Nơi hòa chung dòng máu các dân tộc

Đồng bào các dân tộc huyện Cư Mgar tham gia Chủ Nhật đỏ.
Đồng bào các dân tộc huyện Cư Mgar tham gia Chủ Nhật đỏ.
TP - Nhiều năm qua, lượng máu hiến trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk không chỉ đáp ứng được nhu cầu chữa bệnh cứu người tại địa phương, mà còn chuyển cho Viện Huyết học và Truyền máu trung ương điều tiết giúp các địa phương thiếu máu. Việc hiến máu cứu người trên Tây Nguyên càng lan tỏa, khi chương trình Chủ Nhật Đỏ vận động đồng bào từ các huyện xã, buôn làng cùng hưởng ứng, để “dòng máu các dân tộc hòa chung”.

Hiến máu để lấy phúc cho gia đình

Là một trong những đơn vị đi đầu trong phong trào hiến máu tình nguyện (HMTN) mạnh mẽ của tỉnh Đắk Lắk 1,9 triệu dân, huyện Ea Kar đã tuyên truyền sâu rộng ý nghĩa của việc làm nhân ái này đến tận thôn xã.

Lần đầu Ea Kar đăng cai làm điểm chính Chủ Nhật Đỏ đầu năm 2016, vượt chặng đường xa nhất đến nơi hiến máu là những nhóm đồng bào Ê Đê của buôn Trưng xã Cư Bông, đồng bào các dân tộc Xê Đăng, Tày, Nùng của các xã Cư Jang, Cư Ea Lang cách huyện đến 30-40 km.

Nơi hòa chung dòng máu các dân tộc ảnh 1 Chủ Nhật đỏ ở trường Cao đẳng Nghề - nay là trường Cao đẳng Công nghệ Tây Nguyên.

Năm nay Ea Kar cũng là 1 trong 5 điểm tham gia tổ chức Chủ Nhật Đỏ trên Tây Nguyên. Ngày 24/1/2018 chương trình mới diễn ra tại Nhà văn hóa trung tâm huyện, nhưng giữa tháng giêng chị Nguyễn Thị Hoa, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện đã báo tin số người đăng ký HMTN vượt xa chỉ tiêu 800 đơn vị máu, và nhiều cơ quan, thôn xã vẫn đang hăng hái ghi danh tiếp, chắc sẽ tới hơn 2 nghìn tình nguyện viên.

 Thầy giáo Y D’hok Du giáo viên trung học cơ sở dạy môn Sinh Hóa  nhà ở  buôn  Moa, xã Cư Huê cho biết đến ngày 24 sắp tới, ông sẽ hiến máu lần thứ 13. Tham gia Chủ Nhật Đỏ cùng ông còn có vợ là bà Nguyễn Thị Hương Mlô cũng đã 5-6 lần hiến máu, và cậu con trai Y Nhị Thần Du mang 2 dòng máu Kinh - Ê Đê đang là công an xã. Không chỉ vận động vợ con, ông còn tuyên truyền cho nhiều người biết việc hiến máu không ảnh hưởng gì tới sức khỏe. “Bây giờ mình khỏe, mình cho người ta máu, khi mình đau ốm cần máu, người ta lại hiến cho mình”- người thầy gương mẫu giải thích rất dễ hiểu cho các học trò nhỏ sau này noi theo. 

Ở Ea Kar, không chỉ có cánh trẻ hăng hái tham gia hiến máu! Bác sĩ Trần Thị Kim Hồng phó giám đốc Trung tâm Huyết học - Truyền máu tỉnh Đắk Lắk kể nhiều lần đoàn tổ chức HMTN ở Ea Kar, nhiều phụ nữ 55-57 tuổi vẫn năn nỉ “Chị em đã lỡ tới đây rồi, bác sĩ thông cảm “khuyến mãi” cho hiến tiếp đi. Chúng tôi còn khỏe thế này cơ mà”!

Trong danh sách các cá nhân huyện đề nghị Ban tổ chức Chủ Nhật Đỏ 2018 khen thưởng, có bà Bùi Thị Phượng 77 tuổi, Chi hội trưởng Hội chữ thập đỏ thôn 12, xã Ea Kmút, huyện Ea Kar, đã vận động đại gia đình đi hiến máu rất nhiều lần. Bà Phượng kể cả nhà bà chuyên trồng cà phê và lúa nước. Bà tham gia công tác Hội, vận động cả nhà HMTN “để lấy phúc cho gia đình và con cháu”. Chủ Nhật Đỏ sắp tới bà đăng ký 1 đoàn đi hiến máu, gồm  con trai, con gái, con rể và 2 cháu ngoại.

 Hiến máu thành ngày hội văn hóa các dân tộc

Các đại biểu từ tỉnh và trung ương về dự lễ khởi động Chủ Nhật Đỏ đầu năm 2017 ở huyện Cư Mgar, đều trầm trồ khen ngợi cách lãnh đạo huyện tổ chức chương trình HMTN lớn này chẳng khác nào ngày hội văn hóa các dân tộc.

Hàng nghìn đồng bào M’Nông, Ê Đê, Ja Rai, Xê Đăng, Thái, Mường v...v...từ các buôn làng đã đến trong trang phục thổ cẩm, hoa văn sắc màu truyền thống để cổ động, trình diễn văn nghệ, và cùng hiến máu với các thầy cô giáo, công an, cán bộ nhân dân trên địa bàn huyện. 

Ea Súp- huyện biên giới đường sá xa xôi, heo hút nhất tỉnh, cũng là nơi có phong trào HMTN mạnh mẽ. Anh Lê Hồng Hạnh - Bí thư Huyện Đoàn Ea Súp kể: nông dân bản địa và đồng bào các xã cách trung tâm huyện từ 20-45km như Ea Rvê, Ia Lốp, Ia Lơi, Ia Rôk, Ia T’mốt, Cư K’bang muốn HMTN đều phải chạy xe máy ra thị trấn từ ngày hôm trước, hiến xong chạy về tới nhà thì đã mất tới 1 ngày rưỡi. Vậy mà lần nào vận động hiến máu, huyện cũng vượt chỉ tiêu.

Anh Y Triệu Triết người dân tộc Ê Đê - Phó chủ tịch Hội nông dân thị trấn Ea Súp rủ vợ là chị H’Jun Nay người dân tộc Jơ Rai, giáo viên mầm non đi hiến được mấy lần. Theo Y Triệu, nhờ HMTN mình được khám sức khỏe xem có bệnh gì không, nhân tiện làm nhân đạo cứu người, truyền sức khỏe cho người khác, thấy cuộc sống thêm ý nghĩa. 

Có tên trong danh sách đề nghị được Ban Tổ chức Chủ Nhật Đỏ khen thưởng vào ngày 18/1 sắp tới, cô H’Nhin K’buôr cán bộ trường Cao đẳng Công nghệ Tây Nguyên- điểm đầu tiên trong 5 điểm tham gia hưởng ứng Chủ Nhật Đỏ ở Đắk Lắk năm 2018, vốn là “sơn nữ” buôn M’găm, xã Krông Jin, huyện M’Đrắk, Á khôi trường Đại học Tây Nguyên năm 2002. H’Nhin K’buôr tiết lộ: cô là chị ruột của người đẹp H’Nep K’buôr, top 10 Hoa hậu Việt Nam năm 2000. Hai chị em cưới được 2 anh chồng là dược sĩ, bác sĩ nên càng hiểu việc HMTN cao quý như thế nào.

Thị xã Buôn Hồ cũng là đơn vị có những cá nhân xuất sắc về thành tích HMTN. Ông Lưu Quảng Đình 58 tuổi, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ thị xã Buôn Hồ hào hứng kể: “Thị xã tôi có cô Hạnh đại úy Cảnh sát giao thông, hơn ba chục tuổi rồi chưa chịu lấy chồng vì quá tích cực công tác, hiến máu liên tục đã hơn chục năm, vừa được tuyên dương toàn quốc thêm lần nữa! Chúng tôi vận động mọi người HMTN bằng cách ví von: Hiến máu khác gì thay nhớt xe? Có thay, thì máy mới sạch, mới chạy êm ro được chứ!”.   

