Nội Bài những ngày “trực chiến”

Nội Bài những ngày “trực chiến”
Gần 160 chuyến máy bay tham dự Hội nghị APEC lên xuống Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, 14 chuyên cơ cùng hàng chục máy bay phục vụ của các đoàn đã làm các lực lượng phục vụ, bảo vệ sân bay căng mình “trực chiến”.

Tất cả kế hoạch điều hành, bảo vệ máy bay, sân bay trong dịp APEC đã được lên chi tiết cụ thể và phối hợp nhịp nhàng...

Bám chuyên cơ từng phút

Chưa bao giờ có nhiều chuyên cơ đến cùng một dịp và số lượng máy bay lên xuống tấp nập đến vậy.

Ông Trần Long Nhiên - tổng giám đốc Cụm cảng hàng không miền Bắc - cho biết bình thường sân bay Nội Bài chỉ có 24 chỗ đậu nhưng trong dịp APEC đã phải bố trí 50 chỗ đỗ dành cho các máy bay loại lớn, do đó phải bố trí thêm các chỗ ở khu vực đường cất, hạ cánh, bãi đỗ của xưởng sửa chữa máy bay A76. Ngoài ra, ba sân bay dự bị là Cát Bi (Hải Phòng), Vinh (Nghệ An), Đà Nẵng cũng được chuẩn bị sẵn sàng trong trường hợp Nội Bài quá tải.

“Mặc dù chỉ có 38 chuyên cơ và máy bay chở các đoàn đậu lại trong thời gian diễn ra hội nghị nhưng số lần chuyến cất hạ cánh của máy bay phục vụ các đoàn đã lên tới 159” - ông Đoàn Minh Quân, phó Phòng cảng vụ, cho biết thêm.

Trong số 14 chuyên cơ, chỉ có chuyên cơ của Đài Bắc - Trung Quốc sau khi hạ cánh đã bay về, còn lại 13 chuyên cơ chở các nhà lãnh đạo đều đậu lại Nội Bài.

Ngoài chuyên cơ, số máy bay đậu lại còn có bảy chiếc dự bị, chở đoàn tùy tùng, báo chí, 15 máy bay của các nhà doanh nghiệp dự Hội nghị thượng đỉnh các tổng giám đốc APEC.

Máy bay các đoàn được bố trí đậu ở khu vực phía bắc sân bay nhưng riêng đoàn Mỹ được đáp ứng yêu cầu đậu ở khu vực riêng. Bốn máy bay cùng một trực thăng của đoàn được bố trí đậu ở sân của xưởng bảo dưỡng máy bay A76.

Việc đón chuyên cơ của các nhà lãnh đạo luôn làm các nhân viên cảng vụ, kiểm soát viên không lưu, điều hành căng thẳng bám thông tin từng phút. Ngoài việc xác nhận chặng bay của từng chuyên cơ để bố trí đón tiếp, các bộ phận tại cảng hàng không luôn phải cập nhật thông tin liên tục theo từng khoảng thời gian 5-10 phút sau khi chuyên cơ đã đi vào không phận Việt Nam.

Tuy nhiên việc chuyên cơ đến muộn vẫn xảy ra. Chuyến bay của Tổng thống Nga Putin đến chậm 45 phút so với dự kiến nhưng các nhân viên cảng vụ vẫn không thể biết nguyên nhân.

Sân bay được bảo vệ từ bán kính 20km

Đoàn Mỹ được xem là có lực lượng và phương tiện hùng hậu nhất trong các đoàn dự APEC: đã có 25 chuyến bay hạ, cất cánh mang theo phương tiện, thiết bị xuống sân bay Nội Bài (chưa kể hàng chục chuyến bay tiền trạm trước đó).

Các máy bay vận tải C 131, C17, C20 của Mỹ đã chở sang ba xe Cadillac để tổng thống sử dụng, hai chiếc trực thăng vũ trang, cả chục xe đặc chủng chuyên dụng.

Riêng máy bay trực thăng được tháo bớt bộ phận rồi lắp ráp tại Nội Bài, sau đó tiến hành bay thử (một chiếc đậu ở sân bay Tân Sơn Nhất).

Đội máy bay của đoàn Mỹ đậu lại là 5 chiếc: gồm chuyên cơ Air Force One, 1 chuyên cơ dự bị, 1 Boeing 747 chở đoàn tùy tùng, 1 Boeing 757 chở thiết bị, 1 trực thăng. 

Ngay từ đầu năm 2006, các phương án đảm bảo an ninh tuyệt đối khu vực Cảng hàng không quốc tế Nội Bài trong Hội nghị APEC đã được lên kế hoạch chi tiết và diễn tập nhuần nhuyễn.

Ngoài việc xác định các mục tiêu trọng yếu như khu vực nhà khách VIP A, B, nhà ga T1, kho xăng dầu, đài chỉ huy bay, các trạm điện nước, bãi đỗ ôtô..., hệ thống hàng rào quanh sân bay được hoàn thiện khép kín, gia cố chắc chắn, nâng độ cao, các đường cống ngầm, mương hở, cống thoát nước, đường công vụ cũng được rà soát, gia cố và canh gác để chống đột nhập từ bên ngoài.

Lực lượng tuần tra khu vực hạ, cất cánh, xung quanh sân bay, đường công vụ túc trực 24/24 giờ. Một hố xử lý vật liệu nổ cũng được xây dựng trong khu vực sân bay để giải quyết bom mìn trong trường hợp khẩn cấp. Đây cũng là hố xử lý vật liệu nổ duy nhất tại các sân bay VN cho đến thời điểm này.

