Giải thưởng Khoa học công nghệ 'Quả Cầu Vàng 2022':

Nỗ lực kết nối ‘tiếp lửa’ cho nhà khoa học trẻ

SVVN - Tại Giải thưởng Khoa học công nghệ 'Quả Cầu Vàng 2022', các tài năng trẻ về khoa học công nghệ có cơ hội được giao lưu, kết nối và được tiếp thêm động lực để duy trì, phát triển các công trình nghiên cứu có giá trị thực tiễn cao cho xã hội. Qua đó, mỗi nhà khoa học trẻ sẽ góp phần tạo nên một mạng lưới khoa học công nghệ, giúp “định vị” nền khoa học Việt Nam trên thế giới.

Công trình nghiên cứu đáp ứng kỳ vọng của xã hội

Ngày nay, khoa học công nghệ ngày càng chiếm giữ vị trí quan trọng trước nhu cầu phát triển của con người và là tiền đề cho sự phát triển của toàn xã hội. Cụ thể, công nghệ thông tin và tự động hóa, công nghệ y-dược, công nghệ sinh học, công nghệ môi trường, công nghệ vật liệu mới... đang biến nền kinh tế tài nguyên sang kinh tế tri thức, từ nền văn minh công nghiệp sang văn minh trí tuệ. Những thành tựu trong nghiên cứu mà các nhà khoa học trẻ Việt Nam đạt được trong năm 2022 cũng không nằm ngoài quỹ đạo đó.

Nỗ lực kết nối ‘tiếp lửa’ cho nhà khoa học trẻ ảnh 1

Đại diện các khách mời chia sẻ tại chương trình "Trí tuệ Việt".

Là một trong những 'Quả Cầu Vàng' đã được vinh danh năm 2021, PGS. TS. BS Đào Việt Hằng - Phó Giám đốc Trung tâm Nội soi can thiệp, Bệnh viện ĐH Y Hà Nội đã chia sẻ về tính thực tiễn của công trình nghiên cứu khoa học mà cô cùng đồng nghiệp nỗ lực nghiên cứu, đem lại ứng dụng cao trong lĩnh vực y khoa.

BS Đào Việt Hằng có hướng nghiên cứu chính là xây dựng các thuật toán ứng dụng trí tuệ nhân tạo để sử dụng cho quá trình nội soi tiêu hóa. Khi lựa chọn hướng nghiên cứu này, cô cùng cộng sự đã trăn trở rất nhiều về giải pháp làm sao để giảm tỷ lệ tổn thương trong quá trình nội soi cho bệnh nhân. Trong khi, các nước trên thế giới đã được trang bị hệ thống trí tuệ nhân tạo, máy móc hiện đại để bác sĩ được hỗ trợ, phát hiện nhanh các tổn thương trong quá trình nội soi.

Từ đó, cô kết hợp với nhóm nghiên cứu lĩnh vực y tế và công nghệ thông tin để xây dựng cơ sở dữ liệu lớn gồm các hình ảnh nội soi của bệnh nhân với chủng loại, chế độ ánh sáng từ các máy khác nhau (được chuyên gia là bác sĩ đầu ngành chẩn đoán) để xây dựng thuật toán phát hiện tổn thương. Khi tìm được giải pháp thiết thực từ trí tuệ nhân tạo, cô đã mở rộng, tạo hệ thống học online cho các bác sĩ địa phương vùng sâu, vùng xa được đào tạo, nâng cao tay nghề.

“Tôi cùng các đồng nghiệp trong lĩnh vực tế và công nghệ thông tin rất mong sản phẩm nghiên cứu này sẽ là cầu nối rút ngắn khoảng cách về y tế trong chính đất nước chúng ta, giúp người bệnh được chẩn đoán, điều trị kịp thời”, PGS. TS. BS Đào Việt Hằng chia sẻ.

Nỗ lực kết nối ‘tiếp lửa’ cho nhà khoa học trẻ ảnh 2

PGS. TS. BS Đào Việt Hằng và TS Chu Đức Hà chia sẻ trong chương trình.

