Nô lệ thời hiện đại

Nô lệ thời hiện đại
TP - Thế giới hiện đại của chúng ta ngày nay vẫn còn có tới 29 triệu người đang phải sống kiếp nô lệ - bị đem ra trao đổi như hàng hóa và sống trong cảnh bị ngược đãi cả về tinh thần và thể xác.

> 30 triệu người sống như nô lệ hiện đại

Những con số mà bảng xếp hạng về “nô lệ thời hiện đại” ở 162 quốc gia trên thế giới do Walk Free Foundation công bố hôm 17/10 vừa qua, tuy mới chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm” cũng đã khiến cả thế giới giật mình.

Điều đáng nói là tình trạng này không chỉ xảy ra ở thế giới thứ ba, mà ngay cả các nước phát triển ở phương Tây cũng đang chứng kiến sự gia tăng của một bộ phận “nô lệ thời hiện đại”.

Nhắc đến nô lệ, người ta nghĩ đến những người da màu làm việc quần quật trong các đồn điền, bị ngược đãi, đánh đập, sống trong những túp lều rách nát từ thế kỷ 18. Thực tế, trong xã hội văn minh như ngày nay, những cảnh này vẫn xảy ra khắp thế giới.

Phụ nữ, trẻ em, thậm chí cả nam giới (chiếm tới 40%), bị biến thành nô lệ tình dục, là vật tiêu khiển cho các “chủ nô” hiện đại, phải làm việc quần quật không công. Nguy hiểm hơn, nhiều người thậm chí trở thành nạn nhân của bọn tội phạm buôn bán nội tạng người.

Điều đáng nói, hiện tượng này ngày càng trở nên phổ biến ngay cả những nước phát triển như Mỹ và châu Âu vốn luôn đề cao các giá trị nhân văn, dân chủ.

Theo thống kê mới đây của chính phủ Anh, mỗi năm có tới 4.000 người được phát hiện đang phải sống trong cảnh làm nô lệ. Đó còn chưa kể đến hàng trăm, hàng nghìn trường hợp vẫn chưa được biết đến.

Đa số họ là người dân nhập cư từ các nước Đông Âu, tìm đến Anh để mong một tương lai tốt đẹp hơn. Nguồn gốc của tình trạng này chính là hoạt động buôn người đã phát triển rộng khắp, biến thành một thế giới ngầm không thể kiểm soát và có quy mô vô cùng lớn.

Trên thực tế, nguồn lợi từ hoạt động vô nhân đạo này chỉ đứng sau buôn bán ma túy và vũ khí. Về phía các nạn nhân, ngoài những người bị lừa gạt, không ít người buộc phải bán mình cho các tổ chức buôn người vì điều kiện kinh tế quá khó khăn.

Khoa học kỹ thuật ngày càng phát triển, nhiều người lo về viễn cảnh con người trở? thành nô lệ của máy móc. Nhưng có vẻ lo lắng đó trở?nên hơi sớm và hơi thiếu thực tế, khi có vẻ như ngày càng có nhiều người muốn xã hội quay lại cái thời người bóc lột người.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG