Nợ ngập đầu vì thể hiện với nhà vợ

Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet
TPO - Thế nhưng tuổi trẻ coi tình yêu là trên hết, chúng tôi vẫn quyết định làm đám cưới. Ngay hôm đầu tiên giáp mặt nhà vợ, tôi phát huy hết công suất của “máy nổ”, để chứng tỏ cho nhà vợ biết con gái họ có diễm phúc lấy được trai thành phố.

Nhiều lần chứng kiến cảnh tôi khoe mẽ, mang những đồng lương còm ra đãi đằng bạn bè, anh Hai tôi đã cảnh báo “vừa vừa thôi út, giờ một thân một mình sao cũng được. Mai này mà vợ con rồi vẫn giữ tính thể hiện bốc đồng đó là chết không kịp ngáp đó nghe”.

Nghĩ anh Hai quá lo xa, thanh niên thời nay gặp nhau không nhậu , không nổ thì còn gì là vui?

Thế nhưng lời anh Hai nói chẳng sai chút nào khi tôi cưới vợ, cái tính bốc đồng thích chứng tỏ ta đây với mọi người đã làm hại tôi.

Vợ tôi là cô gái thôn quê, lên thành phố học nghề làm tóc. Sau khi thạo việc, em cùng mấy cô bạn thân thuê cửa hàng ngay cạnh nhà tôi để làm ăn.

Với giọng nói nhẹ nhàng, dáng người cao ráo, giọng nói nhẹ nhàng và đôi mắt đẹp hút hồn, em làm tôi “đổ” ngay buổi đầu làm quen.

Rồi chúng tôi yêu nhau, khi biết chuyện, ba má và anh Hai không ưng vì lo tôi chỉ là công nhân ở khu chế xuất, lương không đủ lo cho bản thân. Còn em làm nghề gội đầu, cắt tóc, thu nhập bấp bênh, con cái vào nữa rồi thì sao đủ sống?

Thế nhưng tuổi trẻ coi tình yêu là trên hết, chúng tôi vẫn quyết định làm đám cưới. Ngay hôm đầu tiên giáp mặt nhà vợ, tôi phát huy hết công suất của “máy nổ”, để chứng tỏ cho nhà vợ biết con gái họ có diễm phúc lấy được trai thành phố.

Ba má tôi đã phải bỏ ra một số tiền lớn để chi cho tiệc đám cưới, xe rước dâu, chụp ảnh và cả chi phí mời ban nhạc sống.

Thấy rõ vẻ ngưỡng mộ của nhà vợ nên tôi không giấu được niềm tự hào. Nhà chật, sau khi tôi cưới vợ, anh Hai phải ra phòng khách ở để nhường căn phòng trước đây của hai anh em cho vợ chồng tôi.

Lấy vợ rồi, tôi vẫn không bỏ được thói ba hoa “một tấc đến giời”. Mỗi lần có dịp về quê vợ, tôi dốc hết tiền túi để mua quà, rải khắp bà con họ hàng mà không cần nghĩ tới tiền ăn tháng đó tôi chưa hề đóng cho ba má.

Được hơn một năm sau thì anh Hai cưới vợ. Ba má tôi đành cho tiền để vợ chồng tôi thuê nhà ở riêng. Thế nhưng “đánh chết cái nết không chừa”, mỗi lần ba má vợ hay người ở quê vợ lên tôi đều giới thiệu đó là nhà do tôi mua.

Chắc thấy con rể thành phố “khá giả” nên sau một thời gian e dè, giữ ý, ba má vợ tôi bắt đầu nhỏ to với vợ tôi về việc ông bà cần một số tiền để sửa sang lại nhà, mua đàn heo về chăn nuôi, lúc khác lại là cho ba má một ít để đi chữa bệnh…

Việc nào cũng ngốn không ít tiền nên những lần đầu, tôi còn vót vét hết tiền lương rồi tiền công cắt tóc làm đầu của vợ để đưa. Những lần sau số tiền lên đến hàng chục triệu đồng nên tôi phải đôn đáo chạy vay mượn khắp bạn bè, anh em.

Đến khi hết cửa vay, tôi cắn răng đi vay lãi ngoài để làm tròn phận con rể thành phố giàu có.

Cuộc sống của vợ chồng tôi rơi vào cảnh “vắt mũi đút miệng”, vì lương tôi không đủ trả nợ, vợ lại mang bầu sắp đến ngày sinh không ra cửa hàng làm việc được nữa.

Ngẫm lời anh Hai và tình cảnh hiện tại của mình, tôi thấy mình đã trả giá quá đắt chỉ vì sĩ hão. Tôi phải làm gì để thoát ra khỏi cái ngõ cụt này đây?

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.