Nơi giúp nông dân hội nhập WTO

Nơi giúp nông dân hội nhập WTO
TP - Nói như Giám đốc Trung tâm dạy nghề và hỗ trợ việc làm cho nông dân Lều Vũ Điều, các trung tâm dạy nghề và hỗ trợ việc làm chính là nơi giúp nông dân hội nhập WTO.
Nơi giúp nông dân hội nhập WTO ảnh 1
Giờ học may tại TTDNND Phú Thọ

Ba năm trước, đón việc Việt Nam gia nhập WTO, Chính phủ đã ban hành Nghị định 81 về công tác xã hội hóa dạy nghề cho nông dân. Từ đó, hệ thống Trung tâm dạy nghề và hỗ trợ việc làm cho nông dân trên toàn quốc ra đời.

Học nghề để hội nhập

Nụ cười rạng rỡ còn ẩn giấu một chút… mắc cỡ, cô gái người Mường  Đinh Thị Bích mà tôi gặp ở dạy nghề và hỗ trợ việc làm cho nông dân tỉnh Phú Thọ thật thà nói: “Nếu không đi học lớp may công nghiệp này thì em đã… lấy chồng rồi cũng nên”.

Quê Bích ở xã Mỹ Thuận (Thanh Sơn, Phú Thọ) nhà có 5 người mà chỉ có 4 sào đất lúa, năm làm 2 vụ thu chỉ được 1 tấn lúa là cùng. Lúc nông nhàn đi hái chè thuê được 15.000 đồng tiền công mỗi ngày. Hết chè thì đi kiếm củi trong rừng xa 3 - 4 cây số mà chỉ được 5.000 đồng một gánh cho một ngày lao động cật lực.

Quê nghèo, ít đất, con gái 17 tuổi như Bích học xong lớp 9 khối đứa đã có chồng, thậm chí đã làm mẹ. Không chấp nhận “thời con gái qua mau”, thấy các chị lớn trong làng đi học may có việc làm ngay tại Trung tâm của tỉnh với thu nhập ổn định (từ 600.000 - 1.000.000đ/người/tháng tuỳ tay nghề cao thấp) Bích năn nỉ gia đình xin đi học.

Hiện Bích đang học những ngày cuối của lớp học may công nghiệp 3 tháng. Lớp Bích có 38 học viên thì 100% là thanh niên 17, 18 tuổi, trong đó đã có 10 bạn sáng dạ nên đã kết thúc khoá học sớm và có việc làm  ngay tại các Cty may Sông Hồng, Việt Nhật…

Chị Nguyễn Thị Kim Oanh - Phó Giám đốc Trung tâm dạy nghề và hỗ trợ việc làm cho nông dân Phú Thọ - cho biết: Từ đầu năm 2006 đến nay Trung tâm đã đào tạo nghề cho gần 1.000 học viên là thanh niên nông thôn.

Việc thí điểm dạy nghề cho lao động nông thôn theo Nghị định 81 từ năm 2003 đến nay được hệ thống các Trung tâm dạy nghề và hỗ trợ việc làm cho nông dân trên toàn quốc đào tạo nghề cơ bản cho hàng vạn lao động ở nông thôn: Năm 2005 là 40.000 người, năm 2006 dự kiến sẽ là 60.000 người. Đây là nơi giúp hàng vạn thanh niên nông thôn bước vào cuộc chơi mới: WTO.

70 - 80% học viên hoàn thành khóa học đều có việc làm ngay, thu nhập ổn định bằng chính nghề đã học (bao gồm: May công nghiệp, tin học văn phòng, bảo vệ thực vật, kỹ thuật làm vườn hoa cây cảnh, chăn nuôi thú y, cơ khí gò hàn, nghiệp vụ kế toán, sửa chữa vận hành máy nông nghiệp…).

Vì có việc, có thu nhập ổn định nên ngoài chỉ tiêu được giao miễn phí từ nguồn vốn của trung ương và tỉnh cấp (cho các đối tượng làm con em gia đình thương binh, liệt sĩ, dân tộc ít người, con em các gia đình bị thu hồi đất hoặc bị thu hẹp diện tích đất sản xuất) có rất nhiều em tự nguyện đóng tiền để xin học Trung tâm.

Theo PGS. TS Dương Đức Lân - Phó tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề - việc mở ra hệ thống Trung tâm dạy nghề và hỗ trợ việc làm cho nông dân chính là giúp nông dân nâng cao năng lực, tự tin từ bỏ lối sống sản xuất nhỏ lẻ, manh mún và quyết tâm đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, bước vào sản xuất hàng hoá chất lượng cao, giá thành hạ. Đó chính là cách để giúp nông dân bước vào sân chơi WTO.

Thiết thực

Tại lớp học chuyên đề chăn nuôi thú y tổ chức tại xã Thanh Thủy (Thanh Hà, Hải Dương) dành cho hầu hết học viên là nông dân bị thu hồi đất sản xuất để làm khu công nghiệp, chị Hoàng Thị Luynh ở xóm Xuân Áng cho biết: “Trước kia lợn con mới sinh mà ra phân trắng, coi như là bó tay. Nay giáo viên bảo, chỉ cần cho lợn con uống nước vôi trong là trị khỏi bệnh. Tôi làm theo cứu được cả bầy heo con khỏi lưỡi hái tử thần…”.

Anh Bùi Minh Tuấn ở xóm Khánh Mậu, bị dính ma tuý khá nặng, vừa cai xong đang có nguy cơ tái nghiện, xin đi học cho đỡ buồn. Trong khi học chỉ vì cố công thử nghiệm trên mô hình trạng thái nhà mình những điều đã học xem trên thực tế giáo viên dạy đúng hay là mình làm đúng vậy mà say đến mức quên được cả ma tuý, khiến ai cũng nghi ngờ khó tin đó là sự thật.

Anh hùng Lao động Lều Vũ Điều khẳng định: “Người nông dân ít có điều kiện học tập trung dài hạn, không có thời gian nghe thuyết giảng dông dài. Họ cần cái cụ thể, cần hướng dẫn thực hành trên mô hình cụ thể để ứng dụng ngay vào thực tế hơn là lý thuyết suông. Và phương pháp đào tạo nghề của hệ thống Trung tâm dạy nghề và hỗ trợ việc làm cho nông dân hiện nay chính là đáp ứng được những yêu cầu bức thiết trước mắt cũng như lâu dài của nông dân”. 

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.