Nỗi ám ảnh mang tên sạt lở: Lực bất tòng tâm

Người dân trục vớt nhà bị sụp xuống sông. Ảnh: Hoà Hội.
Người dân trục vớt nhà bị sụp xuống sông. Ảnh: Hoà Hội.
TP - Tình hình sạt lở sông, biển cù lao tại ÐBSCL đã và đang diễn biến rất xấu và có xu hướng gia tăng cả về phạm vi và quy mô. Hàng chục nghìn người trong vùng sạt lở cần di dời khẩn cấp, đặc biệt là đang bước vào mùa mưa bão.

Sạt lở tứ bề

Tình trạng sụp lún, sạt lở đất ven sông xảy ra ở khắp các địa phương ven biển trong tỉnh Cà Mau. Ông Lê Thanh Triều, giám đốc Sở NN&PTNT Cà Mau nói: “Các điểm sạt lở xảy ra ở khu vực đông dân cư, ngã ba sông, thuận tiện buôn bán “trên bến dưới thuyền”. Vì thế, khi chuyển bà con đi nơi khác rất khó khăn trong việc giải quyết sinh kế cho họ”.

Cà Mau có hơn 10.000 km chiều dài sông, rạch…bậc nhất vùng ÐBSCL. Nếu mỗi năm, hai bên bờ sông lở sâu vào bờ một tấc (10 cm) thì bình quân, trong 10 năm gần đây, toàn tỉnh mất đi khoảng 2.000 ha đất ven sông, bằng diện tích đất sản xuất của một xã cỡ lớn ở Cà Mau.

Ông Nguyễn Long Hoai, Chi cục trưởng Chi cục thủy lợi tỉnh Cà Mau cho biết, ngoài yếu tố địa chất, thủy văn, dòng chảy còn do tác động từ con người. Những vụ sạt lở xảy ra ở khu vực giao nhau giữa các nhánh sông lớn, thuận tiện việc kinh doanh, giao thương hàng hóa. “Ở những nơi này, hộ dân xây dựng hạ tầng lấn nhiều ra mép sông, gây áp lực nặng lên nền đất yếu khiến tiến trình sạt lở diễn ra nhanh hơn”, ông
Hoai nói.

Ông Huỳnh Văn Nuôl, 57 tuổi, ở ấp Xẻo Nhàu A, xã Tân Thạnh (An Minh, Kiên Giang) nhận khoán 2 ha rừng phòng hộ nuôi tôm. Chỉ trong vòng 10 năm, vuông tôm bị sóng biển xé nát, xói lở gần hết. Bà Nguyễn Thị Thường- vợ ông Nuôl góp chuyện: “Vài ba năm trở lại, bờ biển còn cách chỗ này hơn 200 m thì bây giờ lở sát tới đây”.

Ông Nguyễn Văn Tâm, giám đốc Sở NN&PTNT Kiên Giang cho biết, sạt lở có những nơi lấn sâu vào đến 500m. Một số đoạn đã lở đến đê quốc phòng, dọc dài tuyến đê biển Tây. Ðiểm sạt lở nghiêm trọng nhất là cửa biển Xẻo Nhàu.

Ðồng Tháp là tỉnh ở đầu nguồn sông Cửu Long có sông Tiền và sông Hậu chảy qua với chiều dài khoảng 157 km. Tình hình sạt lở trong những năm qua hết sức phức tạp gây nhiều thiệt hại. Ðồng thời, hằng năm lũ thượng nguồn sông Mê Công đổ về chảy xiết áp sát vào bờ tạo hàm ếch, sạt lở nghiêm trọng hơn. Ông Lê Văn Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Ðồng Tháp cho biết, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh đã sạt lở kéo dài trên 36 km buộc phải di dời 258 hộ dân.

Nghìn người cần di dời gấp

Theo quy hoạch (giai đoạn 2006 -2015), tỉnh Cà Mau xây dựng 35 cụm, tuyến dân cư mới với tổng diện tích hơn 945 ha, hoàn thành sẽ bố trí, ổn định chỗ ở cho hơn 13.800 hộ dân ở những vùng sạt lở và vùng có nguy cơ thiên tai cao vào nơi an toàn nhưng đến nay chỉ có lác đác vài dự án được đầu tư. Ông Tô Quốc Nam, Phó giám đốc Sở NN&PTNT Cà Mau nói: “Do nguồn vốn hỗ trợ cấp “nhỏ giọt” từ Trung ương nên đến nay tỉnh chỉ hoàn thành 4 dự án để bố trí cho hơn 1.200 hộ dân".

Sạt lở xảy ra ngày càng nghiêm trọng hơn, trong giai đoạn 2016-2020 và lộ trình đến năm 2025, Cà Mau cần khoảng 1.400 tỷ đồng để di dời thêm gần 4.800 hộ dân ở những nơi có nguy cơ thiên tai cao vào sinh sống ổn định tại các cụm, tuyến dân cư mới.

