Nói không với xếp hạng trong lớp: Vì sao khó áp dụng ở Việt Nam?

TPO - Mới đây, quốc gia Singapore đã có những thay đổi tích cực trong cách tiếp cận giáo dục là nói không với “xếp hạng” trong lớp. Thạc sĩ Nguyễn Sóng Hiền - nghiên cứu sinh tiến sĩ Trường ĐH Newcastle (Australia) cho rằng, trong bối cảnh Việt Nam khó áp dụng vì kiểu 'đồng phục' trong giáo dục.

Singapore từ lâu đã được biết đến là một quốc gia có hệ thống giáo dục phát triển, luôn ủng hộ việc học tập và những giờ học kéo dài nhằm thúc đẩy học sinh có những thành tích cao trong kiểm tra, thi cử. Tuy nhiên mới đây, đảo quốc này đã có những thay đổi tích cực trong cách tiếp cận giáo dục.  Cụ thể, bắt đầu từ năm 2019, các kỳ thi cho học sinh tiểu học lớp 1 và 2 sẽ bị bãi bỏ.

Đối với những học sinh tiểu học và trung học ở các lớp lớn hơn cũng sẽ được học trong môi trường ít cạnh tranh. Điểm số cho mỗi môn học sẽ được làm tròn đến số nguyên gần nhất (không có dấu thập phân) để giảm bớt sự nhấn mạnh về thành tích học tập.

Động thái tích cực, tiến bộ

Thạc sĩ Nguyễn Sóng Hiền - nghiên cứu sinh tiến sĩ Trường ĐH Newcastle (Australia) cho rằng , Singapore được đánh giá là một trong những quốc gia có thành tích cao trong các kỳ thi quốc tế. Mặc dù vậy, quốc gia này cũng đối mặt với nhiều hệ quả từ nền giáo dục nặng về thành tích và điểm số. Cũng như Việt Nam và Trung quốc, giáo dục Singapore cũng chịu nhiều ảnh hưởng từ văn hoá nho giáo đó là coi trọng thi cử và thành tích vì vậy gây ra nhiều áp lực nặng nề cho cả học sinh và phụ huynh. 

Cũng theo ông Hiền, theo thống kê gần đây tỷ lệ học sinh tiểu học ở Singapore tự tử có xu thế tăng cao do áp lực từ điểm số và xếp hạng và trước thực trạng này buộc chính phủ Singapore phải có những cải cách để giảm thiểu áp lực cho học sinh trong đó có chủ trương xoá bỏ xếp hạng trong giáo dục. 

“Đây là động thái tích cực và phù hợp với các nền giáo dục tiến bộ”- Ông Hiền khẳng định.

Liên hệ với giáo dục Việt Nam, ông Hiền cho rằng, trong chương trình giáo dục phổ thông theo hướng tiếp cận năng lực mà Bộ GD & ĐT được có chủ trương triển khai trong những năm tới đây cũng nhằm mục tiêu hướng tới thay đổi “ căn bản và toàn diện” nền giáo dục Việt Nam phục vụ cho công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước cũng như bắt kịp các nền giáo dục của các quốc gia phát triển khác. 

Khó áp dụng nếu còn tạo nhiều áp lực cho học sinh

Cũng theo ông Nguyễn Sóng Hiền, thực tế cũng như các quốc gia ảnh hưởng văn hoá nho giáo khác thì chúng ta còn bị ảnh hưởng nặng nề về khoa cử và thành tích trong giáo dục. Việc cha mẹ còn tạo nhiều áp lực đối với con em mình trong việc học hành và lựa chọn nghề nghiệp. Nhiều phụ huynh dù biết con em mình không có năng lực học văn hoá nhưng cũng cố chạy chọt, ép buộc cho con em mình để vào trường chuyên lớp chọn để sau này vào đại học và làm “ông nọ bà kia”.

“Trong bối cảnh Việt Nam, bất cập hiện nay là do tính đồng phục trong giáo dục kể cả mô hình trường học, chương trình, nội dung giảng dạy vì vậy quá trình triển khai chắc chắn sẽ có nhiều trở ngại”- ông Hiền khẳng định .

Theo TS Sóng Hiền, kiểu giáo dục “đồng phục” tức là dùng một mô hình giáo dục cho tất cả. Ở các quốc gia phát triển mô hình giáo dục sẽ được thiết kế dựa trên những đặc điểm vùng miền, nền tảng văn hoá, yếu tố kinh tế, vị trí địa lý của mỗi địa phương để xây dựng các chương trình giáo dục cũng như các phương pháp giảng dạy cho phù hợp với học sinh của địa phương đó. 

Bất cập của chúng ta là trẻ em miền núi cũng phải học một chương trình như trẻ em thành phố trong khi đó ở những nơi này cơ sở vật chất thiếu thốn, kinh tế khó khăn nền tảng văn hoá có nhiều khác biệt vì vậy khả năng tiếp thu và nhận thức của các em sẽ gặp nhiều trở ngại hơn những em miền xuôi.

“Với mô hình giáo dục rập khuôn hiện nay rất khó tạo ra sự tự chủ và chủ động của các cơ sở giáo dục dẫn tới hạn chế quá trình cải cách và đổi mới giáo dục cho phù hợp với đặc điểm của mỗi địa phương. Chúng ta vẫn còn duy trì cơ chế quản lý quan liêu và bao cấp trong giáo dục do đó gây cản trở cho quá trình đổi mới giáo dục một cách triệt để”- ông Hiền nhấn mạnh.

MỚI - NÓNG
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
TPO - Ở bậc THPT, Hà Nội hiện có hơn 100 trường tư thục. Trong đó, Quận Nam Từ Liêm có số lượng nhiều nhất với 12 trường. Mức học phí các trường từ 1,8 triệu đồng/ tháng đến gần 600 triệu đồng/ tháng. Tuy nhiên, năm học 2024-2025, chỉ có 9 trường được Sở GD&ĐT Hà Nội giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10. 
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
TPO - Đất nền vùng ven Hà Nội tăng giá, chuyên gia cảnh báo 'sốt ảo'; Chủ đầu tư dự án bất động sản nợ thuế, loạt lãnh đạo bị tạm hoãn xuất cảnh; Lãnh đạo 'xộ khám', loạt dự án bất động sản thay tên đổi chủ; Chiếm đất, hủy hoại đất bị phạt đến 1 tỷ đồng... là những thông tin hot về BĐS đáng chú ý tuần qua.