Nín thở chờ bầu cử quốc hội Ukraine

 Xe bọc thép của Ukraine. Ảnh: AP
Xe bọc thép của Ukraine. Ảnh: AP
TP - Chỉ còn hơn một tháng nữa là đến ngày bầu cử Quốc hội trước thời hạn của Ukraine (26/10) nhưng cho tới nay không khí tranh cử vẫn èo uột, thậm chí cuộc bầu cử có thể bị hủy bỏ nếu chiến tranh tái phát, theo lời của Thủ tướng Ukraine Arseniy Yatsenyuk.

Hồi đầu tháng 9 vừa qua, Viện Xã hội học quốc tế Kiev (KMIS) đã công bố một thông tin gây chấn động: chỉ có 3 chính đảng vượt qua được ngưỡng 5% để có đại diện tại Quốc hội mới. 


Dẫn đầu là Khối Poroshenko của Tổng thống Petro Poroshenko (21,5%), tiếp theo là đảng Cấp tiến của cựu ứng viên Tổng thống Oleg Lyashko (7,6%) và thứ ba là đảng Lập trường công dân của cựu Bộ trưởng Quốc phòng Anatoli Grisenko. 

Ngoài ra, KMIS còn cho biết 25% người dân Ukraine chưa xác định được sẽ bầu cho ai và 15% tuyên bố sẽ không đi bầu.

Một cuộc thăm dò dư luận diễn ra gần như đồng thời và do GfK Ukraine - một Trung tâm xã hội học có uy tín không kém gì KMIS - đứng ra thực hiện lại cho một kết quả khác hẳn. 

Theo GfK, có tới 6 chính đảng có thể vượt qua được ngưỡng 5% - đó là Khối Poroshenko (16%), đảng UDAR của Thị trưởng Kiev Klitchko (6%), đảng Cấp tiến (14%), đảng Batkivshina của Nữ hoàng khí đốt Yulia Timoshenko (13%), đảng Lập trường Công dân (7%) và đảng Ukraine mạnh (6%).

Theo nhận định của các nhà phân tích, kết quả khác nhau của 2 cuộc thăm dò dư luận trên cho thấy tình hình phức tạp trong nước đã khiến cử tri không quyết định nổi nên bầu cho chính đảng nào. 

Họ trong tâm trạng băn khoăn lưỡng lự. Chẳng hạn, nếu hoà bình ở Donbass được duy trì cho tới ngày bầu cử thì cử tri sẽ dồn phiếu cho Khối Poroshenko, nhưng nếu chiến tranh lại bùng nổ thì lợi thế sẽ thuộc về các đảng có quan điểm cứng rắn.

Hơn thế nữa, một vấn đề lớn đặt ra trước các chính đảng là tương lai của miền Đông Ukraine. Cụ thể, liệu các cử tri ở 2 nước Cộng hoà tự phong Lugansk và Donetsk có điều kiện tham gia cuộc bầu cử Quốc hội ngày 26 tháng 10 hay không. 

Tổng thống Poroshenko dĩ nhiên rất muốn cuộc bầu cử Quốc hội sẽ được tổ chức cả trên lãnh thổ miền Đông. Nhưng các nhà lãnh đạo 2 nước Cộng hoà này đã tuyên bố rõ là họ kiên quyết đấu tranh đòi độc lập và bởi vậy sẽ không cho phép chính quyền Kiev tổ chức bầu cử trên lãnh thổ của họ. 

Đấy là chưa kể một thực tế là tuy hiệp định đình chiến giữa chính quyền Kiev và lực lượng nổi dậy ở miền Đông đã được ký kết nhưng nguy cơ chiến tranh bùng phát trở lại vẫn chưa bị loại bỏ chắc chắn. 

Trong cuộc trả lời phỏng vấn mới đây, Thủ tướng Ukraine Arseniy Yatsenyuk không loại trừ khả năng áp dụng tình trạng thiết quân luật tại Ukraine. 

Ông nói rõ là nếu cuộc đình chiến hiện nay cũng sẽ kết thúc như những cuộc đình chiến trước đây (tức là chiến tranh lại tái phát) thì chắc chắn Ukraine sẽ phải tuyên bố thiết quân luật. Khi đó, cuộc bầu cử Quốc hội sẽ phải huỷ bỏ. 

Chính nguy cơ tiềm ẩn này đã khiến các chính đảng trì hoãn việc tổ chức đại hội để đề xuất danh sách ứng viên của đảng mình cũng như để chính thức mở màn chiến dịch tranh cử. 

Theo Nezavisimaia gazeta
MỚI - NÓNG
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
TPO - Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai biểu quyết, thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Phùng Ngọc Mỹ (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Ủy viên Ban cán sự đảng, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh) và ông Mai Xuân Hải (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Giám đốc Sở Y tế, nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh).