Ninh Thuận cưỡng chế đất bán đấu giá giữa dịch COVID - 19

Ninh Thuận cưỡng chế đất bán đấu giá giữa dịch COVID - 19
TPO - Trong khi nhiều hộ dân có đất xung quanh khu vực Bảo tàng tỉnh Ninh Thuận chưa được nhận đất tái định cư, UBND TP Phan Rang - Tháp Chàm (Ninh Thuận) đã vội vã cho cưỡng chế thu hồi đất của người dân để đấu giá làm đất dịch vụ kinh doanh giữa dịch COVID - 19.

Cưỡng chế đất của dân giữa mùa dịch bệnh

Những ngày vừa qua, UBND TP Phan Rang - Tháp Chàm đã tổ chức cưỡng chế nhà, đất của 11 hộ dân tại khu vực đường Hoàng Diệu và Nguyễn Công Trứ (phường Tấn Tài, TP Phan Rang - Tháp Chàm) ngay giữa lúc người dân và chính quyền tỉnh này đang ra sức chống dịch COVID - 19. Theo đó, TP Phan Rang - Tháp Chàm đã tổ chức lực lượng hàng chục người với 2 máy ủi đã cưỡng chế nhà của 5 hộ dân, 6 hộ dân còn lại có đơn xin tự tháo dỡ nên chưa bị cưỡng chế.

Bà Võ Huỳnh Phương Thảo (ở phường Tấn Tài, mẹ của 2 hộ dân bị thu hồi đất là Nguyễn Vĩnh Huy và Nguyễn Võ Phương Hoàng) cho biết: “Trong lúc cả tỉnh đang ra sức chống dịch, sáng ngày 25 và 26/3/2020, UBND TP Phan Rang - Tháp Chàm đã điều động hàng chục người cùng các xe máy múc tiến hành cưỡng chế thu hồi đất, phá dỡ nhà của các hộ dân nằm bên kia trục đường Hoàng Diệu và bên kia trục đường Nguyễn Công Trứ. Căn cứ vào sơ đồ điều chỉnh quy hoạch xây dựng tỷ lệ 1/500 được niêm yết công khai dự án đặt tại khuôn viên nhà Bảo tàng tỉnh cho thấy, đất 53 hộ dân bị thu hồi đất đều nằm ngoài ranh giới dự án xây dựng quần thể Tượng đài - Quảng trường - Bảo tàng tỉnh Ninh Thuận”.

Ninh Thuận cưỡng chế đất bán đấu giá giữa dịch COVID - 19 ảnh 1  
Ninh Thuận cưỡng chế đất bán đấu giá giữa dịch COVID - 19 ảnh 2 TP Phan Rang - Tháp Chàm tổ chức lực lượng cưỡng chế nhà của dân

Trong khi nhiều hộ dân có đất xung quanh khu vực Bảo tàng tỉnh Ninh Thuận chưa được nhận đất tái định cư, UBND TP Phan Rang - Tháp Chàm đã vội vã cho đấu giá đất của họ để làm đất dịch vụ kinh doanh. Cụ thể, ngày 22/6/2017, ông Bùi Văn Phú - Chủ tịch UBND TP Phan Rang - Tháp Chàm, ban hành Quyết định số 928 phê duyệt quy hoạch tổng thể mặt bằng sử dụng đất xung quanh bảo tàng tỉnh vào mục đích đất dịch vụ thương mại, bán đấu giá. Sau đó, TP Phan Rang - Tháp Chàm đã bán đấu giá 6 lô đất ký hiệu B1, B2, B3, C1, C2 và C3 bên kia trục đường Nguyễn Công Trứ được hơn 36,2 tỷ đồng.

Trước câu hỏi vì sao tiến hành thu hồi đất từ 2013 mà đến 2017 UBND TP Phan Rang - Tháp Chàm mới ban hành quyết định 928 phê duyệt quy hoạch tổng thể mặt bằng tạo quỹ đất dịch vụ thương mại bán đấu giá và có hay không việc thu hồi đất trước quy hoạch sau? Ông Trần Minh Thái - Phó chủ tịch UBND TP Phan Rang - Tháp Chàm cho biết, Quyết định số 928 của UBND TP Phan Rang - Tháp Chàm không liên quan đến việc thu hồi đất của các hộ dân để thực hiện dự án đầu tư xây dựng hạ tầng xung quanh khu vực Bảo tàng tỉnh Ninh Thuận(!?).

Ninh Thuận cưỡng chế đất bán đấu giá giữa dịch COVID - 19 ảnh 3 Đất của người dân ở đường Nguyễn Công Trứ được bán đấu giá cho cá nhân xây dựng trung tâm tiệc cưới

Làm đường khi đã có đường?

