Nơi giảng đường cũng bị mất đồ

Nơi giảng đường cũng bị mất đồ
TP - Sinh viên mang đồ đến lớp học rồi để ở hộp bàn nhưng lại bỏ quên lúc tan học. Khi quay lại thì đồ đã biến mất. Thực trạng này đang xảy ra ở một số trường ĐH, CĐ ở Hà Nội, trong đó có Học viện Báo chí và Tuyên truyền.

Học viện báo chí và tuyên truyền sau mỗi buổi học hàng ngày đều có một đội công nhân vệ sinh, đều là nữ, được thuê theo hợp đồng để quét dọn lớp học và sân trường.

Số đông nhân viên vệ sinh tốt bụng nhặt được đồ để quên của sinh viên đã thông báo cho các lớp đến nhận. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều nhân viên vệ sinh chưa trung thực khi nhặt được của rơi mà không trả lại cho chủ nhân.

11 giờ 30, tiếng chuông báo hiệu kết thúc buổi học reo vang, từng nhóm sinh viên rời khỏi lớp học nhanh chóng. Đấy cũng là lúc nhân viên vệ sinh tất bật tỏa đi các phòng để dọn vệ sinh sau giờ học.

Như vậy, họ nằm trong những người đầu tiên thấy đồ sinh viên để quên trong ngăn bàn. Suy luận này không phải là không có cơ sở khi phóng viên chúng tôi mục sở thị tại hiện trường. Nán lại sau giờ học, chúng tôi lân la đi lại một số phòng trên tầng 3 nhà A1, thấy thấp thoáng màu áo xanh của một cô nhân viên vệ sinh trong phòng 302.

Cô đang cúi khom người dò qua từng bàn không phải để quét giấy hay vỏ hạt hướng dương mà như đang tìm kiếm một vật gì đó. Chợt nhận ra sự có mặt của tôi, cô nhân viên nhanh tay vơ mấy cái vỏ bim bim vương vãi trên bàn sinh viên. Đây dường như là công việc đầu tiên khi các cô bước vào lớp thu dọn vệ sinh sau giờ tan học.

Không chỉ được chứng kiến tận mắt, tôi còn được chính các bạn sinh viên kể lại nhiều câu chuyện về để quên và mất đồ, về hành trình điều tra tìm ra đồ mất của mình như thế nào.

Trường hợp của Bùi Lan (Báo in K24 A1) là một cô sinh viên vốn tính tình cẩn thận nhưng không hiểu sao hôm đó cô lại để quên hộp kính có chiếc nhẫn vàng bên trong. Dò hỏi được cô nhân viên dọn phòng lớp mình hôm đó, cô được trả ngay lại hộp kính nhưng chỉ là hộp và chiếc kính còn chiếc nhẫn vàng bố tặng nhân dịp vào đại học thì không còn nữa.

Trường hợp Mi, cô bạn cùng lớp với Lan, còn nghiêm trọng hơn. Là con nhà khá giả nên trong ví của Mi lúc nào cũng đầy ứ tiền. Cô cũng là nạn nhân của bệnh đãng trí. Chiếc ví Mi để quên trong ngăn bàn lớp học gồm 2 triệu đồng tiền mặt với một bộ trang sức bằng vàng gồm dây chuyền, nhẫn, hoa tai, lắc tay. Đến ngay cả chiếc ví Lan cũng không tìm lại được.

Một sinh viên lớp chính trị học cũng bị mất đồ, tuy đồ vật đó chỉ là một chiếc áo mới hiệu Hoàng Tấn bạn vừa nhận bưu phẩm trên văn thư trường nhưng lại để quên trong ngăn bàn lúc tan học. Chiếc áo tuy nhỏ nhưng cuộc hành trình để tìm ra chiếc áo chẳng khác nào trong truyện trinh thám.

Về đến nhà, vừa để cặp sách xuống bàn học chợt nhớ để quên áo ở giảng đường. Hì hục chạy đến lớp tìm lại nhưng chiếc áo đã biến mất. Ngay lập tức biết người mình nên tìm hỏi lúc này là ai, cậu chạy đến người quét dọn khu nhà tầng này.

Tầng 1, 2, 3 đã quét dọn sạch sẽ. Chạy lên tầng 4 quả có một phụ nữ đang cặm cụi quét phòng. Khi được hỏi thì nhân viên này lên giọng: cô đáng tuổi cha mẹ cháu chẳng nhẽ cô lại đi lấy chiếc áo của cháu, cô mà thấy thì cô phải đưa cho cháu chứ…!

Thấy nghi ngờ trong thái độ của người quét dọn, cậu liền chạy đi sục tìm tất cả các túi rác, thùng rác từ tầng 1 đến tầng 4 mà nhân viên vệ sinh đã gom lại lúc nãy. Cuối cùng chỉ còn một túi rác to màu đen trước cửa phòng 401 nơi cô nhân viên vệ sinh đang quét là chưa tiện kiểm tra được. Đây cũng là chiếc túi khả nghi nhất.

Nhân lúc người phụ nữ này không để ý, cậu liền nhanh tay sục tìm trong túi. Mở nút buộc chắc chắn ra thấy tiếp một chiếc túi đen nhỏ hơn bên trong. Mở tiếp chiếc túi thì đúng là có chiếc áo bị mất đang nằm bên trong. Trước chứng cứ rành rành như vậy người phụ nữ dọn vệ sinh đã không nói được lời nào.

Bên cạnh ví tiền, máy ảnh, máy nghe nhạc, điện thoại di động là những đồ vật bị mất nhiều nhất. Hy vọng tìm thấy những đồ vật có giá trị cao này cũng rất mong manh.

Đồ của sinh viên báo chí bên cạnh ví tiền, đồ trang sức bằng vàng còn có những đồ nghề giá trị khác như máy ảnh, máy ghi âm, MP3, MP4, điện thoại di động. Đã gọi là đồ nghề nên với sinh viên báo chí nó là những vật bất li thân. Đây cũng là những đồ vật sinh viên báo chí dễ bị quên và đã mất khá nhiều.

MỚI - NÓNG