Nỗi buồn công nghiệp điện tử Việt Nam

Nỗi buồn công nghiệp điện tử Việt Nam
TPO - Triển lãm Điện tử, Công nghệ thông tin & Truyền thông 2008 (ECIT 2008) vừa diễn ra tại Trung tâm hội chợ triển lãm Việt Nam – VEFAC (Hà Nội). Theo quảng bá, đây là triển lãm chuyên ngành tầm quốc gia. Nhưng...
Nỗi buồn công nghiệp điện tử Việt Nam ảnh 1

Nhiều gian trống trơn hoặc  gần như trống trơn. Ảnh : P.N.B 

Nếu không đọc tên “đơn vị tổ chức” là Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam (VEIA) cùng đơn vị “hỗ trợ thực hiện” là Bộ Công Thương và Bộ Thông tin - Truyền thông thì khách tham quan cứ ngỡ đây là triển lãm chuyên ngành điện tử của một thành phố bé hơn Biên Hoà, Hạ Long, Huế, Thái Nguyên.

Thuê nhà A1 to rộng nhất VEFAC nhưng bỏ trống tầng trên, còn tầng trệt thì quây bớt một phần (có lẽ cho bớt chống chếnh), toàn bộ hiện vật được trưng bày tại đây. Khách vào thưa thớt, ngay cả ngày cuối tuần. Các quầy sản phẩm hầu hết lèo tèo, công nghệ thì tìm mãi không thấy.

Theo một số quan chức ở các bộ Công Thương và Thông tin - Truyền thông, tại đề án tổ chức ECIT 2008, VEIA dự kiến có gần 130 gian trưng bày, giới thiệu sản phẩm, công nghệ, thiết bị của hàng trăm đơn vị; Cục xúc tiến thương mại (XTTM) - Bộ Công Thương được giao tư vấn, hỗ trợ kinh phí.

Chúng tôi vào đây chỉ thấy khoảng 30 gian thực gọi gian hàng. Trong số Cty có gian hàng, chỉ thấy gần chục Cty được nhiều người biết (Hanel, VTB, Giảng Võ, CMS, Đống Đa, VVC, Tiến Đạt). Tự hỏi, cả nước có gần nghìn DN điện tử, trong đó gần 150 là thành viên VEIA mà lẽ nào hầu hết không biết ECIT 2008 để tham gia ít nhiều?

Nỗi buồn công nghiệp điện tử Việt Nam ảnh 2

Vắng khách, nhân viên càng được xem phim nhiều. Ảnh : P.N.B  

Trong số 7 doanh nghiệp kể trên, diện tích thuê nhiều nhất là CMS (khoảng 300 m2); tiếp đến là VVC (90 m2); Hanel, Đống Đa, VTB mỗi “anh” 36 m2; hai “anh” còn lại, mỗi “anh” 18 m2. Một số nhân viên cho biết: Năm nay Cục XTTM chỉ hỗ trợ gần 1 tỉ đồng, bằng nửa năm trước, còn năm trước nữa thì khoảng 3 tỉ. Lý do giảm được giải thích miệng: Năm nay kinh phí hỗ trợ phải dành cho nhiều nơi hơn, trong khi tỉ lệ thu/chi của Nhà nước thấp hơn; vả lại, cần để hiệp hội quen dần việc “tự bơi” chứ Nhà nước bơi hộ lâu quá rồi.

Trực tiếp thực hiện triển lãm lần này là 2 Cty MRD GE và Global Expo. Tìm hỏi 2 “ông” này thì nghe nói làm theo chỉ đạo của VEIA. Tìm Chủ tịch VEIA thì được chỉ tiếp đi tìm ông Tổng TK Trần Quang Hùng, rằng ông Hùng là “tổng chỉ huy” và gần như nhà thầu chính chứ ông Chủ tịch (Bùi Quang Độ) chỉ nắm khái quát. 