Ông Lê Văn Sử, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết, về lâu dài, tỉnh quy hoạch, xây dựng các khu tái định cư để di dời dân đúng như nguyện vọng mà bà con mong muốn. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện gặp nhiều khó khăn về nguồn vốn. Vì vậy, tỉnh đã đề xuất Chính phủ hỗ trợ thêm để thực hiện các dự án di dân, tái định cư, đặc biệt ở những khu vực cấp bách.

Cũng ở đầu nguồn, ông Lương Huy Khanh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh An Giang chia sẻ thêm, đến nay có 51 đoạn với chiều dài nguy cơ sạt lở trên 162 km gây ảnh hưởng cho hơn 20.000 hộ dân, trong đó có hơn 5.380 hộ dân cần di dời khẩn cấp ra khỏi khu vực sạt lở.  Ðồng thời, tỉnh đã đề nghị Bộ NN&PTNT xem xét, kiến nghị Thủ tướng hỗ trợ kinh phí 7 dự án chống sạt lở khẩn cấp là 1.318 tỷ đồng. Ông Lương Huy Khanh cung cấp thêm, để ứng phó với tình trạng sạt lở, trong thời gian qua An Giang đã cảnh báo sớm và thực hiện công tác thông tin tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng các khu vực cảnh báo. Ðồng thời, di dời những hộ dân ra ngoài phạm vi có nguy cơ sạt lở đến những khu dân cư tập trung.

Theo ông Lê Văn Hùng, tỉnh Ðồng Tháp đang theo dõi, cắm biển báo và tuyên truyền để người dân biết chủ động phòng tránh. Ðồng thời, tỉnh cũng vận động người dân trồng cây và làm kè mềm bảo vệ bờ hạn chế sạt lở. “Hiện tại, tỉnh đã kiến nghị Thủ tướng xây dựng 12 cụm tuyến dân cư trên địa bàn 7 địa phương để di dời khẩn cấp 2.440 hộ trong diện sạt lở đặc biệt nghiêm trọng với kinh phí 657 tỷ đồng”, ông Hùng nói.

Khai thác cát, tội đồ?

Nỗi ám ảnh mang tên sạt lở: Lực bất tòng tâm ảnh 1

Khai thác cát ở sông Tiền. Ảnh: Hoà Hội.

Thạc sỹ Nguyễn Hữu Thiện, Chuyên gia độc lập về sinh thái ÐBSCL chỉ ra rằng, nguyên nhân gốc rễ của vấn đề sạt lở ở ÐBSCL là sự thiếu hụt cát và phù sa. “Mọi biện pháp dù là công trình hay phi công trình ở ÐBSCL đều là biện pháp chống đỡ, chứ không thể làm giảm sạt lở được. Khi phù sa và cát tiếp tục thiếu hụt thì sạt lở sẽ tiếp tục gia tăng không thể đảo ngược được”, Thạc sỹ Thiện nói.

“Cần chấm dứt tình trạng mỗi tỉnh mỗi cấp phép khai thác cát ở đoạn sông chảy qua tỉnh mình mà không biết đến tác động đến tỉnh khác và bờ biển. Cách làm này rất không ổn, bởi vì khai thác cát một nơi ảnh hưởng xa hàng trăm km. Các công trình lớn như các cầu Cần Thơ, Vàm Cống, Mỹ Thuận, Cao Lãnh rất có thể bị đe dọa dù các điểm khai thác cát ở rất xa”.         

Ông Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia độc lập về sinh thái

Theo Bộ NN&PTNT, tình hình sạt lở bờ sông, bờ biển tại ÐBSCL đã và đang diễn biến rất phức tạp và có xu hướng gia tăng cả về phạm vi và quy mô. Hiện có 562 vị trí bờ sông, bờ biển bị sạt lở, với tổng chiều dài 786 km, trong đó có 42 vị trí sạt lở đặc biệt nguy hiểm với tổng chiều dài 149 km. Tổng số kinh phí để xử lý căn cơ vấn đề này vào khoảng 6.990 tỷ đồng. 

MỚI - NÓNG
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
TPO - Ở bậc THPT, Hà Nội hiện có hơn 100 trường tư thục. Trong đó, Quận Nam Từ Liêm có số lượng nhiều nhất với 12 trường. Mức học phí các trường từ 1,8 triệu đồng/ tháng đến gần 600 triệu đồng/ tháng. Tuy nhiên, năm học 2024-2025, chỉ có 9 trường được Sở GD&ĐT Hà Nội giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10. 
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
TPO - Đất nền vùng ven Hà Nội tăng giá, chuyên gia cảnh báo 'sốt ảo'; Chủ đầu tư dự án bất động sản nợ thuế, loạt lãnh đạo bị tạm hoãn xuất cảnh; Lãnh đạo 'xộ khám', loạt dự án bất động sản thay tên đổi chủ; Chiếm đất, hủy hoại đất bị phạt đến 1 tỷ đồng... là những thông tin hot về BĐS đáng chú ý tuần qua.