Nơi nằm lại của những người lính ngã xuống trước cửa ngõ Sài Gòn

Sau 41 năm, rất nhiều người lính ngã xuống trước cửa ngõ Sài Gòn sáng 30/4 vẫn đang nằm lại nơi đó, trên quốc lộ 22.
3 chiếc xe tăng T-54 cháy tại Ngã tư Bảy Hiền sáng 30/4. Ảnh: Corbis

10h45 ngày 30/4/1975, xe tăng của quân giải phóng xô đổ cổng dinh Độc Lập. Trưa cùng ngày, trên sóng phát thanh, Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng.

Trong suốt những giờ khắc ấy, cách Dinh Độc Lập 5km, ở Lăng Cha Cả, có 3 chiếc xe tăng T-54 vẫn đang cháy.

Đó là những chiếc tăng của trung đoàn 24 trong trận đánh lớn cuối cùng trước cửa ngõ Sài Gòn. Tấm ảnh 3 chiếc tăng nằm cạnh nhau ở Ngã tư Bảy Hiền, được phóng viên của hãng Corbis chụp lại, đã trở thành một biểu tượng của sự khốc liệt đến tận giờ chót của cuộc chiến tranh.

Bộ tổng tham mưu chỉ còn vài ông tướng. Quân đội VNCH rối loạn và tan rã. Những người có thể xuất kích một chiếc máy bay quân sự khi ấy, tưởng như sẽ chọn giải pháp tối ưu: tìm cách đưa gia đình sang căn cứ quân sự U-Tapao bên Thái hoặc bay ra biển. Nhưng hận thù nhen nhóm đến tận phút cuối cùng.

Trong buổi sáng ngày 30/4, theo lệnh của Chuẩn tướng Nguyễn Hữu Tần, quyền tư lệnh không quân, vẫn có một phi đội A-37 xuất kích từ sân bay Trà Nóc, Cần Thơ ném bom đoàn tăng đang tiến vào Sài Gòn. Tại đó, Liên đoàn 81 biệt kích dù vẫn chiến đấu bảo vệ Tân Sơn Nhất. Đạn chống tăng M-72 vẫn phóng ra từ sân thượng các toà nhà quanh khu vực Ngã tư Bảy Hiền.

Những chiếc T-54 ở Ngã tư Bảy Hiền cháy tới tận trưa. Nhiều thường dân đã chết trong những trận chiến phút cuối.

Trong số những người đã ngã xuống trên dọc quốc lộ 22 vào buổi sáng ngày 30/4 ấy – có các chiến sỹ tăng của hai trung đoàn chủ lực E24 (sư đoàn 10) và E275 (quân đoàn 3). Họ chết cháy trong những chiếc tăng.

41 năm qua, rất nhiều người vẫn nằm đó, trên quốc lộ 22, nơi họ đã ngã xuống. Nhiều người trong số họ, được cải táng và chăm nom bởi một gia đình  người lính bên kia chiến tuyến.

Bà Út Hiệp đã gắn bó với nghĩa trang Tân Xuân gần 30 năm.

27 năm trông mộ lính

Nghĩa trang liệt sỹ xã Tân Xuân, một buổi chiều tháng 4 năm 2016. Một người phụ nữ băng qua đường với bó nhang trên tay. Mở cổng, người phụ nữ gày guộc tiến vào nghĩa trang trong ánh sáng nhập nhoạng của hoàng hôn và khói nhang nghi ngút. Bà bắt đầu hô to ra bốn bề.

“Các chú các bác về hưởng chút nhang cho ấm cúng các chú các bác ơi” – tiếng người phụ nữ ngân dài giữa những hàng mộ. Bà cắm bó nhang lên lư, rồi rót ba chén nước.

Thi hài của những người lính E24 và E273 ngã xuống trước cửa ngõ Sài Gòn được tập kết ở nhà máy dệt Vinatexco (Nhà máy dệt Thắng Lợi), ngay gần Ngã tư Bảy Hiền – bộ tổng tham mưu hậu phương thời kỳ sau giải phóng.

Số phận như cố tình sắp đặt, người cải táng họ là ông Nguyễn Văn Bắc – một cựu thành viên Liên đoàn 5 Biệt động quân VNCH – và người em dâu, bà Út Hiệp.

