> Ngân hàng Nhà nước: Ưu tiên xử lý nợ xấu, tái cơ cấu
Nợ xấu - Lãi mẹ đẻ lãi con
Tuần qua, tại nghị trường, TS Trần Du Lịch nêu đề xuất nên thành lập Ủy ban tái cơ cấu nền kinh tế, còn ông đề nghị thành lập Ủy bán tái cơ cấu nợ xấu. Có thể hiểu vấn đề này thế nào, thưa ông?
Doanh nghiệp (DN) đang quá khó khăn. 9 tháng qua đã có hơn 40.000 DN ngừng họat động và giải thể. Đây là con số rất đáng suy nghĩ dù trong số này có nhiều dạng như DN dừng đầu tư do trái ngành nghề, ảnh hưởng từ bất ổn kinh tế vỹ mô, phá sản tự nguyện hoặc trốn thuế, né thuế.
Một suy ngẫm tiếp theo là tổng vốn đầu tư xã hội năm nay suy giảm mạnh dù khu vực đầu tư công về cơ bản không thay đổi nhưng khu vực DN tư nhân kém vốn, chỉ đạt 70% so với kế hoạch.
Câu hỏi đặt ra: phải chăng DN đang “đói” vốn, hết vốn hay có vốn nhưng chưa thấy tín hiệu rõ nét trong đầu tư nên họ chờ đợi. Tất cả đều có thể. Nhưng về cơ bản “cội rễ” của sự ngưng trệ xuất phát từ chính bất ổn của kinh tế vĩ mô (hiện trong quá trình xử lý và tái cấu trúc).
Còn nợ xấu, chính nó chứ không ai khác đang trở thành điểm “nghẽn” trong giao thông, hay nói hình ảnh là “khối u” gây bệnh tật trong cơ thể con người cần được “bóc –tách” gấp. Điều nguy hiểm, nợ xấu đang tiếp tục gia tăng ngày càng xấu, không trả được khiến “lãi mẹ đẻ lãi con”.
Giải quyết nợ xấu, đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) không tán đồng đề xuất thành lập Ủy ban và cho rằng chỉ cần thành lập Công ty mua bán nợ nợ xấu trực thuộc chính cơ quan này, còn ông thấy sao?
Cần lưu ý, nợ xấu hiện nằm rải ra tại rất nhiều khu vực và dưới nhiều dạng quan hệ đan chéo nhau. Đó là nợ giữa DN và ngân hàng, giữa các ngân hàng với nhau trên thị trường liên ngân hàng, giữa ngân hàng và Ngân hàng Nhà nước; giữa DN và DN, giữa Nhà nước và DN trong xây dựng cơ bản.
Do đó,cần thiết phải thành lập Ủy ban hoặc Hội đồng liên ngành đề xử lý cả nợ xấu và tái cơ cấu nền kinh tế. Một ví dụ là những năm 90 mình đã có Ban thanh toán công nợ để xử lý dứt điểm mọi vấn đề.
Tại sao nhiều chuyên gia đề xuất phải thành lập Ủy ban hay Hội đồng liên quan đến giải quyết nợ xấu và tái cơ cấu nền kinh tế, một cách thẳng thắn, hiện tại người ta không tin lắm vào sự giải quyết của các bộ, ngành. Ngân hàng Nhà nước thấy giải quyết được thì cứ để họ làm.
Nhưng theo tôi, hơn cả là thành lập một Tổ điều hành hay có thể gọi Hội đồng chỉ đạo đặt dưới sự giám sát của Ủy ban kinh tế Quốc hội hoặc tối thiểu có sự tham dự của đại diện Ủy ban này.
Cách thức và hướng xử lý, phải đối chiếu công nợ, xác định khoản nợ, dư nợ, đo xem nợ đó “nặng’ bao nhiêu, liên quan đến ai.
Cái này có thể thuê kiểm toán độc lập nhưng hầu hết tài sản bảo đảm là bất động sản thì đang “bốc hơi” , nên việc việc định giá chắc chắn sẽ giảm, ảnh hưởng đến dự kiến thu nợ. Thời gian để cắt khối u nợ xấu nên bắt đầu ngay, phần cơ bản sẽ làm gọn trong năm 2013 còn để trọn vẹn chắc phải vài năm.
Nợ xấu hiện nằm rải ra tại rất nhiều khu vực và dưới nhiều dạng quan hệ đan chéo nhau. Ảnh: Hồng Vĩnh. |
Kinh tế - Đang “trị bệnh”
Bức tranh kinh tế Việt Nam đến thời điểm hiện tại này được dự báo không nhiều điểm sáng. Với tư cách là thành viên Hội đồng tư vấn tiền tệ Quốc gia, và đại biểu Quốc hội, ông có nhận xét hay cao kiến gì?
