"Nỗi buồn chiến tranh" không phải phim Hollywood!

"Nỗi buồn chiến tranh" không phải phim Hollywood!
TP - Chưa kịp hỏi han gì quanh việc "Nỗi buồn chiến tranh" được người Mỹ dựng phim, Bảo Ninh đã quán triệt: “Gọi phim Hollywood là không đúng đâu. Ê-kip làm phim: đạo diễn, biên kịch, kỹ thuật là người Mỹ nhưng đấy không phải Hollywood".

"Ngay người Mỹ bảo họ Hollywood không phải ai cũng thích. Đại khái phim Hollywood có nghĩa là phim kinh doanh, mình hiểu thế không biết có đúng không...”

"Nỗi buồn chiến tranh" không phải phim Hollywood! ảnh 1
Nhà văn Bảo Ninh. Ảnh: Nguyễn Đình Toán

Đấy là ý kiến của anh hay của đạo diễn?

Mình chưa hỏi đạo diễn nhưng mình biết. Đây là phim của một hãng phim Mỹ kết hợp với hãng phim Việt Nam. Thậm chí có thể nó sẽ dùng tên Hãng phim Truyện.

Kể từ khi đạo diễn Nicholas Simon đề nghị dựng phim đến nay đã qua 10 năm. Vì sao lại lâu vậy, thưa anh?

Trước tiên là do mình. Mình có biết chữ tiếng Anh nào đâu. Mà nói những chuyện về điện ảnh nó phức tạp lắm, phải có người dịch. Thứ hai là họ cũng phải chuẩn bị tiềm năng, cơ sở vật chất. Ba nữa là để cho tiến trình Đổi mới của mình đổi mới tiếp.

Anh có thể miêu tả qua về con người đạo diễn?

Nicholas Simon chừng hơn 40 tuổi. Anh ấy thuộc thế hệ con cái của những người đi biểu tình chống chiến tranh Việt Nam ở Mỹ trong những năm 1967-69. Đối với người Mỹ trí thức nói chung, cuộc chiến tranh Việt Nam có dấu ấn rất đậm.

Trong quan hệ của mình với Mỹ cho đến lúc này ngoài kinh tế thì văn hóa cũng chưa có gì nhiều. Suy nghĩ về Việt Nam của người Mỹ nói chung vẫn gắn với chiến tranh.

Người Việt sang Mỹ ở tuổi lớn lớn, nếu không phải thương nhân, thường họ  cũng xoáy vào chuyện chiến tranh. Đôi khi người Việt bực mình nhưng tôi cho rằng điều đó có gì dở đâu.

Đấy là một ký ức sâu đậm của thế kỷ đó. Dần dần, qua câu chuyện, mình cũng hiểu Simon có tình cảm rất sâu đậm với cuộc chiến tranh Việt Nam và anh ấy muốn tìm hiểu người Việt của ngày hôm nay thông qua cuộc chiến đó.

Hình như tiểu thuyết của anh nhận được rất nhiều lời mời dựng thành phim. Cách đây 3 năm một đạo diễn Việt kiều đã lấy Nỗi buồn chiến tranh làm đích ngắm?

Không, mình có gặp Việt kiều nào đâu. Chỉ có mấy anh nhà mình thôi, có ý định cách đây lâu lắm rồi thì có bác Hải Ninh, anh Khánh Dư (đã mất) nhưng cũng nói thế thôi.

Cuốn sách sau này cũng có những chuyện của nó thì không phải họ lảng ra, họ nói khó làm ông ạ, cũng phải để một lúc nào đó. Còn những người khác thì cũng chỉ ngồi nhậu với nhau tán phét thế.

Kịch bản có sửa sang đáng kể gì so với tiểu thuyết?

Tiểu thuyết cấu trúc không chặt. Nếu làm phim y xì như thế ai mà hiểu. Thành ra phải cấu trúc lại để có một đường dây. Thì mình thấy cũng... được. Tất nhiên nó có cái khó, chẳng biết đạo diễn sẽ làm thế nào.

Chẳng hạn thời gian của cuốn sách hơi dài, từ năm 1965 đến tận đầu Đổi mới. Mà một đời người như thế hơi bị dài, hồi ức nhiều quá- sẽ khó làm. Nhưng cái đó không phải việc của tớ vì đạo diễn muốn làm thì làm sao được.

Cái mà mình muốn là làm sao người ta thấy được người Việt Nam trong chiến tranh là những người rất bình thường. Rất anh dũng, kiên cường và rất giỏi- nhưng họ là những người bình thường. Điều này rất khó giải thích. Nhiều người không hiểu.

Đôi khi ngay cả phim của mình cũng thể hiện điều đó: Người Việt hơi công thức quá. Người Việt để đánh thắng được Mỹ là rất bình dị, rất con người, rất uyển chuyển, rất... như mọi người trên thế gian này.

Điện ảnh và phim truyền hình của mình thể hiện những anh lính, anh chỉ huy cứng đờ- những người như thế không thể thắng Mỹ được.

Anh có hay xem phim Mỹ về chiến tranh Việt Nam?

Thỉnh thoảng. Lâu lắm rồi. Trung đội cũng thường thôi, phim tôi thấy hay là Forrest Gump hay Sinh ngày 4/7- họ thể hiện được bi kịch của thanh niên Mỹ.

Chứ còn người Mỹ họ làm về phía Việt Nam thì dở, họ chẳng hiểu gì cả. Khi ống kính họ chiếu vào họ thì hay, khi quay sang phía Việt Cộng thì vớ vẩn.

Anh hình dung Nỗi buồn chiến tranh cũng được như Forrest Gump hay Sinh ngày 4/7?

Không. Phim này là phim Việt. Ông phải Việt Nam, không lôi thôi gì cả. Nếu ông thật Việt, may ra nó hay, may ra ông đạt được. Ông có thể chiếu cho khán giả không phải người Việt xem. Thế thì nó phải đặc Việt. Đôi khi tôi xem một số phim Việt Nam tôi cứ nghĩ bụng nó không Việt lắm.

Phim rất Việt theo tôi là Đời cát, ai xem cũng thích, mà dễ hiểu, thậm chí không cần phụ đề. Có những phim người nước ngoài xem khó hiểu vì nó không Việt...

Tất nhiên phim phải có cái nhìn riêng mới hay được chứ lại giống y như ông nhà văn thì làm phim làm gì!

Về công việc viết văn, phải chăng bao nhiêu tinh túy anh đã dồn hết vào Nỗi buồn chiến tranh rồi. Còn tiểu thuyết thứ hai?

Thì cứ ngồi viết thôi. Chả biết đi đến đâu.

Hay có thể hiểu "Nỗi buồn chiến tranh" là cái gì đấy hơn cả tác phẩm. Nó là cái gì đấy mà mình phải trút ra và trút ra rồi thì mình nhẹ nhõm không phải viết thêm nữa?

Nghề viết văn nghĩ như thế thì chán lắm. Viết thì cứ viết thôi chứ. Giờ có ông nào mà một hôm lại quyết ngồi vào bàn dốc hết. Những suy nghĩ kiểu đấy là về sau này, thực ra lúc viết người ta đâu có nghĩ gì lắm.

Cũng giống như mọi công việc khác trên đời. Không phải ông định viết bài báo này hời hợt, còn bài kia ông định viết hay mà chẳng qua công việc nó thế. Nó không nằm trong chủ định của mình.

MỚI - NÓNG