Nồi cháo tình thương trong cơn hồng thủy

Nồi cháo tình thương trong cơn hồng thủy
TP - Trong cơn đại hồng thủy ở Hà Nội, nồi cháo tình thương của một người phụ nữ trẻ đã vượt qua nhiều đoạn đường ngập nước để đến với bệnh nhân nghèo. Đó chỉ là một phần trong những việc làm từ thiện của  người phụ nữ có tấm lòng hiếm có này...
Nồi cháo tình thương trong cơn hồng thủy ảnh 1

Chị Thảo và các em sinh viên tình nguyện đang phát cháo cho bệnh nhân nghèo ở Viện Bỏng

“Đường đi khó” của nồi cháo tình thương

Sáng Chủ nhật (2/11), trời vẫn mưa như trút. Cơn đại hồng thủy đã nhấn chìm nhiều vùng của Thủ đô trong biển nước. Tôi đến chùa Thanh Nhàn để “tháp tùng” nồi cháo từ thiện của chị Hồ Phương Thảo đến cho bệnh nhân ở Bệnh viện Bỏng Quốc gia (thành phố  Hà Đông).

Cả năm nay, sáng Chủ nhật nào chị Thảo cũng bỏ tiền túi  nấu một nồi cháo to, thơm ngon, chở đến phát miễn phí cho bệnh nhân nghèo ở Viện Bỏng. Sáng Chủ nhật này chắc chị phải nghỉ. Mưa to.

Đường ngập, chợ vắng chìm trong biển nước. Lấy gì mà nấu cháo? Làm sao chở cháo đi?  Nhưng chị nghĩ: “Mưa lũ thế này bệnh nhân càng cần  cháo nóng hơn bao giờ hết”. Thế là chị đội mưa gió đi mua nguyên liệu cho nồi cháo với giá cắt cổ.

Khi tôi đến, nồi cháo đã bốc hơi nghi ngút. Chị Thảo cùng Cường và  Hải ở Câu lạc bộ tình nguyện Ngọn nến xanh, Đại học Văn hóa đang  cho rau vào nồi cháo khuấy đều. Một lúc sau, nồi cháo được đưa khiêng ra xe ba bánh của bác Dũng – một thương binh chuyên đảm nhiệm việc chở cháo đến Bệnh viện Bỏng  Quốc gia mỗi sáng Chủ nhật. Ngay cả hôm nay cũng thế, dù ở nhiều đoạn  bác qua thiên hạ đang đi lại bằng thuyền.

Nhưng làm thế nào chở cháo lên Viện Bỏng khi mà nhiều tuyến đường lên đó đã bị ngập. Một cầu điện thoại được thiết lập. Hải – trưởng nhóm “Ngọn nến xanh” được cử đi tiền trạm ở Hà Đông.

Một lúc sau “đầu cầu” Hà Đông  gọi điện về: “Từ Đê La Thành lên Hà Đông, đường Nguyễn Lương Bằng ngập nặng, đường Láng Hạ, Thái Hà thì nhiều người dân đang đánh bắt cá. Chỉ còn cách đi đường Đê La Thành, ra Nguyễn Chí Thanh, qua đường Láng rồi đến đường Nguyễn Trãi. Đến ngã ba thành phố Hà Đông sẽ phải chuyển nồi cháo lên xe bò hoặc thuyền để đưa đến Viện Bỏng”.

Đường Đê La Thành chật ních người. Xe khói và tiếng ồn. Mưa.  12 giờ trưa, xe chở cháo tới ngã ba Hà Đông. Con đường nhựa rộng thênh thang giờ biến thành dòng sông cuộn nước.

Nồi cháo được đưa lên xe cải tiến. Nước ngập gần hết xe. Xe tải đi ngang, sóng đánh cho nghiêng ngả. Mưa to như trút.  Nồi cháo có những lúc nghiêng như sắp đổ xuống đường. Mấy chị em ướt hết nhưng nồi cháo vẫn khô, lạnh run người nhưng nồi cháo vẫn nóng sực. 

Viện Bỏng chìm trong nước.  Nồi cháo được đưa lên tầng 4. Đã 1 giờ trưa. Nhưng cơn đói khiến nhiều bệnh nhân không thể ngủ.  

