Buổi chiều cuối năm, trời se lạnh. Hàng cây khô trơ trọi lá xa cành. Cửa phòng xử gió lùa vào hờ hững cũng khiến buốt giá tâm hồn những người trong cuộc đang có mặt tại tòa.
Người phụ nữ khoảng 30 tuổi, váy áo sang trọng đứng trước tòa không thôi rơi nước mắt khi trình bày về cuộc hôn nhân của mình. “Khi tôi quyết tâm phát triển kinh doanh để cuộc sống gia đình sung túc hơn thì anh không những không phụ giúp tôi mà còn đòi ly hôn” - chị ấm ức.
Gia đình anh chị vốn êm đềm, hạnh phúc. Những chuyện không thể chia sẻ với bạn bè, cha mẹ, họ đều mang ra để lấy lời khuyên của nhau. Chồng quan tâm đến vợ qua những nhìn nhận hàng ngày về trang phục, cách trang điểm. Vợ thương chồng qua những bữa cơm nóng với món ăn chồng yêu thích.
Nhưng kinh tế khó khăn cứ ám ảnh chị mãi, khiến chị luôn thấy bức bối. Chị muốn có tiền để làm nhiều việc, mua nhà mới, xe mới, vợ chồng con cái đi du lịch, hiếu thảo với cha mẹ hai bên. Hai vợ chồng đều là viên chức nhà nước, ngoài thu nhập từ công việc thì họ không còn khoản thu nào khác. Cả hai phải sống tiết kiệm, chắt chiu đến mức bận bịu cả ngày để suy nghĩ xem với số tiền này thì ưu tiên việc nào trước.
Mỗi khi có cưới hỏi, tân gia, thôi nôi, cha ốm mẹ đau hay bạn bè ở xa đến là vợ chồng chị “tá hỏa”, nhiều khi phải vay mượn xài trước, đợi đến kỳ lương sẽ trả. Lại thêm hai đứa con gái đã vào tuổi mẫu giáo, chi phí cứ đội lên mà thu nhập thì tăng nhỏ giọt.
Chị bàn với anh bỏ việc nhà nước, ra ngoài kinh doanh quán cơm văn phòng. Anh không ủng hộ nhưng tạm thời chưa nghĩ ra cách khả thi để thay đổi điều kiện kinh tế nên cũng không cản.
Công việc của chị phát triển. Suất cơm bán tại chỗ tăng lên mỗi ngày, khách gọi giao hàng cũng ngày càng đông, chưa kể lợi nhuận từ việc bán thức uống tại quán.
Để phát triển kỹ năng, chị còn sang nước ngoài học thêm một số bí quyết về nấu ăn và kinh doanh. Công việc phát đạt nhưng lại tỉ lệ nghịch với thời gian chị dành cho chồng con. Có lẽ vì vậy mà anh cảm thấy hụt hẫng vì mọi thứ thay đổi quá nhanh.
Kể từ đó, anh nhậu nhẹt triền miên, nhiều khi sang ngày mới mới về đến nhà. Rồi cũng đến ngày anh đưa chị tờ đơn ly hôn.
Trước tòa, anh giữ nguyên yêu cầu ly hôn, chuyện con cái, tài sản cả hai sẽ tự giải quyết: “Nhiều lần tôi một mình ăn cơm, con thì ở trong phòng học. Tôi cô đơn vô cùng. Tôi có nói với cô ấy tâm sự của mình. Cô ấy bày tỏ sự áy náy nhưng rồi lại cuốn theo vòng xoáy của công việc. Kết cục là con cái thiếu bàn tay chăm sóc, yêu thương của mẹ mà thành ra bê trễ học hành”.
“Tôi vẫn còn yêu nhưng tôi không chấp nhận được cuộc sống cứ thế này mãi. Vợ chồng ở chung một nhà mà gặp mặt còn ít hơn gặp hàng xóm. Tôi yêu bữa cơm giản dị đầm ấm gia đình, còn cô ấy thì không bao giờ đáp ứng được điều đó” - anh trình bày.
Công việc cuốn chị đi, cho đến một ngày, anh đưa chị tờ đơn ly hôn...
Tòa hỏi chị có đưa ra phương án nào để hòa giải mâu thuẫn không.
Chị cho biết muốn “vứt bỏ tất cả để về với gia đình nhưng không còn kịp nữa vì anh đã có người khác”.
Anh thừa nhận đúng là mình đã có người khác - chuyện mà anh đã chối khi chị đưa ra tại các phiên hòa giải. Anh cho biết đây cũng chỉ là kết cục của những tháng ngày buồn bã, thui thủi một mình. Anh xin lỗi chị và mong rằng tòa hãy giải quyết cho anh chị đường ai nấy đi bởi anh còn phải có trách nhiệm với người mới.
Nghe đến đây, chị òa khóc, nói như van xin: “Anh hãy quay về bên em đi. Bỏ hết, bỏ hết. Chúng ta lại bên nhau như ngày xưa”. Nhưng dường như không còn kịp nữa rồi.
Cả hai ra vẻ, không ai nói với ai lời nào. Đường phố thưa người, chị gói chút niềm riêng lững thững bước vào xe hơi. Tiếng chuông nhà thờ vang lên thổn thức. Đêm nay có lẽ lại là đêm chị trăn trở vì chuyện mưu sinh và hạnh phúc có vẻ đang dần vượt khỏi tầm tay.