Nỗi dằn vặt và sự trớ trêu

Nỗi dằn vặt và sự trớ trêu
TP - Ký ức chiến tranh luôn hằn sâu trong tâm khảm của người lính. Thời gian có thể làm vết thương thành sẹo, nhưng với họ ám ảnh cuộc chiến thảng hoặc quặn thắt, nhói đau…

> Xuân Long - Rồng về với biển
> Tố Nga - Vầng trăng không viên mãn
> 'Một lứa' ngang trời...

Một đời dằn vặt

Cứ ngỡ rằng cụ Hoàng Diệu là người Hà Nội, sống chết cho Hà Nội. Hóa ra cụ là người Xuân Đài, Điện Bàn, Quảng Nam. Hoàng Dũng, bạn học cấp 3 với tôi… chính là hậu duệ Tổng đốc Hoàng Diệu. Ông nội anh là cháu đích tôn Tổng đốc, mang tước Ấm.

Học cấp 3 và đại học đều vào loại xuất sắc, là một trong 18/80 người được giữ lại học thêm năm thứ 4. Ông Nguyễn Đình Tứ (sau này là GS, Bộ trưởng Đại học và Trung học Chuyên nghiệp) vừa từ Đúp Na (Liên Xô) về hướng dẫn Dũng làm khóa luận tốt nghiệp, đặc biệt chú ý đến chàng sinh viên xuất sắc này.

Anh lên đường đi B, làm cán bộ khung cho trường đại học tương lai với bí danh Hoàng Lan. Do diễn biến tình hình nên được điều sang quân đội làm trợ lí văn hóa trung đoàn, như ngày trước ngoài Bắc dạy bình dân học vụ hay bổ túc văn hóa thôi. Hoàng Lan vẫn nhớ tên một chị y tá tiểu đoàn, người Mỹ Tho, thấy cán bộ miền Bắc vào, người thì kỹ sư, người thì bác sĩ, thầy giáo… cái anh này nghe nói học tổng hợp, chẳng biết gọi là gì, nên động viên, Lan ráng công tác tốt, sắp tới có khóa hộ lí mở, tôi nói mấy ảnh cử đi học.

Hành trang Lan mang đi B là cuốn từ điển Anh - Việt (loại bỏ túi) và truyện Kiều. Còn anh bạn thân Phạm Xuân Phương thì mang theo cuốn Hình học xạ ảnh của thầy Nguyễn Cảnh Toàn. Trong một lần đi công tác, phải ngủ lại giữa rừng, hai anh chỉ dùng một cặp cây mồi, thế là hai võng chồng lên nhau, hai cái đầu chỉ cách hơn gang tay. Làm thế, nói chuyện với nhau dễ hơn.

Hạt mưa rừng bao giờ cũng to hơn, nặng hơn hạt mưa đồng bằng. Nghe mưa rơi lộp bộp trên mái tăng sao mà buồn, mà nhớ… Nhớ người thân, nhớ miền Bắc, nhớ quê hương. Nhớ đến khóc lên được… Lần mắc võng ngủ giữa rừng mưa ấy không hiểu sao, Phương bỗng bảo: mầy hát tao nghe Lòng mẹ đi.

Tôi biết Lan hát không hay, cũng không hay hát, nhưng điều ấy có quan trọng gi đâu. Các anh rất thân nhau, lại đi xa, rất xa, xa cả không gian lẫn thời gian và chắc đã có lần Phương nghe Lan hát nên bây giờ mới bảo bạn thế. Tiếng hát của Lan chìm giữa tiếng mưa rừng trong đêm mịt mùng: Lòng ta sao quên bóng người/ Mẹ thương yêu tình thương sáng ngời…

Phương mồ côi cha (liệt sĩ), mẹ đi bước nữa, ở với ông bà nội nên rất khao khát được mẹ ôm ấp, vỗ về. Hát hết bài, không thấy Phương nói gì, không biết anh ngủ thiếp đi trong lời hát để mơ về người mẹ tuổi thơ, hay anh đang khóc vì nhớ mẹ? Lan tôn trọng tâm trạng bạn nên lặng im, và cũng thiếp đi lúc nào không biết.

Rồi một lần đi công tác về, Lan bật khóc khi biết Phương vừa mất trước đó hai ngày, mới chôn cất trước đó một ngày. Không có hương, chỉ còn biết bẻ một cành lá rừng, thay hoa cắm lên mộ bạn. Anh bị ung thư dạ dày giai đoạn cuối, nhưng thầy thuốc cứ nghĩ là đau dạ dày. Phương mất ngày 27/2/1973, đúng một tháng sau ngày Hiệp định Paris được ký kết.

Hai người vốn là cặp bài trùng, ăn ý, đồng điệu trong cả suy nghĩ và hành động. Cùng quê lưỡng Quảng (Lan Quảng Nam, Phương Quảng Ngãi), Lan lý, Phương toán, Lan tổng hợp, Phương sư phạm. Bây giờ, kể với tôi, Lan lại bật khóc. Các con Lan đều mang tên lót bạn: Phương Lan, Phương Tuệ, Phương Khang. Ngày giỗ Phương, Lan cùng các bạn vẫn làm cơm cúng anh. Đấy là nỗi đau bạn thân mất.

Sài Gòn giải phóng, Lan tham gia tiếp quản ngành giáo dục. Khi công việc hòm hòm, anh tham gia khóa học cao học đầu tiên của ĐHSP Hà Nội. Xong cao học lại xin thi nghiên cứu sinh khóa đầu tiên của ĐHSP thành phố.