Nhiều người khác lại bảo ông Hùng cũng chẳng biết nhiều, phải hỏi ông Phó Hải (Phó chủ tịch VEIA Nguyễn Phước Hải, GĐ Cty CMS)... 

Quầy trưng bày dụng cụ matxa khá rộng. Mỗi khách qua đều được mời tha thiết. Tôi không may được mời gần chục lần, cứ phải lựa lời “khất”, bởi thấy: Ai bùi tai thử chút không mất tiền, nhưng sau đó không đăng ký mua thì mấy em gái xinh đang cười tươi bỗng xịu mặt bĩu môi liền...

Một chủ DN cho biết, theo phổ biến, mỗi DN tham gia ECIT 2008 được hỗ trợ 3,5 triệu đồng; nhưng mình lỡ vào chẳng lẽ bỏ ngang, vì chỉ tốn tiền thuê nhân viên ngồi “buôn dưa lê”, coi phim, thử máy matxa, chơi game... giết thời gian chứ khách đâu mà tiếp. Nhìn sang các gian khác, quả thấy nhân viên phục vụ đông hơn khách. Họ đi ra đi vô, quầy nọ sang quầy kia, tham quan... nhau.

Nỗi buồn công nghiệp điện tử Việt Nam ảnh 3

Nào ai matxa! Ảnh : P.N.B

Họ bảo, nếu theo “xin” của đơn vị tổ chức thì Cục XTTM hỗ trợ khoảng 420 triệu đồng (bằng ½ kinh phí dự chi), 300 triệu đồng thuê mặt bằng, 300 triệu nữa cho truyền thông; nhưng chẳng biết sao PV nhiều nhật báo  bảo không biết có triển lãm này, khách đến thì than “èo uột quá”. Giải thích vì sao nhiều gian (trong đó chủ yếu CMS) gần như trống trơn, một nhân viên nói: “Như thế hoành tráng hơn” (?!).

Có phải do sản phẩm điện tử ở VN chủ yếu nhập khẩu mà tại ECIT 2008 không có doanh nghiệp nước ngoài tham gia và ít khách tham quan? Gần đây, trả lời báo chí, ông Tổng thư ký VEIA cho hay: Ngành công nghiệp điện tử Việt Nam tăng trưởng nhanh nhưng sản phẩm xuất khẩu chủ yếu lại của các doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp nội chưa chiếm lĩnh được thị trường; có lẽ 5 – 10 năm nữa mới tự sản xuất được. 

Theo ông Tổng thư ký, các doanh nghiệp VN gặp khó nhiều quá, đặc biệt là vốn. Không vốn thì không có công nghệ hiện đại, không tuyển được người giỏi. Ngoài nguồn FDI, nguồn vốn chính còn lại ở dân mình, nhưng muốn huy động được thì DN phải có thương hiệu. Cách gì có thương hiệu? Lại chuyện “con gà hay quả trứng có trước?”. 

Theo VEIA, phát triển ngành công nghiệp điện tử VN phải theo kiểu mới, không thể dàn trải mà phải chọn một vài khâu làm mũi nhọn tập trung đẩy lên; nhưng đến nay mới xác định được 2 khâu khả thi là “thiết kế nghiên cứu sản phẩm mới” và “sản xuất phụ tùng linh kiện”.

VEIA cho rằng các DN điện tử còn bị vướng nhiều bởi chính sách đầu tư, thuế, hải quan...; rằng cơ quan quản lý nhà nước chưa phối hợp chặt chẽ với các hiệp hội để có chính sách giúp DN nhiều hơn; rằng Chính phủ cần chú trọng đầu tư phát triển CN điện tử... Nhưng chính sách gì, thực thi thế nào, doanh nghiệp VN sẽ phát huy nội lực ra sao thì VEIA chưa đề xuất được bao nhiêu. Có lẽ đây là cảm nhận chính của khách tham quan ECIT 2008.

Ý kiến của bạn về vấn đề này ?

MỚI - NÓNG