Ngày 30/4/1975, họ đón đoàn quân tiến vào Sài Gòn trong tâm lý hoảng sợ. Ông Bắc đã từ chối cầm súng trong những ngày cuối của cuộc chiến. Ông bỏ căn cứ, sau khi phát hiện ra rằng bộ đội đang tới. Bà Út Hiệp trốn dưới hầm, đóng chặt cửa nhà vì "sợ lắm".

Bà chẳng ngờ rằng sau này, mình lại trở thành người chăm lo cho những anh bộ đội ấy. Như một sự cứu chuộc cho những hận thù phút cuối mà bà không gây ra.

Bà Út Hiệp vẫn nhớ lần đầu tiên gặp gỡ “các anh, các chú” khi bà mới 18. Nhà bà có nghề bốc mộ gia truyền. Sau chiến tranh, mấy anh em cùng đi làm công việc này. Nhìn hài cốt đã quen, nhưng đến tận năm 1981, khi có quyết định cải táng các liệt sỹ ở khu vực nhà máy dệt, lần đầu tiên Út Hiệp nhìn thấy những bộ hài cốt. Chỉ cần đào đất lên là nhìn thấy. Những bộ hài cốt được cuốn trong những tấm vải, với một mảnh gỗ nhỏ ghi vắn tắt tên tuổi và quê quán của người chết.

Nghĩa trang liệt sỹ xã Tân Xuân, nằm ngay mặt đường quốc lộ 22, dù không chủ trương trở thành nơi chôn cất thi hài của những liệt sỹ mất ngày 30/4, nhưng bởi trận đánh khốc liệt cuối cùng ở Lăng Cha Cả, ngẫu nhiên thành điểm hẹn của các anh. Những hàng mộ liên tiếp ghi ngày 30/4. Cả những người mất đầu tháng 5 vì bị thương trước cửa ngõ. Phần lớn là lính tăng. Bà Út Hiệp nhớ chính xác vị trí từng ngôi mộ. Bà biết dưới mộ nào có bao nhiêu bộ hài cốt. Có mộ có cả chục bộ, dù chỉ ghi tên một người.

Bà Hiệp sống trong một túp lều lụp xụp dựng gần nghĩa trang.

Người phụ nữ gày gò không tài nào diễn đạt được tại sao mình lại gắn bó với cái nghĩa trang này như thế. Bà chỉ nhớ, lúc bà và ông Bắc đưa các anh về đây, nghĩa trang chỉ có những nấm mộ đất đầy cỏ, trâu bò ra vào. Bà chỉ tự thấy tội nghiệp, kiến nghị với chính quyền cho mình làm cỏ, xua trâu bò, rồi người ta giao bà làm luôn. Đã 27 năm.

Lương chỉ hơn một triệu, không có biên chế trong uỷ ban, người quản trang giờ sống trong một túp lều dựng bằng tôn gần nghĩa trang. Không biết gọi là “lều” hay là “nhà”, bởi tường mái bằng tôn nhưng sàn thì lát đá: là đá làm mộ đầu thừa đuôi thẹo bà Út nhặt nhạnh về. Hỏi tại sao bà không đi tìm công việc khác để trang trải cuộc sống, bà lắc đầu. Cũng thử đi rồi, nhưng nhớ mấy bác mấy chú lắm, tội nghiệp nữa, mình đi thì đâu có ai nhang khói cho đâu, rồi cỏ mọc nữa. Làm đâu cũng chỉ được mấy ngày, rồi lại thấy tội các chú, quay về thắp nhang. Nhang 20 ngàn một bó, phải chia ra thắp làm mấy ngày, chứ tiền lương xã trả không đủ tiền mua nhang.

“Cuộc sống khó khăn lắm, nhưng các chú phù hộ nên đủ 2 bữa mỗi ngày” – bà Hiệp nhớ. Bà bám trụ nghĩa trang với một niềm tin như thế. Bữa nào túng quá, bà lại khấn các chú, rồi ra nghĩa trang. Kiểu gì cũng có một đoàn đi viếng mộ, sẽ lại cho bà miếng bánh miếng nước.

Và đến bây giờ, khi cơ cực đã thành nước mắt, khi hỏi đến gia cảnh là khóc, vẫn chưa ngày nào bà Hiệp nghĩ mình bỏ nghĩa trang. “Các chú cũng như người thân của mình vậy. Nghĩ tội lắm”.

Theo Theo VNE