Cháo được phát. Xung quanh nồi cháo chẳng mấy chốc đã đông bệnh nhân. Chị Thảo chia cháo mỏi rã cả tay. Hơn hai trăm bát cháo chẳng mấy chốc đã hết veo. Trong cái lạnh tê tái vì dầm mưa, tôi bỗng thấy ấm lòng khi nhìn những em bé băng bó trắng xóa đầy mình đang ăn cháo một cách ngon lành. Chưa lúc nào tôi nghiệm thấy câu “một miếng khi đói bằng một gói khi no” lại đúng như vậy.

Chẳng biết đã có bao nhiêu Chủ nhật chị Thảo lặng lẽ đem nồi cháo tình thương đến đây phát miễn phí cho các bệnh nhân. Chị bỏ tiền túi ra, mỗi nồi cũng ngót nghét nửa triệu đồng, rồi thuê xe mỗi chuyến 120 nghìn đồng. Cứ thế đều đặn, đủ đầy, lặng lẽ và luôn đúng hẹn. Chẳng mấy ai ở Viện Bỏng biết tên chị. Nhiều người cứ tưởng chị đi làm công ăn lương cho một tổ chức từ thiện nào đó.

Những việc làm như cổ tích

Nồi cháo tình thương trong cơn hồng thủy ảnh 2
Chị Thảo và các em sinh viên tình nguyện trường Đại học Văn hóa lội  nước đưa cháo đến bệnh nhân ở Viện Bỏng Quốc gia

Sau khi tốt nghiệp Đại học Xây dựng,  chị làm cho một công ty của Bộ Thương mại. Nhờ kinh tế gia đình cũng có phần dư dả, chị dành toàn bộ tiền lương hơn 5 triệu đồng/tháng để giúp đỡ người nghèo. Hình như cảm thấy  thế vẫn còn chưa đủ, chị đã xin nghỉ hẳn ở công ty để  chuyên tâm  làm việc thiện.

Một lần đi cứu trợ đồng bào lũ lụt ở huyện Quỳ Châu, Nghệ An, vượt qua những con dốc cheo leo, giữa cái lạnh tê tái mùa đông,  đến trường Tiểu học Châu Hạnh II, chị bắt gặp cảnh các em học sinh gầy gò nhỏ bé so với tuổi, quần áo mỏng manh, chân không tất, đi dép cũ quá cỡ. Nhiều đôi hai chiếc không giống nhau.

Cô hiệu trưởng bảo: “ Có dép mang thế này là gia đình đã cố gắng lắm rồi. Nhiều em còn phải đi chân đất”. Hành trang đến lớp của các em, ngoài sách vở còn có nắm cơm nguội bọc trong lá khoai nước. Thức ăn chỉ có muối vừng, miếng măng rừng.

Ở trường Châu Hạnh II này, có học sinh sau giờ ra chơi buổi chiều tự dưng ngất xỉu vì đói. Cô giáo nấu cho gói mì tôm, ăn xong em tỉnh táo lại ngay. Trong giờ học, cô giáo hỏi: “Ước mơ của con là gì?”, một em học sinh trả lời: “Mơ ước của con là được ăn thịt lợn”…

Tự dưng nước mắt chị Thảo cứ trào ra. Chị nghĩ mãi, nghĩ mãi. Chỉ mong làm được một điều gì đó để đường đến trường của các em nhỏ ngắn lại và rộng mở hơn.  Về Hà Nội, chị kêu gọi sự đóng góp của bạn bè và tự mình bỏ tiền túi ra  gửi vào trường Châu Hạnh II mỗi tháng 5 triệu đồng để tài trợ bữa ăn trưa cho 86 em học sinh tiểu học. Các cô giáo sẽ mua gạo và thức ăn để nấu cho các em.

Bữa cơm trưa của những em học sinh đã có thịt lợn, canh rau nóng. Chẳng còn chuyện các em ngất vì đói. Cô hiệu trưởng  Sầm Thị Viên tâm sự: “ Từ khi có được bữa ăn trưa này, hiện tượng học sinh bỏ học gần như chấm dứt. Nhờ sĩ số lớp được duy trì nên giáo viên cũng ít có phụ đạo ngoài giờ, chất lượng vì thế mà được nâng lên”.

