Điều chỉnh tăng giá bán than cho các hộ tiêu thụ lớn:

Nỗi lo vòng xoáy tăng giá mới

Nỗi lo vòng xoáy tăng giá mới
TP- Mới đây, Tổng Cty Hóa chất Việt Nam đã có văn bản gửi Bộ Công Thương và Bộ Tài chính xin giữ giá bán than đến hết năm 2008 với lý do tăng giá bán thời điểm này sẽ kéo theo một vòng xoáy tăng giá mới.

Theo Tổng Cty Hóa chất Việt Nam, việc tăng giá tại thời điểm này chưa hợp lý. Các đơn vị sản xuất phân bón thuộc Tổng Cty đã gặp nhiều khó khăn do tác động khủng hoảng tài chính toàn cầu nay thêm việc tăng giá sẽ càng khó khăn hơn.

Cùng với đó, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về bình ổn giá phân bón và góp phần kiềm chế lạm phát, Tổng Cty đã chỉ đạo các đơn vị không được điều chỉnh giá bán từ tháng 3/2008.

Hiện giá dầu thế giới, giá các loại vật tư đều giảm (trong đó có phân bón), việc tiêu thụ phân bón chậm do chưa tới vụ mùa, giá cả diễn biến phức tạp và có xu hướng giảm dẫn tới lượng phân bón tồn kho tại các đơn vị sản xuất rất lớn.

Thống kê cho thấy, 10 tháng đầu năm 2008, lượng phân bón tiêu thụ chỉ bằng 75 – 80% so với cùng kỳ trong khi dự báo tháng 11, 12 việc tiêu thụ vẫn còn nhiều khó khăn.

Ông Đỗ Duy Phi, Tổng giám đốc Tổng Cty hóa chất Việt Nam cho biết, nếu thực hiện giá bán than theo thông báo của tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam thì giá thành phân đạm tăng 2,8 triệu đồng/tấn, phân lân nung chảy tăng 240.000 đồng/tấn trong khi đó khả năng điều chỉnh tăng giá bán phân bón rất khó khăn và không khuyến khích nông dân đầu tư phân bón cho sản xuất nông nghiệp.

Cũng theo ông Phi, về chi phí sản xuất, tính theo sản lượng kế hoạch năm 2009, Cty TNHH một thành viên Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc phải chi thêm 500 tỷ đồng, Cty phân lân nung chảy Văn Điển và Cty cổ phần phân lân Ninh Bình, mỗi Cty phải chi thêm từ 70 – 75 tỷ đồng trong khi giá bán cho nông dân không tăng mà có khả năng phải điều chỉnh giảm dẫn tới thua lỗ.

Điều này sẽ dẫn tới việc để bảo toàn vốn, các đơn vị sẽ phải lựa chọn phương án sản xuất hợp lý, kể cả phương án giảm sản lượng, khi đó sẽ không đủ phân bón phục vụ cho sản xuất nông nghiệp.

Đại diện Tổng Cty Hóa chất Việt Nam đề nghị giữ nguyên mức giá than cho đến hết năm 2008. Năm 2009 mỗi quý điều chỉnh một lần với mức điều chỉnh 10 – 20%.

Nỗi lo vòng xoáy tăng giá mới

Dù được đánh giá là ngành chịu tác động ít nhất trong số các hộ tiêu thụ bị điều chỉnh giá bán than nhưng theo ông Vũ Ngọc Bảo, Tổng Thư ký Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam thì dù biết việc tăng giá là khó tránh khỏi nhưng vấn đề đặt ra hiện nay là thời điểm tăng giá liệu đã phù hợp chưa? Ông Bảo cũng cho biết ngành giấy đang gặp nhiều khó khăn trong việc đối phó với bài toán tăng chi phí đầu vào.

Hiện các doanh nghiệp còn tồn hơn 150.000 tấn giấy, trong đó Tổng Cty Giấy Việt Nam tồn kho hơn 20.000 tấn, các doanh nghiệp khác mức tồn bình quân từ 10.000- 15.000 tấn, tương đương với 1 tháng rưỡi sản xuất.

