Nỗi nhớ Tết quê nhà

TP - Tết đến, xuân về là lúc những người con xa xứ mưu sinh trở về sum vầy với người thân bên bữa cơm gia đình. Thế nhưng, với du học sinh Tết đến lại là lúc chồng chất nỗi niềm, sự buồn tủi và nỗi nhớ quê hương da diết.

Nhớ lắm Tết Việt

Ba năm liên tục đón Tết ở Đài Loan, vừa hết thời gian xuất khẩu lao động trở về được ít hôm, Sú Quay Lan (23 tuổi, quê Ninh Thuận) lại xách valy lên đường sang Nhật Bản du học. Năm nay, đã bốn mùa xuân Lan phải đón Tết xứ người và thèm khát được đón Tết quê hương.

Sinh ra và lớn lên ở vùng đất đầy nắng và gió, khi vừa tốt nghiệp phổ thông, Lan xin xuất khẩu lao động 3 năm tại Đài Loan. Đây cũng là khoảng thời gian khó khăn nhất với một người con gái mới lớn, vừa hết tuổi học sinh đã phải bôn ba nơi xứ người để mưu sinh. Nỗi tủi thân, nhớ nhà không khi nào vơi với Lan, đặc biệt khi xuân về, Tết đến, nghĩ đến gia đình đang quây quần bên bữa cơm cuối năm, Lan không kìm được nước mắt khi cô quạnh, lủi thủi ở xứ người. “Ba năm lao động nước ngoài cũng là ba cái Tết xa gia đình, xa quê hương, đất nước. Nghĩ đến việc các gia đình sum họp bên nhau trong những ngày Tết mình lại tủi thân vô cùng”, Lan chia sẻ.

“Dù có tập trung lại với nhau nhưng cũng chỉ được vài ba tiếng rồi mọi người ai lại về nhà nấy, người đi làm, người ra phố chơi. Mỗi lần Giao thừa đến mình gọi điện thoại về chúc Tết bố mẹ nhưng rồi hai mẹ con lại bật khóc nức nở vì nhớ nhau”. 

Sú Quay Lan

Lan cho biết, chính vì ba năm đón Tết ở Đài Loan cũng đem lại cho cô nhiều kỷ niệm cũng như hiểu biết hơn về Tết truyền thống nước bạn.

“Ở Đài Loan, cứ mồng một Tết là các gia đình có phong tục đi cúng đền thờ tổ tiên, chùa. Còn mình, may mắn ở đây còn có chị nên cứ đến Giao thừa, chị em mình lại làm mâm cúng rồi cùng nhau đốt pháo bông. Tuy nhiên, chị em mình cũng chỉ nghỉ ngơi vài tiếng rồi lại đi làm vì ở đây không có gia đình, ngồi ở nhà lại thêm nhớ quê hương. Khi đó, chỉ biết đi làm để lấp đầy khoảng trống, xua đi nỗi nhớ cha, mẹ. Nhiều lần nghĩ đến Tết, đến đêm Giao thừa là mình lại ứa nước mắt”, Lan tâm sự.

Sau 3 năm lao động ở Đài Loan, Lan dành dụm được ít tiền trở về nhà. Thế nhưng, suy nghĩ về việc học của mình còn dang dở, trong khi các bạn học cũ ở quê hương lại sắp có tấm bằng cử nhân. Lan không muốn mình thua kém bạn nên quyết định ôn thi rồi qua Nhật du học.

Nỗi nhớ Tết quê nhà ảnh 1 Lan cùng nhóm bạn đón Tết tại Ðài Loan.

“Năm nay ở Nhật không có Tết Nguyên đán. Mình nghe các anh chị người Việt ở đây bảo mấy năm trước, các anh chị nghỉ làm hết và tập trung ăn uống, vui chơi. Cũng là dịp để những người xa quê có cơ hội chia sẻ, tâm sự với nhau. Nghĩ đến Tết chỉ muốn xách valy về với gia đình nhưng chi phí đi lại quá cao kèm theo thời gian học kín lịch nên đành chịu. Bốn năm rồi chưa được về quê ăn Tết, nhớ Tết Việt quá”.

Không khác gì Lan, Phan Xu (du học sinh Mỹ) cũng ngậm ngùi khi nhắc đến Tết Nguyên đán. Năm nay là lần thứ 2 Xu ăn Tết xa quê. Dù đã chuẩn bị tâm lý để không rơi vào cảnh cô đơn như lần trước nhưng khi bạn bè hỏi thăm, nỗi nhớ nhà lại ùa về. Giao thừa năm ngoái Xu không đi đâu chơi mà lên giường ngủ đến sáng dậy lại đi học như ngày thường. “Dù có đông người, có đủ trò chơi nhưng cứ thấy mọi người quây quần thì mình lại nhớ nhà, nhớ mẹ da diết. Tết ở đâu cũng không vui bằng ở nhà”, Xu tâm sự.