Kinh tế Việt nam 9 tháng tăng trưởng đạt 4,73%, cả năm 2012 ước đạt 5,2%. Đây là mức thấp nhất trong 13 năm trở lại đây. Nguyên nhân căn bản chủ yếu do chính sách tiền tệ và tài khóa đã một thời gian dài nới lỏng, tạo bong bóng chứng khoán bất động sản (thời điểm năm 2007).
Đến lúc này, mọi thứ mới “vỡ” ra. Hiện nền kinh tế mình đang trong giai đoạn điều trị bệnh, nên việc suy giảm tăng trưởng cũng là hợp lý. Tuy nhiên, không nên để giảm nữa vì sẽ ảnh hưởng đến an sinh xã hội, công ăn việc làm.
Thứ ba này (tức 30-10- PV), Quốc hội sẽ thảo luận về kinh tế xã hội. Mục tiêu GDP năm 2013 Việt Nam được các tổ chức quốc tế như Ngân hàng thế giới (WB), Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) dự báo khá lạc quan tăng khoảng 5,7%, Quỹ tiền tệ (IMF) 5,9%, còn Chính phủ dự kiến 5,5%.
Nhưng nói gì, cũng đã đến lúc tăng trưởng Việt Nam cần nhìn vào “chất” hơn là “lượng”.
Việc đẩy nhanh quá trình tái cấu trúc nền kinh tế, đâu tư công, tập đoàn kinh tế và hệ thống NHTM chính là “đổi” mô hình tăng trưởng chiều sâu.
Có nhiều dự báo cho thấy nếu Chính phủ áp quyết sách đồng bộ và thuận lợi, nền kinh tế của ta có cơ sở tăng trưởng tốt. Đơn cử như chúng ta có tiềm năng về du lịch, về nông nghiệp chưa khai thác hết…
Tất nhiên, để trị bệnh cho nền kinh tế, gấp hơn cả lúc này là xử lý nợ xấu bởi nếu để chậm thậm chí thanh khoản từ nay đến cuối năm của hệ thống ngân hàng có thể sẽ căng thẳng. Phải giải quyết điểm nghẽn nợ xấu mới tháo được van tín dụng, hạ lãi suất, làm lành mạnh lại thị trường.
Chỉ số giá tiêu dùng đã bắt đầu tăng chậm lại (tháng 10 CPI 0,85%) nhưng nhiều chuyên gia cho rằng tốc độ giảm lạm phát năm nay chưa vững chắc và còn ở mức cao, thực tế này đáng quan ngại?
Lạm phát năm nay giảm (CPI 10 tháng 6,02%) không phải do chúng ta điều hành tốt mà chủ yếu do tổng cầu suy giảm mạnh (sức mua yếu). So với các nước trong khu vực (Thái Lan là 3%; Philippines 3, 5%; Malaysia 1,9%), lạm phát của ta vẫn cao gấp 2-3 lần, từ đó nhìn ra lãi suất VND vẫn ở mức cao.
Điều này, đặc biệt ảnh hưởng đến chi phí vốn, năng lực cạnh tranh của DN. Việc Chính phủ cần làm là gấp rút triển khai tốt những giải pháp Luật giá sẽ có hiệu lực vào 1- 1- 2013, cụ thể các vấn đề liên quan đến quản lý giá, bình ổn giá, triển khai sớm dứt điểm để có dư địa hạ lãi suất.
Ứng xử với doanh nghiệp, cụ thể cần làm gì, thưa ông?
Song song bài giải nợ xấu và các giải pháp vỹ mô, cụ thể hơn phải có sự trợ giúp doanh nghiệp vượt qua lúc khó khăn, giải phóng hàng tồn kho.
Vấn đề này, TP Hồ Chí Minh đang rất thành công khi đứng ra làm trung gian gặp gỡ, kết nối giữa các tổ chức tín dụng và người đi vay là doanh nghiệp.
Từ đó, tìm ra được cả đầu ra hàng hóa và tín dụng. 9 tháng đầu năm, GDP của thành phố này tăng gấp 1,8 lần so với cả nước trong khi những năm trước mức tăng chỉ gấp 1,5 lần. Cách xử lý này rất đáng lưu ý. Tôi cho rằng các thành phố khác có thể nghiên cứu và áp dụng.
Cảm ơn ông.
Ngân hàng nếu vi phạm phải làm rõ trắng đen TS Trần Hoàng Ngân: “Chính sách tài khóa cơ bản diễn ra như đã định, hiện Chính phủ đang cố gắng đảm bảo chi đúng, chi đủ nhưng nguồn thu năm nay rất căng thẳng, phải làm sao cho nền kinh tế hồi phục thì lúc đó nguồn thu mới tốt lại. Chính sách tiền tệ dù đang đi đúng hướng nhưng cần lưu ý hệ thống ngân hàng đang đánh mất niềm tin, để ổn định được thị trường, ngân hàng phải tuân thủ pháp luật, vi phạm nếu có phải làm trắng đen rõ ràng, minh bạch trong hệ thống, có vậy người dân mới tin tưởng”. |
Khánh Huyền