Được biết, vào năm 2003, UBND tỉnh Ninh Thuận đã giao cho Sở VH-TT&DL tỉnh làm chủ đầu tư dự án hạ tầng xung quang khu vực Quảng trường, tượng đài và Bảo tàng tỉnh Ninh Thuận để nhằm mục tiêu đưa TP Phan Rang - Tháp Chàm trở thành đô thị loại 2. Theo phản ánh của người dân, đến năm 2012 thì dự án này kết thúc và những con đường quanh khu vực Bảo tàng tỉnh Ninh Thuận gồm đường Nguyễn Công Trứ, Hoàng Diệu và Nguyễn Tri Phương (phường Tấn Tài, TP Phan Rang - Tháp Chàm) cũng được xây dựng xong.

Tuy nhiên, đến ngày 8/3/2013, UBND TP Phan Rang - Tháp Chàm lại ban hành quyết định số 422 có nội dung chính là đầu tư xây dựng 3 tuyến đường Hoàng Diệu, Nguyễn Công Trứ và Nguyễn Tri Phương cùng với hai trục nội bộ N3, N4 với tổng mức đầu tư hơn 88 tỷ đồng. Trả lời câu hỏi của PV báo Tiền Phong vì sao đường quanh bảo tàng tỉnh đã được xây dựng nhưng vẫn tiếp tục lập dự án làm đường? Ông Trần Minh Thái - Phó chủ tịch UBND TP Phan Rang - Tháp Chàm cho biết, tại thời điểm UBND TP Phan Rang - Tháp Chàm ban hành quyết định 422 thì 3 trục đường chính xung quanh bảo tàng tỉnh chưa được đầu tư, hiện trạng là đường đất và ruộng (!?).

Ninh Thuận cưỡng chế đất bán đấu giá giữa dịch COVID - 19 ảnh 4 Bức ảnh của bà Phương Thảo chụp cho thấy đường Hoàng Diệu đã được làm trước năm 2013

Nhưng bà Võ Huỳnh Phương Thảo cho biết, 3 trục đường này đã được xây dựng xong vào năm 2012. Để chứng minh cho điều này, bà Thảo đã cung cấp cho chúng tôi quyết định số 8749 của UBND TP Phan Rang - Tháp Chàm ký ngày 30/6/2003 về việc thu hồi đất để làm dự án trên và hình ảnh hiện trạng con đường đường Hoàng Diệu vào năm 2013. Bức hình bà Thảo chụp con đường Hoàng Diệu vào năm 2013 cũng cho thấy con đường này đã làm hoàn thiện trước đó.

Cũng theo bà Thảo, tại thông báo 81 ngày 15/8/2013 của UBND TP Phan Rang - Tháp Chàm về thu hồi đất của 53 hộ bị ở bên kia trục đường Hoàng Diệu và bên kia trục đường Nguyễn Công Trứ thể hiện: Có 14 hộ đất có nhà ở, 37 hộ đất trồng cây lâu năm và 2 hộ đất trồng lúa nước với tổng diện tích là 1.173,3m2, chiếm tỉ lệ 5,8%. Cả 53 hộ đều có Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và đất, đất nông nghiệp, đất trồng cây lâu năm. Vì thế, phần đất bên kia trục đường Hoàng Diệu là đất dân cư có nhà ở, đất trồng cây lâu năm chứ không phải là đất ruộng lúa như ông Trần Minh Thái đã trả lời PV báo Tiền Phong.

Bán đất của dân để lấy tiền làm vốn đối ứng?

Trao đổi với PV báo Tiền Phong về lý do bán đấu giá đất thu hồi của dân, ông Phạm Văn Hậu - Phó chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, lại cho biết: Dự án xây dựng hạ tầng quanh khu vực Bảo tàng tỉnh Ninh Thuận được thực hiện bằng nguồn vốn vay Ngân hàng Phát triển châu Á, vì thế tỉnh phải thực hiện bán đấu giá đất để lấy tiền làm vốn đối ứng. Khi PV hỏi vì sao chỉ bán đấu giá đất khu vực đường Hoàng Diệu và Nguyễn Công Trứ, còn khu vực đất cạnh đường Nguyễn Tri Phương không thu hồi đất mà vẫn để người dân kinh doanh dịch vụ bình thường, ông Hậu cho biết sau này sẽ thu hồi đất khu vực này để làm dự án khác. Còn dự án gì, bao giờ thu hồi đất thì ông Hậu không trả lời.

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.