BHXH Việt Nam cho biết, thời gian qua, đã có nhiều văn bản chỉ đạo BHXH các địa phương về thực hiện các giải pháp phát triển người tham gia, đôn đốc thu, giảm số tiền chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN, phát triển người tham gia BHXH, BHYT… Với sự nỗ lực của toàn ngành BHXH, vượt qua khó khăn nhằm phấn đấu về đích với các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, hiện số người tham gia BHXH, BHYT, BHTN vẫn chưa đạt như kỳ vọng; số tiền chậm đóng BHXH, BHYT ở một số địa phương còn cao.
Để hoàn thành các nhiệm vụ năm nay, BHXH Việt Nam yêu cầu BHXH các địa phương: Tiếp tục tham mưu HĐND cấp tỉnh, huyện đưa vào nghị quyết hàng năm về chỉ tiêu phát triển BHXH, BHYT; đề xuất hỗ trợ thêm cho người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Với các địa phương đã có chính sách hỗ trợ thêm mức đóng cho người tham gia BHYT, cơ quan BHXH cần kịp thời lập danh sách người tham gia để cấp thẻ BHYT.
BHXH các địa phương cũng được yêu cầu quyết liệt rà soát, khai thác, phát triển người tham gia BHXH, BHYT, BHTN từ dữ liệu do cơ quan Thuế và các cơ quan liên quan; đẩy mạnh thanh tra chuyên ngành; phân công cán bộ bám sát, phối hợp với các đơn vị liên quan để tăng cường giải pháp đôn đốc, vận động người tham gia BHYT; vận động, phấn đấu ít nhất 70% người thuộc hộ gia đình nông nghiệp - lâm - ngư - diêm nghiệp có mức sống trung bình và 100% người thuộc hộ cận nghèo, học sinh, sinh viên tham gia BHYT.
BHXH Việt Nam cũng yêu cầu BHXH các địa phương yêu cầu những tổ chức dịch vụ mở rộng mạng lưới nhân viên, cộng tác viên; tăng cường giải pháp tuyên truyền, vận động linh hoạt, phù hợp để phát triển người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình, đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu theo cam kết với cơ quan BHXH.
BHXH các địa phương cũng cần tiếp tục đề xuất UBND tỉnh trình HĐND hỗ trợ ngân sách địa phương hoặc kêu gọi doanh nghiệp, cá nhân, mạnh thường quân hỗ trợ kinh phí mua thẻ BHYT cho người dân có hoàn cảnh khó khăn.
BHXH Việt Nam đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH, BHYT những tháng cuối năm. |
Đốc thúc thu, giảm số tiền chậm đóng BHXH, BHYT
Nhằm giảm số tiền chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN, BHXH Việt Nam yêu cầu BHXH các địa phương thường xuyên báo cáo cấp uỷ, chính quyền tỉnh thành về tình trạng chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN của các đơn vị trên địa bàn. Để làm cơ sở cho chính quyền địa phương chỉ đạo, yêu cầu các đơn vị chấp hành nghiêm việc đóng BHXH, BHYT, BHTN đầy đủ, kịp thời theo quy định.
Các đơn vị cũng cần đẩy mạnh hoạt động của Tổ thu nợ liên ngành cấp tỉnh, huyện, tổ chức các buổi làm việc với đơn vị chậm đóng; phân công cán bộ bám sát tình hình hoạt động của đơn vị, doanh nghiệp để đôn đốc đóng đủ, không để phát sinh số tiền chậm đóng mới.
Tăng cường thanh tra chuyên ngành đối với doanh nghiệp chậm đóng BHXH, BHYT từ 3 tháng trở lên, kiên quyết xử phạt vi phạm the quy định; Phối hợp chặt chẽ, kịp thời với cơ quan Công an trong việc điều tra, xử lý đối doanh nghiệp cố tình trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN.
Bên cạnh đó, BHXH các địa phương cũng được yêu cầu tăng cường công tác tuyên truyền, đối thoại bằng các hình thức linh hoạt, phù hợp để nâng cao nhận thức, ý thức tuân thủ pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN; phê phán các hành vi vi phạm trốn đóng, chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Việc các đơn vị sử dụng lao động, DN để nợ đọng BHXH, BHYT với số tiền lớn đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền, lợi ích an sinh hợp pháp, chính đáng của người lao động. Do đó, để đảm bảo quyền lợi người lao động, thời gian qua, BHXH Việt Nam đã triển khai giải pháp cụ thể, linh hoạt, phù hợp để thu hồi nợ. Trong đó, các giải pháp trọng tâm như: Tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương trong công tác tổ chức, thực hiện chính sách BHXH, BHYT; thành lập các đoàn công tác, kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác thu, thu nợ, phát triển người tham gia BHXH, BHYT, BHTN và công tác khám, chữa bệnh BHYT tại các địa phương…