Nỗi kinh hoàng từ rượu, bia

Cảnh sát giao thông kiểm tra nồng độ cồn của một lái xe Ảnh: Hồng Vĩnh
Cảnh sát giao thông kiểm tra nồng độ cồn của một lái xe Ảnh: Hồng Vĩnh
TP - Thống kê cho thấy tiêu thụ rượu bia ở Việt Nam trong nhóm tăng nhanh nhất thế giới. Trong 7 năm (2010-2017), tốc độ tăng tiêu thụ rượu tại Việt Nam tăng tới 90%.

Theo các chuyên gia y tế, rượu bia là nguyên nhân của gần 200 loại bệnh tật khác nhau và được xếp vào hàng thứ 3 trong số các nguyên nhân dẫn đến tử vong sớm và tàn tật trên thế giới.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, ở mức nguy hại, rượu bia có thể gây tổn thương cấp tính hoặc lâu dài về thể chất như tổn thương gan, xơ gan, bệnh tim mạch, tai biến mạch máu não hay tâm thần hoặc các hậu quả xã hội như tai nạn thương tích, bạo lực.

Thạc sĩ Trần Quốc Bảo, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho hay: “Rượu bia là chất gây ung thư đối với người, uống ở mức độ nào cũng có thể gây ung thư và uống càng nhiều thì nguy cơ ung thư càng tăng. Sự phát triển của ung thư thường xuất hiện sau khi bắt đầu uống từ 2 năm trở đi, thậm chí ngay cả sau khi đã cai rượu”. 

TS. Kidong Park, Trưởng Đại diện của Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam lại lo lắng về mô hình sử dụng rượu bia ở Việt Nam. Điều tra nguy cơ mắc bệnh lây nhiễm năm 2015 cho thấy, 44% người uống rượu bia ở Việt Nam uống quá độ, đây là hình thức uống rượu nguy hiểm. Việc sử dụng rượu bia ở Việt Nam dẫn đến 79.000 ca tử vong năm 2016, hàng trăm nghìn người khác phải nhập viện điều trị liên quan đến rượu bia.

Theo TS. Kidong Park, tại Việt Nam vẫn tồn tại sự nhầm lẫn khi cho rằng, người uống bia ít nguy hại hơn người uống rượu nhẹ và rượu mạnh. Theo ông Park, các tác hại của rượu bia không phụ thuộc vào loại hình đồ uống mà phụ thuộc vào tổng khối lượng ethanol và hình thức uống. Theo đó, 330ml bia hơi với độ cồn 4%, nghĩa là có 10 gram cồn. Số lượng cồn này cũng tương tự uống 1 ly rượu vang 13,5 độ, tương tự khi ta uống 1 chén rượu mạnh (30ml). Như vậy, không có ngoại lệ nào quy định về tiếp thụ rượu bia trên các loại hình đồ uống.

Việt Nam được xếp vào nhóm “cường quốc” sử dụng rượu, bia. Hậu quả nhãn tiền là góp phần gây nên tình trạng tai nạn giao thông (TNGT) nghiêm trọng. Nghiên cứu trên 100 người tử vong do TNGT có liên quan đến rượu, bia được thực hiện tại 2 bệnh viện lớn ở Hà Nội cho thấy, 82% bệnh nhân TNGT có nồng độ cồn trong máu vượt ngưỡng cho phép. Hơn một nửa nạn nhân trong độ tuổi 15-29, hầu hết là nam giới.

Việt Nam gia tăng uống rượu bia, thế giới giảm dần

Bà Trần Thị Trang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) nhận định, việc ban hành Luật Phòng chống tác hại rượu bia sẽ góp phần thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam trong đó có các mục tiêu phát triển bền vững, phù hợp với các hiệp định thương mại quốc tế. Theo bà Trang, các nước tham gia Tổ chức Thương mại Thế giới, Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương đều coi rượu bia không phải hàng hoá thông thường, đều có quy định về giảm tiêu thụ, giảm tính sẵn có, dễ tiếp cận của rượu bia mạnh hơn Việt Nam.

Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế phân tích:  “Kinh nghiệm các nước cho thấy các quy định nghiêm khắc chỉ có tác động từng bước giảm dần tốc độ gia tăng, duy trì sản lượng rượu bia (do tính gây nghiện, dân số tăng, người uống mới) nhưng đem lại các lợi ích vượt trội cho sức khỏe người dân, giảm hậu quả, chi phí xã hội, phát triển đất nước bền vững. Tổ chức Y tế Thế giới đã tính toán, chi 1 đô la cho kiểm soát rượu bia đem lại cho quốc gia 9,3 đô la”.

Tại Việt Nam, sản lượng rượu bia và đồ uống có cồn khác được sản xuất đang gia tăng nhanh qua các năm trong khi thế giới đang giảm dần. Năm 2015, Việt Nam sản xuất 3,4 tỷ lít bia, 70 triệu lít rượu công nghiệp và khoảng 250 triệu lít rượu thủ công. Theo đại diện Bộ Y tế, kinh nghiệm tại Thái Lan, sau khi có các luật kiểm soát rượu, bia đã góp phần giảm 50% số vụ TNGT, tiết kiệm được hơn 6 tỷ đô la chi phí khắc phục hậu quả.

Luật cần đủ mạnh

Dù hậu quả sử dụng rượu bia ai cũng thấy và tình trạng uống rượu bia ở mức nguy hại đang ngày càng tăng (tăng gấp đôi sau 5 năm 2010-2015) khi có tới trên 44% nam giới uống rượu bia ở mức nguy hại. Song theo thời gian, Luật Phòng chống tác hại rượu bia ngày càng yếu đi. Cụ thể, trong suốt nhiều năm xây dựng, Bộ Y tế với vai trò là cơ quan soạn thảo, luôn đưa quy định cấm bán rượu bia theo giờ vào dự thảo Luật. Tuy nhiên, khi trình Quốc hội vào cuối năm ngoái, quy định giờ bán đã bị gỡ bỏ. Kèm theo đó, nhiều quy định hạn chế quảng cáo bia rượu cũng dần bị gỡ bỏ.

Trong phiên bản hoàn thiện nhất trình Quốc hội ngày 20/5, các quy định về quảng cáo, khuyến mại, tài trợ rượu bia tiếp tục bị giảm nhẹ. Cụ thể: Không có quy định cấm đối với bia trên 15 độ; Giờ quảng cáo bị thu hẹp lại trong khung từ 19-20h, trước đây từ 18-20h; Vẫn cho phép hiện tên, hình ảnh, thông tin về sản phẩm rượu bia trên các vật phẩm tài trợ; Không cấm kinh quanh rượu, bia trên internet...

Trong khi đó, theo các chuyên gia, rượu bia không phải là hàng hóa bình thường mà là hàng hóa có nguy cơ gây nghiện và cần hạn chế tiêu dùng thì ngày nay xu hướng kinh doanh 4.0 trên internet ngày phát triển hơn khiến rượu bia dễ tiếp cận hơn bao giờ hết. 

Theo bà Trần Thị Trang, khi xây dựng dự án luật này Bộ Y tế luôn mong muốn giữ được các quy định mạnh nhất có thể. Tuy nhiên sau nhiều lần cho ý kiến tại các cơ quan của Quốc hội (mới nhất là ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 33), có nhiều nội dung phải tiếp thu, chỉnh sửa theo kết luận của phiên họp. Vì thế, “Bộ Y tế cũng đã có báo cáo Chính phủ các nội dung liên quan đến quảng cáo, khuyến mại rượu bia, xin được giữ nguyên như dự thảo trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp trước” - bà Trang cho biết thêm.

Rượu bia là tác nhân nguy cơ gây mắc ít nhất 7 loại ung thư ở người gồm: ung thư khoang miệng, vòm họng, thanh quản, thực quản, đại trực tràng, gan và ung thư vú ở phụ nữ. Việc gia tăng tiêu thụ rượu bia tại Việt Nam là nguyên nhân quan trọng góp phần làm tăng tỷ lệ mắc bệnh và tử vong do ung thư nói riêng và các bệnh không lây nhiễm nói chung.

MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.