Nỗi lòng những người không muốn có Tết
> Vạ vật trên tàu về quê đón Tết
> Không lương thưởng Tết chẳng dám về quê
Thu nhập thấp, ngay cả cuộc sống bình thường cũng không đảm bảo nên công nhân ở nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất rất ngại Tết. Nhưng cả năm chỉ có mấy ngày đoàn tụ bên gia đình, nên mỗi dịp cuối năm, họ lại lo ngay ngáy chuyện vé tàu xe, quà cáp.
"Con lại không về"
Dạo quanh các khu công nghiệp, xóm trọ ở Bình Dương, Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh những ngày này, không khí có phần ảm đạm, bởi thay vì háo hức về Tết thì nhiều công nhân ở xa lại buồn thiu và lo lắng.
Lo lắng vì chẳng lẽ lại không về đoàn tụ bên gia đình, và có người đã hai năm không về quê ăn Tết, mà về thì không có tiền. Sự lo lắng trong khó khăn còn được nhân lên đối với những cặp vợ chồng trẻ, đang có con bởi chi phí đi tàu xe cuối năm và sau Tết của cả gia đình khá tốn kém.
Chị Hồ Thị Vĩnh (Nghệ An), làm công nhân ở Dĩ An (Bình Dương) cho biết: “Cuộc sống thuê trọ và làm công nhân nơi đất khách quá khó khăn. Những ngày cuối năm là dịp rộn rạo đón chờ, mong được về quê đoàn tụ. Nhưng không phải ai cũng có điều kiện về. Vé tàu xe đắt đỏ, mà chẳng lẽ về tay không. Đến lúc đi thì thế nào nếu không còn tiền, hay là lại ngửa tay xin gia đình? Cho nên, ngày Tết với một bộ phận lớn công nhân là… những ngày buồn”.
Chị Vĩnh cho biết thêm, năm ngoái vợ chồng chị và một đứa con ba tuổi ở lại cùng mấy anh chị em xóm trọ đón cái Tết giản dị nơi xứ người. Thứ mà họ chuẩn bị là một ít thịt tươi, hai cặp bánh chưng, ít bánh kẹo. Chị lại vừa sinh đứa con thứ hai, đi lại chỉ là một nhẽ, thiếu thốn kinh tế mới là chuyện lớn.
Chị Nguyễn Thị Đồng, sinh năm 1976 tại huyện Tân Hiệp (Kiên Giang) đến thuê trọ trong xóm nhỏ thuộc xã Bình Hòa (huyện Thuận An, Bình Dương) được 13 năm.
Cuộc sống không có tương lai, khó khăn, Hồng sợ không lo được cho gia đình riêng nên ngại không dám lấy chồng. Từ hai năm nay, việc tại nhà máy ít, không có việc để mà tăng ca nên chẳng có thêm thu nhập gì. “Ở một xóm trọ này, thay vì đi mua sắm đồ, chuẩn bị về quê thì rất nhiều công nhân ở đây phải đi làm thêm. Có người buôn bán hoa quả, người buôn thêm rau hoặc bán ngô một ca đêm để có thêm tiền chi tiêu cho cuộc sống.
Phòng em ba người thì hai người thất nghiệp. Chúng em muốn về quê lắm, nhưng khổ nỗi không còn tiền đi lại. Nói đến Tết mà chúng em sợ anh ạ”, chị Đồng ngậm ngùi chia sẻ.
Chưa đủ ấm lòng
Theo thống kê, Tp Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai là những nơi tập trung nhiều công nhân nhất và đến 70% là người ngoại tỉnh. Vì thế, nhu cầu đi lại trong những ngày trước và sau Tết Nguyên đán là rất lớn.
Trong câu chuyện này, bức tranh thực tế về đời sống công nhân cũng để lại nhiều xót xa. Những năm qua, kinh tế khó khăn, chuyện công nhân bỏ về quê ăn Tết mà ở lại làm thêm co cụm với bạn bè là khá phổ biến.
Qua tìm hiểu, công đoàn các khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất (KCX) Tp Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương cũng rất nỗ lực trong vấn đề chăm lo Tết cho công nhân. Cụ thể KCX-KCN Tp Hồ Chí Minh đã huy động nhiều nguồn lực để lo 6.000 vé xe cho công nhân lao động. Có 28 doanh nghiệp tư nhân chăm lo cho 11.274 lao động với số tiền gần 29 tỉ đồng; 3.713 đoàn viên, công nhân lao động được tặng quà với số tiền hơn 1,2 tỉ đồng.
Ngoài ra, có 2 doanh nghiệp hỗ trợ tiền vé xe cho 365 công nhân về quê đón Tết, 1 doanh nghiệp tự thuê xe đưa công nhân về quê. Dự kiến Tết Quý Tỵ năm 2013 Liên đoàn lao động thành phố sẽ họp mặt 500 hộ gia đình công nhân thuộc diện: Bản thân vợ (hoặc chồng) bị mất việc làm do DN thu hẹp sản xuất, giải thể hoặc có chủ bỏ trốn; nữ công nhân mất việc đang mang thai hoặc nuôi con nhỏ.
Hay Ban Thường vụ Trung ương Đoàn phối hợp cùng Báo Thanh Niên và đơn vị Công ty Cổ phần Kinh Đô đã tổ chức trao tặng 250 vé xe Tết cho thanh niên công nhân khó khăn tỉnh Bình Dương về quê ăn tết trong khuôn khổ chương trình “Kinh Đô chở tết về nhà”…
Mong ước ngậm ngùi
Doanh nghiệp hoạt động thời kỳ khó khăn là một vấn đề, công nhân sống trong thời kỳ doanh nghiệp khó khăn càng trở nên tội nghiệp hơn. Các cơ quan chức năng cần tích cực hơn nữa trong công tác bảo đảm quyền lợi cho công nhân, nhất là những người ngoại tỉnh. Chăm lo cho họ một cái tết cũng là các để “giữ chân” nhưng người lao động có kinh nghiệm, nhiệt huyết nghề nghiệp. Bởi mỗi khi sau mấy ngày nghỉ tết, công nhân “ngại” chẳng đến làm việc đã khiến nhiều công ty điêu đứng.
Nói gì thì nói, ai cũng mong được về đoàn tụ gia đình trong những ngày đón xuân. Cái khó bó cái khôn, nhiều người đành chịu, ngậm ngùi ở phương xa ngóng về quê nhưng nỗi nhớ day dứt. Họ mong năm mới kinh tế bớt khó khăn, để có thể yên tâm làm việc, và chợ đợi một năm mới khác.
Theo Văn Học
Pháp luật Việt Nam