Chúng tôi rời thôn Ea Rớt khi mặt trời đã khuất sau dãy núi. Màn sương đêm bắt đầu bao phủ khắp buôn làng, khiến cái lạnh càng thêm tê tái bởi câu chuyện tảo hôn vẫn ám ảnh giữa đại ngàn qua lời hát ru buồn của những người mẹ trẻ.

Ông Lò Tiến Dũng, thôn trưởng thôn Ea Rớt cho biết: Thôn Ea Rớt có khoảng gần 300 hộ dân là đồng bào Mông, Dao từ các tỉnh miền núi phía Bắc di cư vào cùng sinh sống trên đỉnh Ea Rớt hay còn gọi là cổng trời. Hằng năm, cán bộ xã thường xuyên xuống từng cơ sở để tuyên truyền, phổ biến pháp luật nhưng nạn tảo hôn ở đây vẫn còn phổ biến do phong tục, tập quán của người dân ăn sâu trong tiềm thức. Trình độ còn hạn chế là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng tảo hôn kéo dài.

Héo hon vì chuyện…đẻ

Giữa cánh rừng xơ xác màu cỏ cháy là những mái nhà tôn, tranh của đồng bào Mông  (buôn Mông, xã Ea Kiết, huyện Cư Mgar). Nơi đây vẫn còn duy trì nhiều tập tục lạc hậu, trong đó việc sinh đẻ tại nhà. Kết hôn được gần 10 năm chị Hà Thị Chang (SN 1992) và anh Vàng A Chức (SN 1989) có 3 người con đều sinh tại nhà. Chị Chang cho biết: “Gia đình có hơn 1 ha trồng hoa màu, mỗi năm thu khoảng 10 - 15 triệu đồng, đắp đổi, chắp vá qua ngày. Vẫn biết sinh ở nhà là nguy hiểm nhưng đến bệnh viện hay trạm y tế thì không có tiền mà tôi cũng dễ đẻ. Đứa đầu mẹ và chồng cùng đỡ, những lần sau do đã có kinh nghiệm nên chồng tôi đảm đương luôn nhiệm vụ này".

Trong căn nhà gỗ được dựng bởi những tấm ván lắp ghép chằng chịt ở cuối xã Cư Kbang, huyện Ea Súp, chị Hoàng Thị Chắn (SN 1993) chỉ tay phía cuối giường. Một bé gái chừng 5, 6 tháng tuổi đang ngủ ngon lành: Đứa con này tôi đẻ ngoài đường, hôm đi ra thị trấn Ea Súp đường xóc quá, đến cầu sắt xã Ea Lê (huyện Ea Súp) tôi đau bụng dữ dội phải dừng lại và đứa con trong bụng rơi tuột xuống. Người đi đường đưa tôi vào bệnh viện gần đó chăm sóc. Ở đây bà con chủ yếu sinh ở nhà, đi viện cũng tốn kém. Chồng chị Chắn gãi đầu ngượng ngùng: “4 đứa con vợ mình đều sinh ở nhà, một tay mình đỡ, ông bà có kinh nghiệm truyền nghề cho mình”.

Trước hiên nhà, 4 đứa con của vợ chồng chị Hạ Thị Cánh (SN 1989) đang nô đùa, thấy người lạ chúng chạy ùa vào nhà chỉ trỏ và xì xầm to nhỏ bằng tiếng Mông với nhau. Chị cán bộ dân số xã phải thuyết phục một lúc, Cánh chia sẻ: Ở đây 16, 17 tuổi không lo lấy chồng là ế. Trẻ con cũng ít được đi học. Nhiều ông bố bà mẹ bảo rằng học cũng không ra khỏi cái núi này, chỉ có lúa ngô mới làm no cái bụng. Nhìn đàn con, chị Hạ Thị Cánh hồn nhiên nói, đẻ nhiều thì không đủ ăn, nhưng nếu chồng muốn thì vẫn cứ đẻ thôi, trời sinh voi sinh cỏ mà.

Theo cán bộ dân số xã Cư Kbang, toàn xã có trên 2.000 hộ dân, gần 100 % là đồng bào dân tộc thiểu số ở các tỉnh miền núi phía Bắc vào. Đồng bào ở đây rất khó tiếp cận. Tảo hôn, đẻ nhiều nhiễm sâu vào tiềm thức của họ, nên mỗi lần cán bộ xã vào tuyên truyền vận động, giải thích rất khó nên phải nhờ một số người Mông uy tín trong xã đi cùng. Thực trạng ấy luôn là bài toán khó, bấy lâu nay các cấp hội luôn bế tắc tìm lời giải.

Ở đây 16, 17 tuổi không lo lấy chồng là ế. Trẻ con cũng ít được đi học. Nhiều ông bố bà mẹ bảo rằng học cũng không ra khỏi cái núi này, chỉ có lúa ngô mới làm no cái bụng. Nhìn đàn con, chị Hạ Thị Cánh hồn nhiên nói, đẻ nhiều thì không đủ ăn, nhưng nếu chồng muốn thì vẫn cứ đẻ thôi, trời sinh voi sinh cỏ mà.

Nỗi niềm sơn nữ: Lời ru buồn giữa đại ngàn ảnh 1 Chị Hạ Thị Cánh (xã Cư KBang) và 2 cô con gái
              
MỚI - NÓNG