Chỉ cả tỷ đồng vì mất dây an toàn
Một trong những vấn đề phổ biến nhất là tình trạng thất lạc dây đai an toàn. Dây đai an toàn bị mất tại vị trí ghế ngồi sau khi chuyến bay kết thúc, hoặc hành khách yêu cầu đai nối dài dây, dây an toàn cho trẻ em nhưng không trả lại cho tiếp viên sau khi chuyến bay kết thúc. Từ đầu năm 2019 đến nay, hãng hàng không Vietnam Airlines đã chi gần 1 tỷ đồng để bổ sung gần 600 dây an toàn bị thất lạc.
Bên cạnh đó, sự cố tắc bồn cầu cũng là vấn đề gây nhức nhối vì những ảnh hưởng nghiêm trọng. Hệ thống toilet máy bay không thể sử dụng được do bị kẹt các vật như cuộn giấy vệ sinh, khăn lau mặt, khăn ăn, cốc giấy,… do hành khách thả vào. Để khắc phục, các kỹ sư, nhân viên bảo dưỡng tàu bay phải tháo lắp các bộ phận, đường ống theo quy trình kỹ thuật, buộc tàu bay dừng bay trong nhiều giờ, ảnh hưởng đến hoạt động khai thác cũng như thiệt hại về kinh tế cho hãng.
Theo Công ty TNHH MTV Kỹ thuật máy bay (VAECO), thời gian qua đơn vị này đã tiếp nhận, sửa chữa không ít tàu bay bị tắc nhà vệ sinh do bị mắc khăn mặt, bỉm, cả cuộn giấy vệ sinh và thậm chí là vỏ chai rượsu loại nhỏ... Do việc thông tắc buồng vệ sinh máy bay mất rất nhiều thời gian nên không ít máy bay phải dừng khai thác nhiều ngày chờ khắc phục. Thực tế, trong hệ thống buồng vệ sinh máy bay luôn có những hướng dẫn về chỗ xả nước, bỏ giấy vệ sinh, giấy lau tay, vị trí thay bỉm cho em bé… nhưng nhiều hành khách không đọc, mà thực hiện theo thói quen, dẫn tới tắc nhà vệ sinh.
Còn rất nhiều trường hợp khác gây thiệt hại về vật chất do sơ suất của hành khách như xước màn hình phía trước ghế ngồi, hỏng tai nghe, rách túi da đựng tạp chí... Các sự cố này đều khiến cho hãng mất nhiều chi phí và thời gian cho công tác khắc phục. Vietnam Airlines cho biết từ đầu năm đến nay đã thay thế gần 100 khối màn hình; thay mới, sửa chữa các túi da đựng tạp chí bị hỏng, rách do hành khách kê, gác chân, với chi phí cho mỗi chiếc túi mới theo giá của nhà sản xuất là hơn 20 triệu đồng.
Tự ý mở cửa thoát hiểm
Với hàng không, hành vi diễn ra thường xuyên nhất ở tất cả các hãng hàng không là khách tự ý mở cửa thoát hiểm trên máy bay. Ngày 1/8, chuyến bay 0V8066 từ Côn Đảo về TP.HCM của hãng hàng không VASCO, khi máy bay vừa hạ cánh, 1 hành khách ngồi hàng ghế đầu đã tự ý mở cửa thoát hiểm. Trước đó ít ngày (ngày 26/7), một hành khách đi trên chuyến bay từ Nha Trang đi Hà Nội khi chuẩn bị khởi hành thì hành khách bất ngờ mở cửa thoát hiểm, khiến chuyến bay bị chậm 3 giờ đồng hồ so với dự kiến...
Có vô vàn lý do khách tự ý mở cửa thoát hiểm, như thấy phía trước tàu bay đông nên mở cửa bên cạnh để xuống cho nhanh. Thậm chí, mới đây trên chuyến bay của Vietnam Airlines từ Cao Hùng (Đài Loan) về TPHCM, một vị khách người Đài Loan đã cố mở của thoát hiểm vì nhầm là cửa nhà vệ sinh.
Ngoài ra, hành vi hành khách vào phòng sinh máy bay hút thuốc cũng không ít lần xảy ra. Không ít khách lại móc tay xuống dưới ghế lấy áo phao ra xem và thử dùng, thậm chí là tiện tay bỏ túi mang về. Hay khách mang theo súng, đạn, vũ khí, các loại dai, kéo nhọn lên máy bay cũng rất phổ biến...
Để có trải nghiệm bay an toàn và thoải mái cho chính mình cũng như những người đồng hành, hành khách có thể góp phần bằng việc sử dụng các trang thiết bị trên tàu bay theo đúng chỉ dẫn của tiếp viên và quy định của hãng hàng không qua hệ thống bảng hiệu trên tàu bay. Đối với dây đai an toàn, hành khách cần đảm bảo dây và các phụ kiện đi kèm được đặt ở đúng vị trí hoặc trả lại cho tiếp viên sau khi sử dụng.
Cùng với sự hướng dẫn của đội ngũ tiếp viên, mỗi hành động tích cực dù nhỏ nhất của hành khách cũng đều đóng góp vào sự văn minh và an toàn tuyệt đối cho các chuyến bay.