Nỗi niềm quất Tết

Nỗi niềm quất Tết
TP - Người dân trồng quất năm nay vui mừng vì mùa quất bội thu. Thế nhưng, giá cả tăng quá cao, chi phí đầu vào tăng theo, lời lãi của họ cũng chẳng còn bao nhiêu…

>> Khi bưởi Diễn mất mùa

Nỗi niềm quất Tết ảnh 1
Anh Chử Văn Hưng bên vườn quất nhà mình

Được mùa nhưng lãi ít

Những ngày này, đến các xã Liên Nghĩa, Mễ Sở, Thắng Lợi (huyện Văn Giang, Hưng Yên), đâu đâu cũng thấy màu vàng óng của quất. Quất trên ruộng, quất trong vườn nhà; thậm chí, quất còn được tận dụng trồng trong nghĩa địa.

Lúc chúng tôi đến cánh đồng quất của thôn Phi Liệt (xã Liên Nghĩa) đã thấy hàng hàng xe máy dựng hai bên đường. Anh Nguyễn Văn Tuấn đang gò quất trên ruộng cho biết: “Thời điểm này, khách hàng ở các nơi đổ về đây đặt hàng, xe máy, xe ôtô dựng, đỗ kín lối đi”.

“Nhưng bây giờ vẫn chưa phải là lúc đông nhất. Vài ngày nữa, giáp Tết, người mua, người bán tấp nập, nhộn nhịp hơn nhiều” - Anh Tuấn nở nụ cười rạng rỡ, tỏ rõ sự phấn khởi vì vụ quất được mùa. Ruộng quất hơn 1.000 gốc của gia đình anh đã được khách đặt hết từ cách đây gần tháng.

Anh và các thành viên trong gia đình đang chăm chút lại cho cây đẹp, quả tươi để giao cho khách đúng hẹn. Anh Tuấn cho biết: Với giá mỗi cây quất thế 500.000 đồng, quất thường 120.000 - 200.000 đồng, vườn quất của gia đình anh năm nay cho doanh thu không dưới 300 triệu đồng.

Thôn Phi Liệt có 650 hộ thì có đến 95% số hộ trồng quất. Phong trào trồng quất bắt đầu từ 15 năm trước nhưng thực sự phát triển mạnh trong vài ba năm trở lại đây. Vào mỗi dịp Tết, thôn Phi Liệt từ trong nhà, ngoài ngõ, ra cánh đồng vui như trẩy hội.

Đang vặt những bông hoa nở sớm trên ruộng quất, mắt chăm chú nhìn những cành quất sai trĩu quả, anh Chử Văn Hưng (một trong những hộ trồng nhiều cam và quất ở thôn Phi Liệt) cho biết: Năm nay, thời tiết thuận lợi nên quất được mùa.

Ở thôn Phi Liệt, hộ trồng ít cũng cỡ 200 gốc, hộ trồng nhiều lên đến hàng nghìn gốc (trong đó có cả cam cảnh). Trung bình, vụ quất này, mỗi hộ dân Phi Liệt có doanh thu khoảng 20 - 30 triệu đồng.

Nâng niu từng quả quất vàng tươi trên tay, lão nông Đỗ Văn Tre nhớ lại thời điểm này năm ngoái, khi đó cả vùng quất tiêu điều vì gặp mưa đá. “Trận mưa đá bất thường đã cướp mất 70-80% quất của cả vùng này, nhiều hộ dân trắng tay.

Vì thế, giá quất năm ngoái đắt mà chất lượng lại không cao” - Ông Tre nói. Phía bên cạnh, ông Phạm Mạnh - một trong những hộ dân đầu tiên chuyển đổi đất sang trồng quất ở vùng này - đang tỉa bớt lá cho cây, tâm sự với chúng tôi: “Mấy năm trước, chúng tôi còn phải chở quất đi bán, nhưng nay chủ yếu khách các nơi từ Hà Tĩnh, Thanh Hóa cho đến Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định… đến đặt hàng cả tháng nay và đúng ngày hẹn là họ đến chở đi. Giá quất Tết nay tăng khoảng 30.000 - 40.000 đồng/gốc so với năm ngoái”.

Thấy chúng tôi đến tìm hiểu thông tin, anh Hà - một đầu nậu thu gom quất từ Hà Nội vừa đến, dự đoán: Năm nay, đào ở nhiều nơi mất mùa nên chắc chắn quất sẽ đắt hàng. “Ở Hà Nội đang “cháy hàng” quất. Vườn quất, đào ở Quảng An, Nhật Tân năm nay không được bao nhiêu. Vì thế, chúng tôi phải tìm đến các làng quất ở xung quanh Hà Nội để thu gom, cung cấp cho nhu cầu người dân Thủ đô”.

