Nỗi lòng của 'ông nghè Tây học' làm Bộ trưởng Giáo dục

Nỗi lòng của 'ông nghè Tây học' làm Bộ trưởng Giáo dục
Trong những ngày tháng cam go đấu tranh ngoại giao tại Fontainebleau (Pháp) năm 1946, có một bức thư trĩu nặng tâm tư được gửi về gia đình của một "ông Nghè Tây học" xứ An Nam...

Bốn tháng sau đó, ông nhận lời mời của Chủ tịch Hồ Chí Minh để trở thành vị Bộ trưởng Bộ Giáo dục của Việt Nam cho tới ngày đất nước hoàn toàn thống nhất...

Bức thư từ Fontainebleau

Fontainebleau 18 tháng Bảy năm 1946.

(Bây giờ hội nghị ở đây cách Paris 60 cây)

Em Ngọc,

Chị Hạnh, các chú Bích Hà, Nữ Hiếu, Huy,

Hôm trước Huyên nhận được thư của Ngọc lại càng nhớ nhà thêm (...) Huyên ra đi cũng thừa thấy là làm thiệt thòi cho vợ và các con nhiều. Song như Ngọc nói đây là dịp để Huyên thay mặt cho nhà mà đền nợ nước. Huyên cũng như bao nhiêu anh em sinh trưởng ở một nước nô lệ từ ngày hiểu biết tới nay ngoài hai chục năm thở vắn than dài, cố sức sửa mình để thoát khỏi vòng áp chế. Ngọc cũng cảm thấy là trong 10 năm, hai ta sống với nhau hoàn toàn trong cảnh lạm bợ mà thôi. Ngọc thấy Huyên không thiết gì ngoài cái tình thân mật trong gia đình, còn danh lợi thì dửng dưng không ham muốn; có thì dùng không bao giờ tự đi kiếm.

Mà Ngọc là người sinh trưởng trong một gia đình hào phú cũng có trí cao thượng không bo bo giữ cái lợi tức thời nên cũng trợ giúp Huyên tìm đường thoát ly khỏi cái vòng nô lệ.

Trong mấy năm tuy chúng ta lủi thủi cùng nhau như một đàn chim lạc nhưng trong lòng lúc nào cũng hy vọng có ngày lần tới được một cảnh rộng mà vẫy vùng. Ngọc ạ, lúc này mà chúng ta không tự hy sinh một chút lợi riêng thì còn lúc nào nữa nhỉ? Ngọc hiểu biết lắm nên Huyên mới nhảy vào vòng mà gỡ mối tơ vương. Tương lai là ở chúng ta cả, chúng ta phải cố. Xưa cổ nhân có tin là năm trăm năm rồng mới mở miệng một lần, tương lai của Tổ quốc chúng ta không biết bao giờ mới lại có dịp như ngày nay nữa nhỉ. Hai mươi năm lăn lộn sách đèn, một chục năm phiêu lưu chân giời góc bể mới có dịp giơ thẳng cánh tay. Chúng ta dắt tay nhau mà cố lên vậy. (...)

Cùng nhau ngậm hờn nuốt tủi trong bấy nhiêu năm, ngồi ăn những bữa cơm mà khách là kẻ cừu, chuyện trò với những kẻ tự cho những cái học danh của mình là danh thiên cổ. Nhưng Huyên thấy Ngọc cũng như Huyên chỉ nhún vai mỉm cười mà ở lòng Huyên trong bao năm chí hăng hái của tuổi trẻ không hề phai nhạt. Huyên cách biệt Ngọc và các con đến hôm nay đã ngoài 40 ngày rồi? Khi Ngọc nhận được thư này không biết công việc ở đây đã xong chưa. Nhưng chúng ta cũng can đảm mà tin ở tương lai. Việc rất khó, nhưng hy vọng vẫn còn chứa chan. Làm suốt ngày thâu tối, không hôm nào được đặt mình trước 12 giờ khuya. Lúc nào cũng cảm thấy mình trên bãi chiến trường, nhưng tính Huyên điềm tĩnh nên nhờ đấy mà khó đến đâu cũng không hề rối loạn. (...)

* Trích thư của Tổng Giám đốc Đại học vụ Nguyễn Văn Huyên gửi về cho vợ là Vi Kim Ngọc, cùng các con Nguyễn Kim Nữ Hạnh, Nguyễn Bích Hà, Nguyễn Kim Nữ Hiếu và Nguyễn Văn Huy.

Từ hai chữ "i tờ"...