Với lĩnh vực nông nghiệp, bài toán đơn giản hóa sức lao động cho người nông dân đi kèm với chất lượng và thu nhập ổn định cũng được nhiều người quan tâm và kỳ vọng vào sự nghiên cứu của các nhà khoa học. Nổi bật trong 10 Tiến sĩ được nhận danh hiệu 'Quả Cầu Vàng' năm nay, TS Chu Đức Hà - Giảng viên khoa Công nghệ Nông nghiệp, trường ĐH Công nghệ (ĐHQG Hà Nội) đã ghi danh công trình nghiên cứu về giống lúa mới, giúp giải được bài toán khó trong nông nghiệp.

Cụ thể, anh ứng dụng công nghệ tin sinh học để tìm ra các gien tiềm năng liên quan đến cơ chế chống chịu điều kiện bất thuận để tạo ra những nguồn gien quý, phát triển giống cây trồng ứng phó biến đổi khí hậu thông qua các công cụ chọn giống phân tử hiện đại.

Từ những ý tưởng trên giấy A4, anh đã nỗ lực cụ thể hóa và cho ra đời 2 giống lúa (hiện giống lúa SHPT3 do anh nghiên cứu đã được Bộ NN & PTNT công nhận là giống chính thức cho sản xuất tại các tỉnh phía Bắc); một quy trình kỹ thuật cải tiến giống lúa cho năng suất cao và chịu được các điều kiện thời tiết khắc nghiệt như hạn, mặn… Bởi trước đây, nếu trồng ở vùng biển bị ngập mặn, nông dân sẽ bị mất năng suất, nhưng với quy trình mới sẽ làm cho cơ chế chịu đựng của giống thích nghi môi trường, lại cho năng suất cao hơn. Điều này không chỉ giúp bà con nông dân mà còn góp phần đảm bảo an ninh lương lực quốc gia.

Không chỉ công trình nghiên cứu của PGS. TS. BS Đào Việt Hằng và TS Chu Đức Hà có đóng góp thiết thực cho xã hội, mà nhiều nhà khoa học trẻ khác, đặc biệt là các TS được vinh danh với giải thưởng Khoa học Công nghệ qua các năm cũng đều đáp ứng được kỳ vọng của xã hội trong nền kinh tế tri thức.

Đại diện cơ quan thường trực của Giải thưởng, anh Nguyễn Thiên Tú - Giám đốc Trung tâm Phát triển Khoa học và Công nghệ Tài năng trẻ (thuộc T.Ư Đoàn) cho rằng, một trong những mục tiêu quan trọng đó là phát huy hết khả năng của các nhà khoa học trẻ. Và sau khi nhận danh hiệu cao quý này, các nhà khoa học cần tích cực và sáng tạo hơn nữa, thể hiện bằng hành động, việc làm cụ thể chứ không đơn thuần là “được đưa ra ánh sáng tuyên dương” rồi lại thôi.

“Sau nhiều năm tổ chức giải thưởng, tôi nhận thấy, điểm chung của các 'Quả Cầu Vàng' đó là đều có khát khao tìm hiểu về khoa học công nghệ, mong muốn được đem sức mình đóng góp cho sự phát triển của đất nước và ngày càng có nhiều nghiên cứu ứng dụng được vào thực tiễn”, anh Nguyễn Thiên Tú nói thêm.

Tăng cường kết nối, “tiếp lửa” cho nhà khoa học trẻ

Là một 'Quả Cầu Vàng', PGS. TS. BS Đào Việt Hằng nhận thức được nhiệm vụ phát triển nghiên cứu khoa học không còn là câu chuyện của riêng mình mà cần cùng các nhà khoa học trẻ viết nên câu chuyện truyền cảm hứng tới các em sinh viên khác có niềm tin, đam mê nghiên cứu.

Nỗ lực kết nối ‘tiếp lửa’ cho nhà khoa học trẻ ảnh 3

Anh Nguyễn Thiên Tú - Giám đốc Trung tâm Phát triển Khoa học và Công nghệ Tài năng trẻ (T.Ư Đoàn).

