Những câu chuyện dưới đây của nhân viên các Điện lực thuộc công ty Điện lực Lâm Đồng (Tổng công ty Điện lực miền Nam) là những ví dụ sinh động.
Gian nan vất vả
Một ngày nắng gắt, phóng viên theo chân các anh Đội đường dây Điện lực Đà Lạt đi làm công tác sửa chữa, bảo trì lưới điện trong thành phố Đà Lạt. “Theo kế hoạch hôm nay Đội sẽ sửa chữa bảo trì lưới điện khu vực đường Lữ Gia. Lịch cắt điện từ 6 đến 15 giờ nên anh em phải cố gắng hoàn thành công việc để tái cấp điện cho nhân dân trong thời gian sớm nhất”- Đội trưởng Nguyễn Văn Trí cho biết. Chính vì áp lực thời gian nên gần 12 giờ trưa nhưng anh em vẫn cặm cụi làm.
Anh Trí tâm sự: “Anh em đường dây là thế, phải làm cho xong để kịp đóng điện, nên dù đói, khát vẫn cứ ráng và thường xuyên phải như vậy”. Anh Trí bảo, làm việc cực nhọc nhưng được bà con thông cảm mình còn thấy vui và hào hứng để làm, nhưng không phải lúc nào người dân cũng hiểu và thông cảm. Miệt mài làm đến 2 giờ thì xong việc và đóng điện, sớm hơn dự kiến 1 giờ. Lúc này anh em mới kéo nhau ghé quán cơm bụi ven đường, nhưng cơm đã hết, đành năn nỉ chủ quán “có gì nấu đó” để anh em chống đói.
Những ngày lễ, tết, trong khi mọi người được sum vầy bên bữa cơm gia đình, thì anh em thợ đường dây vẫn phải chia nhau trực ca thâu đêm. Những khi mưa bão, người thợ lại càng phải túc trực để kịp thời xử lý mọi sự cố. Anh Hà Thành Đức- Điện lực Đà Lạt chia sẻ, khi có sự cố là chúng tôi phải lên đường ngay. Những ngày nắng thì còn đỡ vất vả, những hôm mưa bão đường sá lầy lội, phải băng qua suối, qua dốc, đôi lúc phải gửi xe để đi bộ và phải tìm ra nguyên nhân gây sự cố để khắc phục trong thời gian sớm nhất có thể.Đối mặt với nguy hiểm, rủi ro
Anh Nguyễn Văn Chính, nhân viên Điện lực Di Linh được giao nhiệm vụ đến cắt điện của khách hàng tên T., vì đã gửi thông báo nhiều lần nhưng khách hàng này vẫn chưa đóng tiền điện. Khi vừa trèo lên trụ điện, anh Chính bỗng thấy ông T. trong nhà chạy ra trên tay lăm lăm con dao, miệng la lớn: “Thằng nào dám cắt điện nhà ông vào giờ này?”. Từ trên trụ điện, anh Chính nói vọng xuống với giọng từ tốn: “Thưa anh T., Điện lực đã gửi thông báo đóng tiền điện mấy lần rồi nhưng gia đình anh chưa đóng, nên theo quy định là phải cúp điện nhà anh”.
“Tôi có nhận giấy thông báo đóng tiền điện đâu, có thấy ai đến đưa giấy báo và thu tiền đâu”- ông T. lớn tiếng. Anh Chính giải thích, nhân viên điện lực đã đến tận nhà gửi thông báo nộp tiền điện 2 lần nhưng đều không có ai ở nhà. Lần thứ ba đến thì gặp con gái anh và đưa thông báo cho cháu. Nghe thế, ông T. liền gọi con gái ra để “đối chất”. Từ trong nhà, con gái ông T. chạy ra xác nhận đã có nhân viên điện lực đến đưa giấy báo tiền điện nhưng do cháu quên không nói cho bố mẹ biết. Lúc này ông T. mới chịu cất dao, dịu giọng xin lỗi anh Chính và bảo anh từ từ trèo xuống.
Anh Nguyễn Minh Quân, nhân viên Điện lực Di Linh kể, trong một lần cùng đồng nghiệp đi phát quang hành lang tuyến Di Linh-Bảo Lộc. Phát hiện có cây điều lâu năm của K’Hiếu, một người dân tộc thiểu số, cành lá lấn vào hành lang an toàn lưới điện. Anh Quân vào nhà K’Hiếu xin phép chặt tỉa nhánh cây nhưng chỉ có cô vợ và các con K’Hiếu. Chị vợ đồng ý cho chặt, nhưng vừa cưa được một cành thì K’Hiếu về. Thấy cây điều nhà mình đang bị chặt, K’Hiếu chạy một mạch vào nhà vác rựa ra đe dọa, chửi mắng. Anh Quân hoảng quá nhưng vẫn cố gắng giữ bình tĩnh và ôn tồn giải thích cho K’Hiếu hiểu đang mùa mưa bão, nếu không chặt tỉa thì những cành cây điều sẽ chạm vào đường dây, gây phóng điện, rất nguy hiểm cho gia đình và mất điện cả làng xóm. Nghe xuôi tai, K’Hiếu mới thông cảm cho Quân tiếp tục công việc.
Những nhân viên ngành điện còn đối mặt với nhiều rủi ro từ côn trùng. Anh Nguyễn Anh Đông (Điện lực Di Linh) cho biết, một lần đi sửa chữa lưới điện, trong lúc leo lên cột điện, đến khoảng trụ thứ 6 vừa bỏ cây ty vào trụ để leo lên tiếp thì bất ngờ một bầy ong bay ra vây quanh, đốt vào khắp người khiến anh tối tăm mặt mũi và ngất lịm trên cột điện. Khi tỉnh dậy anh thấy mình nằm trong trạm y tế xã, mặt mũi sưng vù …