Nỗi lo ngày khai giảng

Nỗi lo ngày khai giảng
TP - Một mùa khai giảng mới lại đến. Những âu lo lại trĩu nặng đôi vai hàng chục triệu phụ huynh học sinh, chủ yếu là những gia đình công nhân, nông dân, những người làm công ăn lương.

Từ bộ SGK cho tới chiếc cặp sách, từ bộ đồng phục cho đến tiền lớp, tiền trường, tiền học thêm và đủ thứ chi phí không tên khác… Tất cả lại chất chồng lên ngân quỹ eo hẹp của mỗi gia đình. 

May thay, người Việt vốn hiếu học , khát vọng được học hành tới nơi tới chốn luôn thường trực trong mỗi dòng họ, mỗi gia đình. 

Vậy nên ít thấy ai phàn nàn chuyện con cái ăn học tốn kém, thậm chí vay mượn hay bán cả ruộng vườn cho con đi học vẫn tự hào. Chưa có con số thống kê chính thức xem người Việt chi tiêu bao nhiêu phần trăm ngân quỹ gia đình cho việc học hành của con cái, song chắc chắn chiếm một tỷ lệ không hề nhỏ và vượt xa nhiều khoản chi tiêu khác.

Còn tỷ lệ chi ngân sách nhà nước cho giáo dục tại Việt Nam cũng cao hàng đầu thế giới, đạt mức 20% tổng chi ngân sách hằng năm. Chưa kể hàng tỷ đô la mỗi năm của các gia đình người Việt khá giả chuyển ra nước ngoài cho con du học. Do vậy tổng chi phí, đầu tư của toàn xã hội cho giáo dục chắc chắn là một con số không hề nhỏ.

Có cầu thì ắt có cung, đó là quy luật. Song thật đáng tiếc, chất lượng của giáo dục nước nhà lại chưa đáp ứng được yêu cầu và đòi hỏi ngày càng cao của xã hội. Học sinh phổ thông thì quay cuồng với vấn nạn dạy thêm học thêm. 

Bậc đại học với hàng trăm trường nhan nhản khắp cả nước, nhưng cử nhân - thạc sĩ ra trường thất nghiệp ngày một nhiều, chủ yếu do chất lượng thấp. Như thế, không chỉ dừng lại vấn đề cung không đủ cầu, mà một nguồn lực khổng lồ đầu tư cho giáo dục của toàn xã hội sẽ bị lãng phí. 

Thêm một mùa khai trường lại tới, lại thêm một năm tần tảo chắt chiu của hàng chục triệu gia đình cho sự học hành của con em mình. Xin đừng để nguồn lực vô giá này bị phung phí thêm nữa, bởi đó chính là cội nguồn thúc đẩy sự phát triển của dân tộc, sự hưng thịnh của đất nước.

MỚI - NÓNG