 Quý vô cùng, những giọt máu hiến

 Theo số liệu thống kê từ Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, ở Việt Nam, trong 10.000 người mới có 4-7 người mang nhóm máu Rh-, nên người Việt nào mang nhóm máu Rh- đều thuộc cộng đồng máu hiếm.

Những người nhóm máu hiếm Rh- có khả năng gặp rủi ro cao hơn những người nhóm máu khác, vì khó tìm nguồn máu tương thích khi cần được truyền máu. Nhưng người có nhóm máu hiếm Rh- nếu sẵn lòng HMTN khi cấp thiết, thì đúng là vị cứu tinh đặc biệt của người được nhận.

Anh Lê Minh Ngọc 31 tuổi, cán bộ Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường thuộc Sở TNMT Đắk Lắk, với nhóm máu hiếm Rh- đã hàng chục lần vui lòng vào vai “cứu tinh” khi nghe các bác sĩ điện thoại mời đi gấp. Hỏi bao nhiêu lần HMTN thì anh không nhớ, chỉ nhớ hai lần cho máu gần đây của anh đã góp phần cứu sống hai sản phụ, một chị sinh mổ, một chị phải phẫu thuật bỏ thai. 

Bác sĩ Trần Thị Kim Hồng phó giám đốc Trung tâm Huyết học-Truyền máu tỉnh Đắk Lắk chia sẻ: Đã 38 năm công tác liên tục trong ngành, chị hiểu rõ sự quý giá của từng giọt máu hiến. Thời phong trào HMTN chưa được lan tỏa sâu rộng, hiệu quả như bây giờ, cái cảnh y bác sĩ hốt hoảng trước mạng sống mong manh của các bệnh nhân, nạn nhân vì thiếu máu xảy ra như cơm bữa. Sợ nhất là biết nguồn máu mua từ những người bán máu chuyên nghiệp chất lượng rất kém, mà vẫn phải dùng, vì không còn lựa chọn nào khác.

Bây giờ, trung bình mỗi tháng riêng bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk sử dụng từ 1.600-1.800 đơn vị máu, nguồn máu hiến vẫn đáp ứng được. Để tránh nguy cơ thừa máu trong từng thời điểm dẫn đến máu hết hạn sử dụng, Trung tâm HH-TM tỉnh phải phối hợp với BCĐ các địa phương chia đều lịch HMTN ra nhiều ngày trong năm. Thỉnh thoảng xảy ra đợt truyền máu điều trị cấp tập ngoài dự kiến, Trung tâm có thể gọi người nhà hoặc các “ngân hàng máu sống”, là những câu lạc bộ thiện nguyện của những người giàu lòng nhân ái, sẵn sàng quên ăn, bỏ ngủ bất cứ lúc nào để lao đi cứu người. Mừng sao, nhiều năm rồi Đắk Lắk không còn hiện tượng mua bán máu với những đối tượng có nguy cơ cao về bệnh truyền nhiễm, mà lượng máu hiến trong sạch từ Đắk Lắk còn dồi dào để chuyển cho Viện HH-TM trung ương điều phối cho các tỉnh thành khác trên cả nước.

Ông Nguyễn Đức Phú - Chánh văn phòng Ban chỉ đạo vận động HMTN tỉnh Đắk Lắk cho biết: phong trào HMTN đã phủ kín 184 xã phường toàn tỉnh. Với chiến dịch “Lễ hội xuân hồng” mở màn bằng sự kiện Chủ Nhật Đỏ - đợt hiến máu lớn nhất đầu năm, và “Những giọt máu hồng hè” với Hành Trình Đỏ - đợt hiến máu lớn tương đương giữa năm, Đắk Lắk sẽ vượt xa chỉ tiêu 17.000 đơn vị máu năm 2018 mà Ban chỉ đạo vận động HMTN quốc gia đã giao.

MỚI - NÓNG