Với tư cách là người đã đạt được giải thưởng và là Chủ tịch Mạng lưới Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu, BS Hằng mong muốn có thể kết nối được nhiều hơn các nhà khoa học trẻ trong và ngoài nước, nhà khoa học chuyên làm nghiên cứu đơn thuần với những nhà khoa học hoạt động lĩnh vực khác, các trường đại học, các nhà hoạch định chính sách, các viện nghiên cứu…

Bởi cô nhận thấy, mỗi nhà khoa học sẽ có thế mạnh riêng và rất chuyên sâu trong khi muốn được vươn ra thế giới hoặc công trình đi được đến thực tiễn lại là con đường dài và cần sự ủng hộ, chung tay không chỉ của cộng đồng mà còn các nhà hoạch định chính sách. Sản phẩm khoa học có được phép sử dụng hay không, cơ chế, pháp lý, kinh phí để thực hiện đề tài nghiên cứu của mình hay làm sao để bảo vệ tính toàn vẹn, chất xám khi xây dựng bằng sáng chế… là những trăn trở chung của các nhà khoa học. Vì vậy, sự kết nối đó là rất cần thiết để tạo nên hệ sinh thái, môi trường nghiên cứu khoa học bền vững.

“Tôi tin, trong thời gian tới, với sức ảnh hưởng của Giải thưởng Khoa học công nghệ 'Quả Cầu Vàng' sẽ có sự chung tay của các bộ, ban, ngành, các mạng lưới trí thức trẻ, tài năng trẻ hình thành tập hợp vững mạnh của các nhà khoa học để cùng “định vị” được vai trò của khoa học Việt Nam trên thế giới”, nhà khoa học nữ khẳng định.

Sau nhiều năm tổ chức Giải thưởng, sự kết nối cũng là từ khóa mà T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh luôn hướng đến để cụ thể hóa, đẩy mạnh hơn nữa trong hoạt động Đoàn và nghiên cứu khoa học của các tài năng trẻ. Anh Nguyễn Thiên Tú cho biết, thông qua Giải thưởng, các nhà khoa học cũng có cơ hội giao lưu, chia sẻ nhiều hơn về dự định nghiên cứu khoa học trong tương lai, kết nối với doanh nghiệp để có thêm không gian, dữ liệu nghiên cứu, từ đó phát hiện thêm các giải pháp phát triển thiết thực phục vụ cho trong cuộc sống.

Trưởng thành từ công tác Đoàn, TS Chu Đức Hà cũng thừa nhận, sự kết nối trong nghiên cứu khoa học là thật sự cần thiết để tạo nên “hệ sinh thái” phát triển khoa học công nghệ bền vững.

“Tôi cũng đã kết hợp giữa công tác Đoàn với nghiên cứu khoa học, giữa các đoàn viên, đoàn trường, tỉnh đoàn để thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp sáng tạo trong sinh viên, hình thành nên mạng lưới sinh viên nghiên cứu khoa học trong nhiều lĩnh vực. Từ đó, các bạn có cơ hội học hỏi, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau trong quá trình phát triển nghiên cứu của mình”, Bí thư Liên chi đoàn khoa Công nghệ Nông nghiệp, trường ĐH Công nghệ, ĐHQG Hà Nội chia sẻ.

Qua 19 năm tổ chức, Giải thưởng KHCN 'Quả Cầu Vàng' đã thu hút được đông đảo sự quan tâm, huy động và phát huy nguồn lực toàn xã hội đối với công tác phát hiện, bồi dưỡng, phát huy tài năng trẻ trong lĩnh vực KHCN, xây dựng đội ngũ nhân tài cho đất nước. Những gương mặt được phát hiện và thắp sáng từ Giải thưởng đã thực sự được tiếp sức để đạt tới những kết quả cao hơn trong học tập, nghiên cứu, ứng dụng KHCN.

Phát triển nguồn nhân lực nói chung và nguồn nhân lực KHCN nói riêng là yếu tố quan trọng nhất để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Chúng ta cần phải phát triển đồng bộ cả nguồn nhân lực KHCN lẫn cơ sở vật chất nghiên cứu và hoàn thiện cơ chế, chính sách KHCN, trong đó việc phát triển nguồn nhân lực có ý nghĩa quyết định.

Tin liên quan