Chị Thảo lại vận động sư thầy Thích Đàm Nguyên trụ trì chùa Thanh Nhàn (Hà Nội) cùng một số bạn bè góp tiền mua năm chiếc xe đạp mới, vào dự lễ tổng kết năm học vào tháng 5/2008 của trường Tiểu học Châu Hạnh II để tặng cho các học sinh nghèo vượt khó.

Chị Đinh Thị Hồng Lam, thành viên của trang web nguoitoicuumang.com, một lần lên xã Nậm Ban, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu để giúp đỡ một đôi vợ chồng dân tộc nghèo khổ. Lên tới Nậm Ban, chị Lam chứng kiến cảnh đói rét của các em học sinh dân tộc ở trường nội trú. Tình cảnh cũng chẳng khác gì các em học sinh ở  trường Châu Hạnh II.

Về Hà Nội, chị Lam kêu gọi các thành viên của “Người tôi cưu mang” giúp đỡ các em học sinh trường Nậm Ban. Chị Thảo biết tin đã “rủ rê” chị Lam hỗ trợ bữa ăn trưa cho các em học sinh vùng cao. Họ quyên góp được đủ cho mỗi em một bộ chăn màn, quần áo ấm. Ngoài ra còn hơn 3 tấn gạo cùng với đồ thực phẩm sẽ được chở lên Sìn Hồ.

Năm 2007, trận lũ to ở Huế. Nhiều người dân bị nước cô lập. Đói rét.  Chị Thảo ở Hà Nội đã gọi điện vào Huế đăng ký trước sẽ ủng hộ 1.000 thùng mì tôm.  Như thế cũng “liều” bởi thời điểm đó, trong tay chị chưa có một thùng mì tôm nào. Nhưng người phụ nữ này nghĩ nhất định mình sẽ làm được. Chỉ trong một đêm chị đi vận động bạn bè, các nhà hảo tâm và sáng hôm sau đã đủ 1.000 thùng mì tôm để ủng hộ đồng bào Huế đang trong cơn hoạn nạn.

Viện Bỏng. Hai giờ chiều. Mưa vẫn rơi như trút. Chị Thảo lặng đi trước giường bệnh của bé Trần Văn Tiến, 3 tuổi, bị bỏng nặng. Bố Tiến đã mất, cú sốc đã khiến mẹ Tiến lâm bệnh tâm thần, mấy lần suýt đâm đầu qua cửa sổ Viện Bỏng nhảy lầu tự tử. Nhà nghèo lại càng thêm bi đát.  Bà ngoại Tiến ngồi bên cháu, tiếng khóc đã khản đặc…

Ở phòng bên cạnh, em Vi Văn Cường ở huyện miền núi Con Cuông,  Nghệ An đang quặn mình vì những cơn đau rát. Bác sĩ cho biết, Cường bị bỏng rất nặng, nếu không ăn uống đầy đủ, nguy cơ tử vong rất cao. Ăn uống đủ chất với Cường giờ đây cũng khó vì nhà quá nghèo.

Chúng tôi đội mưa ra về. Lòng trĩu nặng.

Ngày hôm sau. Con đường trước Viện Bỏng vẫn ngập chìm trong nước. Nhưng nồi cháo tình thương của chị Thảo vẫn đội mưa gió lên với các bệnh nhân đang trong cơn bĩ cực. Chị đã phá lệ, bình thường, mỗi tuần chỉ nấu một nồi cháo. Nhưng trong cảnh mưa lũ này, ngày nào chị cũng nấu cháo đưa vào viện.

Ông Lê Năm - Giám đốc Viện Bỏng  Quốc gia Việt Nam bảo tôi: “Chị Thảo vừa giúp đỡ cháu Tiến 1 triệu đồng. Và ngày nào chị cũng đưa thức ăn do tự tay mình nấu cho cháu Cường và cháu Tiến. Nhờ đó, hai cháu qua được cơn nguy kịch”.

Hà Nội lại có gió mùa đông bắc. Trời trở lạnh. Lại mưa. Nhưng chiều nay, chiếc xe chở nồi cháo tình thương của người phụ nữ giàu lòng trắc ẩn nọ vẫn vượt qua con đường ngập nước để lên tầng bốn Viện Bỏng Quốc gia...

MỚI - NÓNG