Trong khi, giá giấy hiện nay đã giảm 10- 15%, lợi nhuận ngành giấy không lớn chỉ từ 5- 10%, mức giảm này đủ khiến 30.000 công nhân toàn ngành lao đao.

Ông Nguyễn Hạc Thúy, Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho biết, hiện giá phân bón đã giảm gần 70% so với thời kỳ đỉnh điểm giữa năm. Thời điểm này tăng giá than sẽ tác động rất lớn đến các nhà sản xuất, nhập khẩu phân bón, đặc biệt là các nhà sản xuất (chiếm hơn 50% tổng số doanh nghiệp ngành phân bón).

“Giá than hiện đang chiếm từ 15- 30% giá thành sản xuất phân bón của các doanh nghiệp. Với mức tăng giá bán 70- 80%, các doanh nghiệp sản xuất phân bón sẽ phải tăng giá bán lên ít nhất 60- 80%, thậm chí là 100% và điều này chắc chắn sẽ tác động mạnh đến người nông dân. Các doanh nghiệp đang phải đối mặt với việc nguyên liệu phân bón rớt giá không phanh giờ lại đau đầu với việc tăng chi phí đầu vào”- Ông Thúy cho biết.

“Giá than chỉ chiếm 5- 10% giá thành sản xuất giấy, nhưng nếu tăng giá than, doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn. Theo tôi, quý 2/2009 hãy nên tăng giá than. Mức tăng cần cân đối lợi ích của ngành than với các hộ sản xuất lớn khác, trước khi tăng nên có sự trao đổi, tham khảo ý kiến các ngành hàng, cân nhắc trong hiệu quả của cả nền kinh tế nói chung”- Ông Bảo đề nghị.

Về phần mình, lý giải về việc tăng giá bán than cho các hộ tiêu thụ lớn nói trên,  Bộ Tài chính cho rằng việc điều chỉnh giá bán than cho xi măng, giấy, phân bón lần này là một bước quan trọng trong việc điều hành giá than theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước.

TKV và các đơn vị kinh doanh than đã giữ ổn định giá bán than cho các hộ tiêu thụ than lớn (kể cả điện) trong nước từ tháng 1/2008 đến nay theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ nhằm kiềm chế lạm phát, bình ổn giá thị trường trong nước.

Hiện giá than bán cho 4 hộ tiêu dùng than lớn thấp hơn giá thành từng chủng loại than (chỉ bằng khoảng 38 % đến 79% giá thành), thấp hơn giá bán cho các hộ tiêu dùng lẻ (chỉ bằng khoảng 30% đến 60% giá bán hộ lẻ trong nước) và thấp hơn nhiều so với giá than xuất khẩu.

“Nếu không điều chỉnh 1 bước giá than trong năm 2008, mà chờ đến năm 2009 thực hiện giá bán than ngay theo cơ chế thị trường thì mức tăng giá bán than trong năm 2009 cho các hộ tiêu thụ than lớn sẽ tăng mạnh, có chủng loại than tăng hơn 2 lần”- Bộ Tài chính cho biết.

Trao đổi với Tiền Phong, TS Vũ Đình Ánh, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học thị trường giá cả, Bộ Tài chính cho rằng việc điều chỉnh giá theo lộ trình là cần thiết nhưng điều chỉnh vào thời điểm nào, cách điều chỉnh ra sao phải cân nhắc kỹ.

Nếu không sẽ gây ra những vòng xoáy tăng giá mới. Chẳng hạn như nếu Nhà nước điều chỉnh giá điện trong năm 2009 thì các hộ sử dụng than lớn (xi măng, giấy, phân bón) sẽ tiếp tục bị tác động mạnh và kéo theo tác động kép đến giá bán sản phẩm đầu ra của các hộ có sử dụng than. Khi đó sẽ kéo theo nhiều mặt hàng khác tăng giá rất mạnh.

MỚI - NÓNG