Nội các Sài Gòn những ngày đầu giải phóng

Nội các Sài Gòn những ngày đầu giải phóng
Là một trong những sỹ quan được giao nhiệm vụ tiếp quản và canh giữ Dinh Độc Lập trong những ngày đầu giải phóng, Thượng tá Hoàng Cao Đại, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh quận 4, TP Hồ Chí Minh vẫn còn nhớ như in nhữngngày đó... 
Nội các Sài Gòn những ngày đầu giải phóng ảnh 1

Tướng Dương Văn Minh và Vũ Văn Mẫu khi từ Dinh Độc Lập ra Đài tuyên bố đầu hàng trưa 30/4/1975

Những ngày đó, đơn vị ông luôn là mũi tác chiến mạnh của Quân đoàn. Suốt từ đầu xuân 1975, Đại đội 7 thuộc Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 141, Sư 7, Quân đoàn 4 được trang bị mới 4 xe tăng T54, đã hành quân suốt tuyến từ chiến thắng Định Quán, Đồng Xoài, Bảo Lộc, Phước Long… rồi hành quân về giải phóng Trảng Bom, sau đó được lệnh tiến về Sài Gòn, ngay cùng lúc 4 mũi quân giải phóng cùng tiến công vào giải phóng Sài Gòn và toàn miền Nam.

Những bước hành quân sáng 30/4

Lúc đó, người sỹ quan trẻ Hoàng Cao Đại mới 24 tuổi, là Chính trị viên của một đại đội anh hùng của Quân đoàn. Đại đội 7, Tiểu đoàn 2 thuộc Quân đoàn 4 là đơn vị luôn lãnh sứ mạng "thọc sâu, cắm cờ trên trụ sở của các sở chỉ huy địch".

Ngay sáng 30/4/1975, Phó Tư lệnh Quân đoàn 4, Thiếu tướng Bùi Cát Vũ ra lệnh cho Đại đội 7 gồm 4 xe tăng, 75 sỹ quan, chiến sỹ được lệnh hành quân từ khu Hố Nai vừa giải phóng, nhằm thẳng về hướng Sài Gòn.

 Lúc 6h sáng, khi từ ngã ba Tam Hiệp - Biên Hòa (ngay Khu Công nghiệp Biên Hòa I ngày nay), đoàn xe tăng gặp một chiếc xe Jeep của ngụy quyền Sài Gòn nổ mìn dữ dội để ngăn chặn bước tiến quân của đoàn xe tăng ta, song các anh bình tĩnh, vẫn lái nhanh vươn lên.

Xe Chính trị viên Hoàng Cao Đại mở đường, xe Đại đội trưởng Phạm Văn Thiệu khóa đuôi rồi vượt lên tiêu diệt ngay chiếc xe Jeep đang cho nổ mìn, nhằm thẳng hướng Nam vượt qua khỏi cầu Cát Lái (quận 2 bây giờ).

Tại chân cầu Cát Lái, bọn địch chống cự quyết liệt, bộ đội ta phải chiến đấu, đổ máu và nhiều chiến sỹ ta đã dũng cảm hy sinh.

Vượt qua điểm chốt ở cầu Cát Lái, các anh nhằm thẳng hướng cổng chính Dinh Độc Lập - Sài Gòn. Đúng 10h30', đoàn xe hành quân qua được cầu Sài Gòn, nhưng người ta hôi của đông, bọn tàn quân ngụy vừa rã ở Cảng Tân Cảng sát chân cầu đông đầy nghẹt, nên đúng 12h15' đoàn xe mới vào tới Dinh Độc Lập.

Trong đoàn xe tăng đó của Đại đội có Tham mưu trưởng Trung đoàn 141, Trung đoàn phó Trần Xuân Ban và nhiều sỹ quan từng trải chiến trường, song về địa hình nội đô lại chưa từng ai biết và quen thuộc các đường phố vào Sài Gòn.

May mà nhờ những đồng chí tù chính trị của ta vừa mới thoát ra. Các anh đã leo lên xe tăng Đại đội, nhằm chỉ cho xe tăng chạy thẳng qua cầu Điện Biên Phủ, qua đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, rồi chạy thẳng về hướng Dinh Độc Lập.

2 xe tăng 384 và 390 của Quân đoàn 2 vừa húc đổ cánh cổng chính Dinh đang đậu trong sân Dinh.

Lúc này, cả nội các Chính phủ và Tướng Dương Văn Minh đã lên xe của quân giải phóng sang Đài Phát thanh Sài Gòn tuyên bố đầu hàng vô điều kiện.

 Sân Dinh tràn nắng trải rộng, nhân dân xung quanh vui mừng chào đón, bộ đội đứng chào, bà con reo hò vui mừng, không còn một tiếng súng nổ nào xung quanh Dinh lúc trưa 30/4.