"Lục cục lào cào, anh cuốc em cuốc, đá lở đất nhào… Đường dài ta xẻ sức trai ngại gì, Đường đi ngoắt ngoéo chữ chi. Hố ngang hố dọc chữ i chữ tờ…" - Bài hát "Phá đường"

Sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, với hơn 90% dân số mù chữ, nhà nước Việt Nam non trẻ đã ngay lập tức phải tuyên chiến với giặc dốt. Cuộc chiến chống giặc dốt trở thành cuộc vật lộn mà một bên là lãnh đạo và người dân, còn bên kia là việc-đánh-vần.

Với "bộ óc học viên là những người lớn tuổi suốt ngày lao động cực nhọc" thì việc đánh vần còn khổ hơn cả "đánh vật" theo cách ghép vần: vật-nhau-huỳnh-huỵch (u-y-n-h-uynh; h-u-y-n-h = huynh; huyền (`) = huỳnh/ u-y-c-h = uych, h-u-y-c-h = huých; nặng (.) huỵch). Vậy phải làm thế nào để thắng được con chữ đây?

Ngay lúc đó, Giáo sư Huyên đã gợi ý cách "chắp vần tài tình: i tờ - tờ i ti - đơn giản mà rất khoa học, vừa dễ nhớ, nhớ lâu, nhanh biết đọc biết viết hơn lối dạy trước đây nhiều, mà lại vui nữa chứ". "Sẽ càng vui nhộn nếu giáo viên Truyền bá Quốc ngữ khéo xen vào bài học vần Quốc ngữ, những mẩu văn tập đọc phỏng từ các câu ca dao, tục ngữ quen thuộc mà còn ý nghĩa:

"Nhiều điều phủ lấy giá gương...

Bầu ơi thương lấy bí cùng...

Lạy trời cho cả gió lên,

Cho manh chiếu rách trùm lên tàn vàng"

hoặc hóm hỉnh kiểu dân dã, gây cười, hồn nhiên:

"Chính chuyên lấy được "chín chồng"

Vê viên bỏ lọ gánh gồng đi chơi.

Không ngờ quang đứt lọ rơi

Bò ra lổm ngổm chín nơi chín chồng"

Nguyên Bộ trưởng Giáo dục đầu tiên của Việt Nam - Giáo sư Vũ Đình Hòe -  nghe Giáo sư Huyên trình bày phương pháp "i tờ" này mà thấy "sướng cái lỗ tai đã đành, nhưng còn thú vị vì lĩnh hội được phần nào thâm ý của vị diễn giả yêu nước".

Tới khi đọc bản luận án tiến sĩ của Giáo sư Huyên, ông Hòe không khỏi thốt lên rằng: "Thật đáng mến phục biết bao 'cái Ông Nghè Tây học' mà mang nặng lòng nước non như thế đấy".

Ban đầu, sáng kiến "i tờ - tờ i ti" này cho Giáo sư Hoàng Xuân Hãn khởi xướng. Với sự chung sức của hai nhà sử học, ngôn ngữ học Trần Văn Giáp, Nguyễn Văn Huyên ở Trường Bác cổ", phương pháp này đã được nhân rộng và nhờ đó, giặc dốt đã bị tiêu diệt.

... đến "Kiến trúc sư trưởng cho lâu đài giáo dục" Việt Nam

"Ông Nguyễn Văn Huyên là một con người có những nét rất đáng quý, đáng khâm phục ở chỗ là rất hiền, rất tận tụy với công việc, làm hết mọi việc với tinh thần trách nhiệm cao quý và ý thức danh dự đầy đủ, đồng thời thuyết phục mọi người cùng mình làm, làm tốt. Từ đó mà có uy tín lớn trong ngành, được mọi người quý trọng.

Chỉ tiếc là ông mất sớm nên không cống hiến được nhiều hơn nữa. Nhưng tấm gương như thế thật đáng quý và cao đẹp"

Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng

Mặc dù chỉ gặp "trong công việc thôi, chứ không có cơ hội quen thân về cá nhân, cho nên không mấy khi đi lại với nhau, thành không biết được nhiều về đời tư", nhưng với Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng khẳng định: "đời công như vậy thì nó chứng tỏ là một con người trọn vẹn công tư và đối với mọi người thủy chung... Có thể nói ngay mấy việc lớn mà ông, với cương vị là Bộ trưởng Bộ Giáo dục trong suốt 30 năm, đã làm được cho sự nghiệp giáo dục.