Mấy năm loay hoay với đề tài Lý thuyết trường thống nhất, không xong. Lan bỏ giở đề tài, xin chuyển ngành về… hãng phim Nguyễn Đình Chiểu. Hãng thì chấp nhận nhưng cấp trên của hãng lại không nhận vì như thế là lãng phí một trí thức. Rút cuộc lại bẽ bàng trở về trường cũ (như chính anh kể).

Trong sâu thẳm cõi lòng, anh vẫn không bằng lòng với mình, vì không giữ được lời hứa với Phạm Xuân Phương, hễ đứa nào còn sống về được thì phải học thay cho phần đứa nằm lại trong rừng. Bây giờ, ông không ra ông, thằng chẳng ra thằng, giở thầy giở thợ, chẳng là một cái “nhà” nào cả. Thế đấy.

Oái oăm cuộc đời

Hai năm cuối cấp 3 Nguyễn Trãi (Hà Nội) lớp 9A, 10A chúng tôi có hai chàng trai miền Nam rất được yêu mến, nhất là các bạn nữ, thì… cả hai đều là liệt sĩ. Ca Lê Hiến và lớp trưởng Nguyễn Bang. Anh cũng đang nằm ở nghĩa trang liệt sĩ Thành phố cùng với Hiến.

Nguyễn Bang trên cầu thang trường cấp 3 Nguyễn Trãi (1960)
Nguyễn Bang trên cầu thang trường cấp 3 Nguyễn Trãi (1960).

Tốt nghiệp cấp 3, Bang được cử đi Liên Xô học tiếng Ả Rập ở MGU, chưa tốt nghiệp đã phải về vì chủ nghĩa xét lại. Về nước, anh xung phong đi B ngay. Được điều về Thông tấn xã Giải phóng, cũng đóng ở R nên thỉnh thoảng có sang chỗ Hoàng Lan chơi, hoặc Lan sang chơi với Bang. Là phóng viên thông tấn, Bang phải đi nhiều, vì chủ yếu là đưa tin, mà tin thì cần nhanh chóng, sốt dẻo...

Thời gian địch mở trận càn mang tên “Đông Dương”. Không giới hạn ở biên giới mà chính thức càn sang cả Campuchia. Bang hy sinh trong chính trận càn này. Rất tiếc không một ai trong số bạn bè miền Nam biết cụ thể anh đã hy sinh trong hoàn cảnh nào.

Như trời đất phù hộ, tôi nhận được thư của Tố Nga từ Paris. Chị kể, Bang đi B sau nên đến R muộn hơn chị mấy tuần, vì đã dự một lớp báo chí ngắn hạn ở Hà Nội nên anh được làm phóng viên. Còn Nga chỉ được làm bộ phận tư liệu. Cùng một cơ quan, lại là bạn học phổ thông nên sau Kiều Xuân Long, Bang là người bạn thân nhất của Nga.

Lều trong cứ của hai người ở cạnh nhau. Một lần đi công tác về, đã khuya lắm, Bang vẫn gọi Nga dậy, nổi lửa lên, nấu nước sôi đi, ta có cái này rất hay phần mi đây. Lần đầu tiên trong đời Nga được nghe thấy cụm từ mì ăn liền. Bang ngồi nhìn bạn mồ hôi vã ra sau khi ăn. Thương quá… Đấy là lần họ ngồi với nhau lâu nhất, tâm tình với nhau nhiều chuyện nhất để sau này khi Bang đi rồi, mỗi lần nhớ về Bang, Nga lại nhớ đêm ấy, nhớ đến quay quắt, nhớ đến se thắt ruột gan.

Trong trận càn Đông Dương ác liệt, có kẻ chiêu hồi chỉ điểm, địch khui hầm, bắn chết anh vào ngày 3/7/1970.

… Tố Nga đã cùng hai người chị gái Bang theo chỉ dẫn của một nhà ngoại cảm về Long An. Nghĩa trang liệt sĩ ấy có rất nhiều ngôi mộ ghi: tên Anh không ai biết. Đến một ngôi mộ như thế, Nga bỗng dừng lại. Dường như chị linh cảm thấy đúng là Bang rồi. Chị thắp hương, thầm gọi bạn. Bát hương bỗng cháy bùng lên như linh ứng. Những gì tìm thấy trong tiểu sành cho thấy đúng là anh rồi.

Trưa 22/10/2012, Lê Mạnh Đức (Hiệu đoàn trưởng C3 Nguyễn Trãi, bạn cùng lớp) và Hoàng Lan đến viếng mộ Nguyễn Bang. Trước khi thắp hương cho Bang, hai anh gọi điện làm tôi xúc động quá. Anh hãy coi những dòng cuối cùng của bài viết này là lời khấn nguyện tôi dâng lên linh hồn anh, Bang nhé.

Lan còn một nỗi ân hận với một người bạn mà đến nay, anh vẫn không tha thứ cho mình. Đầu mùa khô 1966, giặc mở trận càn Johnson City. Lan và một chiến sĩ tên là Thành đến quân bưu nhận thư từ, công văn cho phòng chính trị trung đoàn, thấy có một thư của Thành.

Không biết bực tức với nhau cái gì, đâu như về chuyện củi lửa nấu nướng gì đó nên Lan không đưa ngay cho bạn để về nhà mới đưa. Trên đường về cứ, khi bước thấp bước cao qua con suối cạn, thình lình một loạt đạn pháo giặc chụp xuống, một mảnh găm trúng thái dương làm Thành chết ngay trên tay Lan.

Lan khóc nấc lên vì thương bạn và nhất là vì ân hận. Biết đâu ngồi lại đọc thư hay sướng quá đi như chạy về nhà sẽ không đến đúng chỗ ấy, vào đúng giờ ấy, ăn mảnh pháo ấy.

Nhà văn Nguyễn Bắc Sơn

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.