Sài Gòn nhìn từ trong Dinh trở ra trưa hôm đó đã khá yên tĩnh, không còn cảnh súng đạn, đổ máu mà chỉ thấy những nụ cười tươi như hoa của các cô gái Sài Gòn khi đến xem bộ đội ta, bắt tay vui vẻ, chào đón các anh bộ đội vào giải phóng xong thành phố.

Chuyện Tướng Minh và các quan chức nội các Sài Gòn

Đoàn xe của bộ đội ta đưa nội các Sài Gòn trở lại Dinh Độc Lập là khoảng gần 1h chiều 30/4, bằng cổng sau Dinh, đường Huyền Trân Công Chúa bây giờ. Nguyên Tổng thống, Đại tướng Dương Văn Minh là người được học hành khá chu tất ở nhiều nước, có thời kỳ là Giáo sư đi dạy học ở miền Tây rồi lên Sài Gòn nên trông ông cũng rất điềm tĩnh, tin tưởng vào chính sách khoan hồng của Cách mạng trong những giờ phút Sài Gòn thất thủ, sau khi ông vừa thay mặt chính quyền Sài Gòn ra tuyên bố đầu hàng, rồi ở lại những ngày đầu trong Dinh Độc Lập.

Thượng tá Hoàng Cao Đại kể: Sau mốc lịch sử 11h30' ngày 30/4/1975, chỉ chưa đầy 1 giờ là đơn vị ông với 4 chiếc xe tăng cùng cả Đại đội 7 - Tiểu đoàn 2 về tiếp quản Dinh Độc Lập.

Chiều tối hôm đó, Trung tá Nguyễn Ngọc Doanh, Chính ủy Trung đoàn 141 (về sau là Thiếu tướng, Phó Tư lệnh Quân đoàn 4) gọi ông Hoàng Cao Đại đến giao nhiệm vụ làm sỹ quan liên lạc giữa lãnh đạo Quân đoàn với nội các của chế độ Sài Gòn cũ.

Thượng tá Đại kể: Ngày đầu tiên của TP Sài Gòn đã giải phóng, trong khuôn viên Dinh Độc Lập, ngoài Đại tướng Dương Văn Minh còn có Thủ tướng chính quyền Sài Gòn Vũ Văn Mẫu, Phó Thủ tướng Nguyễn Văn Hảo, quyền Tư lệnh quân lực Sài Gòn Nguyễn Hữu Hạnh và cả nhân vật tình báo đặc biệt của ngành Tình báo quân đội ta, lúc đó đang là Cố vấn đặc biệt cho Tổng thống chính quyền Sài Gòn. Đó  là Thiếu tướng Quân đội nhân dân Việt Nam Vũ Ngọc Nhạ - mà các anh Đại đội 7 vào tiếp quản Dinh vẫn chưa thể biết, theo nguyên tắc của ngành Tình báo. Họ cùng với tất cả gia đình họ và đội quân phục vụ trong Dinh Độc Lập với khoảng 35 người.

 Cùng với đơn vị kiểm tra hết tất cả các phòng ốc trong Dinh, các điểm gác, điểm chốt an toàn, tối đó chúng tôi ngủ ngay trong Dinh.

Căn phòng tôi nằm ngủ đêm 30/4 đó là phòng của Nguyễn Văn Thiệu đang bỏ trống, vì Tướng Minh lớn khi nhậm chức Tổng thống ngày 28/4/1975, mới cách đó 2 ngày, nên ông  ở lại trong căn phòng bên cạnh. Vòì đang lo công việc, lại đảm bảo an toàn cho cả nội các Sài Gòn và gia đình họ đang trú trong Dinh nên đêm đầu tiên của ngày vừa giải phóng Sài Gòn, anh em cả Đại đội không ai có thể yên tâm mà ngủ ngon.

Sáng 2/5/1975, các ông Minh lớn, Mẫu, Hảo… đều tự tay mình viết thư gửi cho Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Anh em đơn vị nhận thư và chuyển ngay cho bộ phận liên lạc, tuyệt đối không được bóc lá thư nào và không ai hỏi họ viết những gì. Tướng Minh lớn thì viết và đưa thẳng cho sỹ quan liên lạc bộ đội ta Hoàng Cao Đại ngay từ sáng sớm 2/5.

Sinh hoạt của Dinh những ngày đầu đó cũng bình thường, gia đình họ được ta tiếp tế thức ăn, quần áo, các vật dụng khác đầy đủ nên họ rất yên tâm và luôn cảm ơn bộ đội giải phóng.