Nỗi nhớ Tết quê nhà ảnh 2 Phan Xu cũng đã hai năm đón Tết ở Mỹ.

Ấm áp nồi bánh chưng xứ người

Đón Tết xa quê, xa gia đình, người thân đối với bất cứ ai cũng là điều thiệt thòi lớn. Và để lấp đi khoảng trống trong lòng mỗi người, những du học sinh ở khắp nơi lại tụ họp để cùng nhau nấu nồi bánh chưng, bày mâm ngũ quả đón Giao thừa.

Sú Quay Lan cho biết, ở Đài Loan mỗi khi Tết đến xuân về, cộng đồng người Việt tại đây cũng tập trung lại để cùng nhau đón năm mới. Có những nhóm vài chục người cùng quê chơi thân với nhau, gần Tết họ góp tiền cùng mua bánh trái, đồ ăn về quây quần bên nhau để tạo không khí, giảm đi nỗi nhớ nhà. “Dù có tập trung lại với nhau nhưng cũng chỉ được vài ba tiếng rồi mọi người ai lại về nhà nấy, người đi làm, người ra phố chơi. Mỗi lần Giao thừa đến mình gọi điện thoại về chúc Tết bố mẹ nhưng rồi hai mẹ con lại bật khóc nức nở vì nhớ nhau”.

Nỗi nhớ Tết quê nhà ảnh 3 Du học sinh ở Nga cùng nhau đón năm mới.

Với Lê Kinh Vũ (du học sinh Nga), Tết Nguyên đán cũng là thời gian nghỉ đông ở Nga nên các du học sinh ở đây lại tụ họp với nhau để chuẩn bị chương trình đón năm mới. Mỗi khi Tết đến, cộng đồng người Việt ở Nga cũng quy tụ về với nhau tổ chức nhiều chương trình như múa hát, trò chơi… tổ chức các cuộc thi gói bánh chưng, bày mâm ngũ quả để tạo không khí vui xuân.

Theo học chuyên ngành thiết kế vận hành nhà máy điện hạt nhân, trường Mephi ở Nga đến nay được 3 năm, cũng là 3 cái Tết Vũ không ở bên gia đình, người thân. Thời gian khó khăn nhất của Vũ là năm đầu tiên khi đón Tết xa nhà. “Mới lớn đã phải xa gia đình nên nhớ nhà da diết, thèm được ngồi lau lá chuối, đong nếp cho bố gói bánh chưng. Cảm giác thức thâu đêm để canh nồi bánh chưng trong hương thơm bốc lên khi bánh chín không thể nào tả được”, Vũ nói.

Vũ cho biết, người Việt ở Nga rất đông và thường dịp lễ Nguyên đán mọi người cũng tổ chức các gameshow mừng năm mới. Các liên chi đoàn ở các trường mỗi năm đều chuẩn bị cho du học sinh nhiều chương trình đón năm mới. Trong đó, được nhiều người yêu thích và tạo không khí Tết nhất là cuộc thi gói bánh chưng, bày mâm ngũ quả vì nó đem lại cho mọi người cảm giác được không khí Tết ở quê. “Không phải đi chơi, mua sắm mà tự tay cầm lá dong lên lau, rồi vo gạo nếp, đãi đậu xanh, cắt miếng thịt mỡ để làm nhân, ngồi canh nồi bánh chưng là giây phút ấm áp nhất mà những du học sinh xa quê như mình cảm nhận được”.

Nỗi nhớ Tết quê nhà ảnh 4 Du học sinh ở Nga gói bánh chưng đón Tết.

Khác với Vũ, nơi Phan Xu học không tổ chức các lễ hội đón xuân nên Tết đến, Xu lại một mình đến những nơi đông người Việt như San Jose, California để chơi vì ở đó có chợ hoa, có các món ăn Việt.

Xu cho hay, dù ở Mỹ cuộc sống sôi động hơn nhưng khi đến gần Tết, nỗi nhớ quê cứ thế ào ạt ùa về. “Gần Tết là mình gọi điện thoại về nhà liên tục, hỏi thăm bố mẹ gói bánh chưng ra sao, chuẩn bị đồ lễ cúng ông bà thế nào. Thời gian nói chuyện cho mình khuây khỏa chứ ở đây nhiều lúc cô đơn, nhớ nhà lắm”.

“Mình đến đó chơi vì có bánh chưng, bánh tét, có người Việt đi chùa cũng như những khu chợ có bán hoa đào, hoa mai. Nhìn mọi người vui chơi và ngắm những cành đào, cành mai khoe sắc mình cũng vơi đi nỗi nhớ nhà”, Xu nói.

MỚI - NÓNG