Thứ nhất là chống nạn mù chữ mà ông là người lãnh đạo, một người chiến sĩ xung kích.

Thứ hai là lãnh đạo việc dùng tiếng Việt trong sự nghiệp giáo dục, dùng ngay tiếng Việt chứ không phải dùng tiếng Pháp như ở nhiều nước khác.

Thứ ba là mặc dù kháng chiến nhưng vẫn xây dựng, giữ vững và phát triển hệ thống các trường học, nhất là các trường đại học trên chiến khu.

Thứ tư là động viên, khuyến khích các em học sinh đi học trong những hoàn cảnh rất khó khăn; lúc đầu cố nhiên Pháp chưa có máy bay oanh tạc như Mỹ nên còn dễ, sau dần nó cũng có. Đến kháng chiến chống Mỹ thì rất gian khổ, các em học sinh đi học phải đội mũ rơm, học dưới hầm, thiếu thốn đủ thứ nhưng vẫn tổ chức cho các thầy cô giáo dạy tốt và học sinh học tốt, học giỏi.

Hoàn thành các công việc này trong những hoàn cảnh khó khăn lạ lùng của các cuộc kháng chiến chứng tỏ ông là người có một ý thức trách nhiệm, lương tâm nhà nghề cực kỳ đẹp đẽ".

Vài nét về cố Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên

Cố Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên sinh năm 1905. Ông đỗ cử nhân Văn chương kiêm cử nhân Luật tại Đại học Sorbonne năm 1931. Trong thời gian làm bằng Tiến sĩ ở Pháp ông dạy học tại Trường Ngôn ngữ Đông phương.

Ngày 17/2/1934, ông trở thành người Việt Nam đầu tiên bảo vệ xuất sắc luận án tiến sĩ văn khoa tại Đại học Sorbonne, Paris. Luận án chính là "Hát đối của nam nữ thanh niên ở Việt Nam" và luận án phụ là "Nhập môn nghiên cứu nhà sàn ở Đông Nam Á". Chủ tịch hội đồng chấm luận án, giáo sư Vendryès, coi đó là “một sự kiện đáng ghi nhớ trong lịch sử Sorbonne”.

Năm 1935 ông về nước làm giáo sư trường Bưởi (trường Bảo hộ) Ban Tú tài bản xứ, cùng dạy học với người bạn thân thiết là giáo sư Nguyễn Mạnh Tường.

Năm 1938 sau thời Phan Bội Châu và Đông Kinh Nghĩa Thục, ông từ bỏ nhiệm vụ dạy Sử - Địa Pháp cho lớp trẻ Việt Nam và chuyển sang Trường Viễn Đông Bác cổ.

Năm 1938, ông giúp thành lập bộ môn lịch sử văn minh Việt Nam tại trường Đại học Luật Hà Nội.

Ông được Quốc hội cử giữ chức Bộ trưởng Giáo dục vào phiên họp tháng 11/1946 và giữ trọng trách này trong 29 năm cho đến khi mất vào tháng 10/1975. Được giải thưởng Hồ Chí Minh, huân chương độc lập hạng nhất, tên ông được đặt cho phố chạy ngang Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam nơi con út Nguyễn Văn Huy từng làm giám đốc.

Theo Tùng Anh
VietnamNet
(Tổng hợp từ "Nguyễn Văn Huyên - Một tấm gương đáng quý và cao đẹp" và "Tiếp bước chân cha - Hồi ký về Giáo sư Nguyễn Văn Huyên")

Bài 2 : Cái tát 'trời giáng' của ông Bộ trưởng 
Bài 3 : Ông Bộ trưởng 30 năm 'chưa vào Đảng' 

MỚI - NÓNG
TPHCM 24/7: Cựu cục trưởng Đỗ Thị Nhàn bị tịch thu bao tiền? Thuận An nói về 2 gói thầu ở TPHCM
TPHCM 24/7: Cựu cục trưởng Đỗ Thị Nhàn bị tịch thu bao tiền? Thuận An nói về 2 gói thầu ở TPHCM
TPO - Người tự nhận có thể cầu mưa cho TPHCM nhận lỗi; Cựu cục trưởng Đỗ Thị Nhàn phải nộp thêm 400.000 USD và 100 triệu đồng; Nam thanh niên trộm chó trong tích tắc; Siêu tàu cao tốc từ TPHCM - Côn Đảo chính thức hoạt động; Đốn hạ hơn 400 cây xanh để làm tuyến Metro số 2,... là những tin tức đáng chú ý tại TPHCM tuần qua.