Còn bộ đội ta tiếp quản trong Dinh dù trong kho dự trữ của Dinh có đủ các loại thực phẩm ướp lạnh, đồ hộp cao cấp, song anh em vẫn quen với nếp nhà binh, mang gạo vào nấu ăn với cá khô, rau muống hoặc thịt hộp mang theo xe.

Có một con voi con trong Dinh nuôi trước ngày giải phóng, anh em bộ đội ta cũng tìm đúng thức ăn cho con voi con ăn.

Tướng Minh hỏi họ nhiều điều thắc mắc và nhờ họ nói rõ cho ông biết là tại sao Sài Gòn, với nhiều quân, binh chủng, phương tiện hiện đại mà lại thất thủ nhanh đến thế.

Một lần nói chuyện, Tướng Minh hỏi: "Tại sao các ông có thể đánh chúng tôi nhanh như vậy?". Ông Đại nói rõ cho Tướng Minh: "Ông là một vị tướng, là nhà nghiên cứu quân sự, chắc cũng biết trong lịch sử của nước ta, thiên tài Nguyễn Huệ đã có cách tiến quân thần tốc, chỉ 5 ngày đêm đã từ Huế ra Bắc đánh tan 2 vạn quân của nhà Thanh do tướng Tôn Sỹ Nghị cầm đầu, chúng tôi chỉ học được từ cha anh thôi!".

Ông Minh nghe, gật đầu tỏ ra hiểu nhưng vẫn thắc mắc: "Nhưng chúng tôi vẫn chưa hiểu vì sao các ông tiến quân hàng ngàn kilômét trong rừng, đủ mọi địa hình mà xe tăng các ông vẫn còn như mới. Tôi cứ ngỡ xe hành quân hàng ngàn cây số, đi qua nhiều chiến trường thì vào phải đại tu ngay chứ!".

Là người cầm quân, ông Minh vẫn còn bất ngờ rất nhiều chuyện về quân giải phóng, khi hỏi chúng tôi vào Sài Gòn mà sao xe nào cũng vẫn nguyên xi, sạch sẽ, sẵn sàng chiến đấu ngay… còn anh em chiến sỹ thì phong thái rất hồn nhiên, tươi trẻ, ý thức chiến đấu cao.

Còn nguyên Thủ tướng Vũ Văn Mẫu khi nói với các anh bộ đội, đã hỏi: "Các anh thấy Sài Gòn có đẹp không?". Ngồi đối diện, Chính trị viên Đại đội Hoàng Cao Đại trả lời ngay: "Sài Gòn đang có nước đục, nhưng rồi tạm lắng, sẽ trong lại ngay".

Những câu hỏi của các thành viên nội các ngụy quyền Sài Gòn hỏi là cốt để thăm dò bộ đội ta, được anh em Đại đội trả lời nhanh chóng, đủ cho họ yên tâm ở trong Dinh trước khi cùng gia đình trở về nhà họ an toàn.

Những ngày đầu tiếp quản Dinh Độc Lập từ ngày 30/4/1975 và mấy ngày sau, khi gia đình các nhân vật trong nội các chính quyền Sài Gòn yên tâm trở về nhà ở của họ. Đại đội đã bố trí xe ôtô bảo vệ chu đáo cho họ, để họ và gia đình về nhà trong sự bình an.

Đầu tiên là Đại đội sắp xếp cho Tướng Minh vẫn về nhà cũ, biệt thự "Hoa Lan" ở góc đường Võ Văn Tần (Pasteur ngày nay) và có dịp ông vẫn sang trò chuyện, cảm ơn anh em trong Đại đội khi đó sang đóng quân ở gần kế nhà ông Minh. Các nhân vật khác trong nội các Sài Gòn, ai cũng yên tâm những ngày đầu Sài Gòn giải phóng không có cảnh phá phách, hôi của diễn ra hay cảnh đập phá các công sở… xung quanh đơn vị đóng quân.

Sài Gòn giải phóng trong bình an, trong nguyên vẹn. Các thành viên nội các Sài Gòn được anh em bộ đội ta đối xử thân tình, đủ cho họ tin tưởng về chính sách hòa hợp dân tộc của ta. Sau những ngày yên tại, họ cùng gia đình về nhà an toàn sau giải phóng.

Theo Phạm Bá Nhiễu

CAND 

MỚI - NÓNG
Ga Hà Nội sẽ thành ga đường sắt đô thị nội đô
Ga Hà Nội sẽ thành ga đường sắt đô thị nội đô
TPO - Sở GTVT Hà Nội vừa báo cáo thành phố việc rà soát và đưa ra định hướng xây dựng các dự án đường sắt đô thị, đường sắt quốc gia trên địa bàn. Theo đó, từ nay đến năm 2035, các tuyến đường sắt quốc gia sẽ di dời ra ga đầu mối Ngọc Hồi, ga Hà Nội sẽ trở thành ga đường sắt nội đô.