Có hai máy soi hành lý xách tay, bảy cổng từ, 20 máy dò kim loại cầm tay, hai máy phát hiện chất nổ di động (phát hiện được mọi loại chất nổ, kể cả dạng lỏng) và 50 máy bộ đàm được đầu tư mới và đưa vào sử dụng từ tháng 10-2006. Phần mềm hỗ trợ tự động phát hiện chất nổ cho tất cả máy soi hành lý tại sân bay Nội Bài, Cát Bi, Vinh cũng được cài đặt và đưa vào sử dụng.

Nội Bài những ngày “trực chiến” ảnh 1 Nội Bài những ngày “trực chiến” ảnh 2
Chuyên cơ Air Force One của Tổng thống Mỹ G.Bush - Ảnh: Việt Dũng

An ninh và nhân viên kỹ thuật Mỹ kiểm tra, chèn bánh chuyên cơ Air Force One của Tổng thống G.Bush khi vừa hạ cánh xuống sân bay Nội Bài - Ảnh: Việt Dũng

Một sở chỉ huy nhẹ của các lực lượng cảnh sát chống khủng bố, cảnh sát đặc nhiệm, công binh, bộ đội hóa học... được thành lập để phối hợp xử lý tất cả mọi vấn đề. Vòng bảo vệ ngoài cùng của sân bay được khoanh vùng trong bán kính 20km do các lực lượng công an, quân sự Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, không quân… đảm nhiệm.

Trước khi đón, tiễn một chuyến chuyên cơ, lực lượng bảo vệ đều phải tiến hành rà phá bom mìn theo đường băng, vị trí đỗ, thảm cỏ, rãnh nước, đường hào.

Trước đây lực lượng an ninh chỉ tiến hành rà phá mấy ngày trước khi chuyên cơ đến rồi khoanh vùng bảo vệ. Tuy vậy với yêu cầu an ninh khắt khe của người Mỹ, họ vẫn tự tay làm việc này độc lập với an ninh VN. Các đoàn Mỹ, Nga, Trung Quốc, Canada, Úc được lực lượng an ninh của họ đảm nhiệm bảo vệ vòng trong ngay vị trí máy bay đỗ.

Và một lần nữa an ninh Mỹ lại thể hiện sự “kỹ tính” khi sử dụng cọc, dây, biển báo mang từ Mỹ sang để lập hàng rào quanh máy bay. Họ bố trí bốn nhân viên bảo vệ thường trực trên bốn chiếc xe mang từ Mỹ qua đậu ở bốn góc chuyên cơ. Thỉnh thoảng đội chó nghiệp vụ (cũng mang từ Mỹ qua) được đưa ra đi tuần quanh khu vực đậu năm máy bay của đoàn.

Sau hàng chục chuyến bay tiền trạm, chuyến bay chở thiết bị sang phục vụ việc dự Hội nghị APEC và chuyến thăm VN của Tổng thống G.Bush, an ninh Việt - Mỹ đã thỏa thuận được phương án bảo vệ tại sân bay Nội Bài. Lực lượng của Mỹ cử người hướng dẫn máy bay hạ xuống đường băng.

Việc kiểm tra, chèn bánh máy bay cũng được nhân viên kỹ thuật và an ninh Mỹ tiến hành. Riêng việc sử dụng dầu cho máy bay, an ninh Mỹ cũng tiến hành độc lập. Sau khi xét nghiệm bồn dầu trong Xí nghiệp xăng dầu hàng không đạt tiêu chuẩn, họ cử ngay bốn nhân viên an ninh bảo vệ quanh bồn dầu theo chế độ 24/24 giờ.

Trong các biện pháp bảo vệ an ninh của đoàn Mỹ có một sự việc làm tất cả nhân viên phục vụ, chiến sĩ an ninh VN ngỡ ngàng: đó là sau khi Tổng thống G.Bush bước vào máy bay, cửa máy bay vừa đóng lại, xe thang chưa kịp nổ máy, các nhân viên an ninh Mỹ đã áp sát, dùng tay đẩy xe thang rời máy bay chứ không cho khởi động máy. “Họ làm vậy để tránh trường hợp dùng xe lao vào đánh bom máy bay”, một cán bộ an ninh hàng không nhận xét.

“Trung tâm An ninh hàng không đã huy động 100% quân số (503 người) trực làm việc từ ngày 12 đến 22-11. Mãi đến lúc chuyên cơ cuối cùng của Tổng thống Nga Putin rời sân bay một tiếng, nghĩa là đã ra khỏi không phận VN, các lực lượng bảo vệ an ninh, phục vụ ở Cảng hàng không Nội Bài mới thở phào nhẹ nhõm...” - giám đốc Trung tâm An ninh hàng không cười nói.

Thủ tướng Singapore đi hàng không giá rẻ

Trong số sáu lãnh đạo nền kinh tế đến dự APEC bằng máy bay thương mại (Peru, New Zealand, Singapore, Papua New Guinea, Hong Kong - Trung Quốc) thì vị lãnh đạo gây bất ngờ thú vị nhất là Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long.

Ông đến VN bằng máy bay thương mại của Hãng hàng không quốc gia Singapore nhưng lúc về lại đi bằng máy bay hàng không giá rẻ của Tiger Airways.

Ngoại trưởng Mỹ Condoleezza Rice đến VN bằng máy bay riêng nhưng cho máy bay về trước. Sau đó bà theo đoàn của Tổng thống G.Bush bay vào TP.HCM. 

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.