Chúng tôi gặp anh Vũ Văn Tập trên ruộng quất của anh ở thôn Hoàng Trạch (xã Mễ Sở), khi anh đang loay hoay làm quen với chiếc điện thoại di động mới mua để tiện liên lạc với khách hàng.

Anh thật thà: “Sau khi cưới, hai vợ chồng tôi đã vay mượn vốn mua giống và trồng được 400 gốc quất. Cũng may có người quen, hiểu biết kỹ thuật, hướng dẫn tận tình nên quất nhà tôi khá đẹp. Vì thế, có khách đến ưng quá đã đặt mua hết cả ruộng, với giá 130.000đồng/gốc”.

Cũng theo anh Tập, vợ chồng anh sẽ thu được không dưới 50 triệu đồng vụ quất này. Tuy nhiên, năm nay, giá cả tăng quá cao, chi phí đầu vào (như phân bón, thuốc trừ sâu…) nên gia đình anh sẽ không dôi ra được bao nhiêu.

Được mùa quất nhưng nỗi lo kiếm tiền trả nợ mua giống cây hồi đầu năm của vợ chồng anh Tập vẫn canh cánh. Đó cũng là nỗi niềm chung của nhiều gia đình trồng quất ở huyện Văn Giang.

Tết sớm ở Quảng An

Nỗi niềm quất Tết ảnh 2
Phần lớn cây quất đẹp ở Quảng An đã được khách đặt trước

“Ở đây, năm nào cũng vào Tết sớm nhất Hà Nội” - Anh Hùng, chủ một trong những vườn quất lớn bậc nhất ở Quảng An (Tây Hồ, Hà Nội) khẳng định như vậy, thay cho việc trả lời câu hỏi của chúng tôi về vụ quất năm nay.

Theo anh Hùng, ở Hà Nội, không khí Tết thường xuất hiện trước ở khu vực Quảng An, Quảng Bá, Nhật Tân là những làng đào, làng quất nổi tiếng.

Cách Tết Nguyên đán cả vài tháng, trong các khu vườn ở Quảng An đã bắt đầu rực lên màu vàng rói của quất chín. Nhất là khi vào tận vùng quất ở gần phủ Tây Hồ thì không khí khẩn trương, nhộn nhịp của làng quất Hà thành những ngày giáp Tết như sôi lên.

Không trồng nhiều như ở các làng quất Hưng Yên, cả vùng Quảng An năm nay chỉ có hơn 13.000 gốc quất. Người trồng nhiều nhất cũng chỉ có khoảng 800 - 1.000 gốc. Thế nhưng khách đến xem quất, đặt mua quất tấp nập. Và xét ở góc độ nào đó, thương hiệu quất ở khu vực này vẫn còn giá trị nhất định trong suy nghĩ của nhiều người.

Vừa giới thiệu quất cho khách, chị Tâm, người bán hàng ở vườn quất Thành “quất” cho biết: “Gần 1 tháng nữa mới đến Tết nhưng 2/3 trong số 824 cây quất của chúng tôi đã được khách đặt rồi”. Vườn Thành “quất” là một trong những vườn lớn nhất ở đây. Trên các gốc quất, phần lớn đã được treo biển người mua, người đặt, trong đó có ghi cả tên người mua, giá bán và thời gian giao hàng.

Chủ các vườn quất ở Quảng An như Thành “quất”, Nhiễu Tốn, Lợi Thủy, Đăng Lâm, Hùng Huê, Hiền Hậu… những ngày này gần như không có giờ nghỉ ngơi. Ăn vội suất cơm hộp bữa trưa, chị Liên - chủ vườn quất Liên Nga ở gần khách sạn Tây Hồ tươi cười: “Mấy hôm nay chả được ăn đúng bữa nữa chú ạ, khách vào thường xuyên nên không nghỉ được. Mệt nhưng mà vui!”.

Không vui sao được khi quất năm nay được giá nhất từ trước đến nay. Giá nhiều gốc quất tại vườn nhà chị Liên mà chúng tôi quan sát được lên đến 5 triệu đồng; thậm chí có gốc quất giá 12 triệu đồng đã được bán cho giám đốc một công ty địa ốc nổi tiếng Hà thành. “Giá quất tăng khoảng 40% so với năm ngoài, do chi phí đầu vào tăng và phần nữa do đào ở một số nơi mất mùa”- Chị Liên giải thích.

Cần mẫn chăm bón cả năm, bây giờ là thời điểm thu hoạch, nét mặt của những người trồng quất lộ rõ niềm vui. “Ở Hà Nội, rất may thời điểm này không có mưa, tránh được quất bị úng. Nắng không có lợi cho đào nhưng người trồng quất như chúng tôi lại an tâm” - Anh Hưng, chủ vườn Hưng “quất” đang phun thuốc chống sương cho quất, tâm sự.

MỚI - NÓNG