Niềm tự hào đang bị quên lãng

Niềm tự hào đang bị quên lãng
TP - Cầu Hàm Rồng (Thanh Hóa) từng có vai trò hết sức quan trọng trên tuyến giao thông Bắc- Nam, là cây cầu nổi tiếng trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam. Nhưng hiện nay, cầu đã và đang bị xuống cấp nghiêm trọng.

Dư luận đặt ra câu hỏi, liệu có phải các cơ quan chức năng, chính quyền tỉnh Thanh Hoá đang vô tình quay lưng với cây cầu có giá trị lịch sử này?

Cây cầu của những câu chuyện huyền thoại

Niềm tự hào đang bị quên lãng ảnh 1
 Mặt cầu Hàm Rồng đang bị hư hỏng nặng

Theo tài liệu lịch sử, năm 1904, lần đầu tiên người Pháp đã nối hai bờ sông Mã tại địa danh Hàm Rồng bằng việc xây dựng cầu vòm thép hiện đại bậc nhất Đông Dương lúc bấy giờ.

Năm 1946, cầu Hàm Rồng vòm được nhân dân ta cắt đứt để thực hiện chủ trương tiêu thổ kháng chiến, đánh đuổi giặc Pháp. Năm 1963, cầu Hàm Rồng mới với chiều dài 179,09m được xây dựng. Cây cầu này có vị trí là huyết mạch giao thông giữa hai miền Nam- Bắc.

Trong cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân ra miền Bắc, đế quốc Mỹ xác định cầu Hàm Rồng là điểm có thể gây ùn tắc nghiêm trọng, nên chúng đã tổ chức hơn 1.000 trận tập kích bằng không quân, ném xuống Hàm Rồng 70.600 tấn bom, bắn hàng nghìn quả tên lửa, rốc két, thả nhiều quả thuỷ lôi... nhưng cầu Hàm Rồng vẫn trụ vững.

Tại đây, quân và dân Hàm Rồng đã anh dũng chiến đấu bắn rơi hơn 100 máy bay giặc. Sau chiến tranh, cầu Hàm Rồng được làm lại như cầu cũ và là biểu trưng cho ý chí kiên cường, bất khuất, lòng yêu nước của nhân dân xứ Thanh. 

Nhiều sự kiện lịch sử chiến đấu, bảo vệ và gìn giữ cầu Hàm Rồng vẫn còn lưu giữ. Nhiều cô gái tuổi mười tám, đôi mươi của làng Yên Vực (xã Hoàng Long cũ, nay là thị trấn Tào Xuyên, huyện Hoằng Hoá) dưới chân núi Ngọc đã hy sinh anh dũng dưới làn mưa bom, bão đạn của kẻ thù khi đang làm nhiệm vụ.

Những người còn sống sót thì coi cầu Hàm Rồng như biểu tượng của sức mạnh niềm tin về một cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc. Đó là những cô gái vì tình yêu tổ quốc, cất cao lời thề tinh thần thép để bảo vệ, giữ vững cầu Hàm Rồng vì sự nghiệp chung của đất nước.

Hoà bình lập lại, suốt nhiều năm qua, biểu tượng cây cầu Hàm Rồng đã gắn bó với sự phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội của tỉnh Thanh Hoá. Cầu Hàm Rồng xuất hiện trên các trang sử vàng, điệu hò sông Mã, lôgô in trên sản phẩm của của nhiều doanh nghiệp...

Năm 2001, khi cầu Hoàng Long được đưa vào sử dụng, ngoài việc duy trì tuyến đường sắt Bắc- Nam, các hoạt động giao thông khác qua cầu Hàm Rồng đã giảm. Do không được đầu tư bảo dưỡng, nên cầu Hàm Rồng vốn quá cũ lại càng xuống cấp nhanh chóng.

Cầu xuống cấp nghiêm trọng, chính quyền thờ ơ

Niềm tự hào đang bị quên lãng ảnh 2
Lan can cầu Hàm Rồng bị hư hỏng nặng

Nhiều vết lở, xói mòn xuất hiện ở đế, chân cầu Hàm Rồng theo thời gian. Bên cạnh đó, nhiều năm qua 2 bên bờ nam và bắc cầu đã bị nhiều đối tượng dò tìm sắt phế liệu đào bới, khoét sâu vào chân móng cầu bằng nhiều cách để cưa, bẻ sắt để đem bán sắt vụn.

Không được chính quyền địa phương quan tâm đúng mức, cầu Hàm Rồng xuống cấp nghiêm trọng. Không ít người dân và du khách đi qua đây xót xa trước “hình hài biến dạng” của một chứng tích lịch sử. 

Hiện nay, mỗi ngày có hàng trăm lượt xe tải trọng lớn và 28 đến 30 chuyến tàu đi qua cầu Hàm Rồng. Vì đã cũ nên mỗi khi có xe ô tô trọng tải lớn đi qua, cầu Hàm Rồng lại rung lên bần bật, mặt cầu đã và đang vỡ ra từng mảng, lan can cầu bị mục nát, rơi rụng; cột đèn và cả tấm biển đề tên cầu cũng không còn. Mỗi khi tàu chạy qua, dù tốc độ tàu chạy đã giảm nhưng vẫn phát ra những âm thanh của các tay chằng đỡ thân cầu. Có cảm giác như cầu có thể sập bất cứ lúc nào.

Những xe ô tô tải lớn đi qua thì mặt cầu rung lên. Đáng chú ý, một loạt vụ trộm cắt thép ở trên, gầm cầu đã diễn ra khiến cho cây cầu càng thêm rách nát. Gầm 2 bên chân cầu thì nham nhở, nhiều khối sắt bị cưa, tháo dỡ để đem bán sắt vụn.

Nhiều người dân còn chứng kiến các tay thợ chài chuyên nghiệp lợi dụng âm thanh khi tàu chạy qua vào đêm rồi dùng nổ mìn ốp để vớt cá dưới chân gầm cầu. Bên cạnh đó, 2 bên dòng chảy, mặc dù đây không phải là nơi được phép hút cát làm vật liệu xây dựng, nhưng nhiều năm qua, nhiều hộ dân vẫn ngang nhiên hút cát khiến cho cây cầu này có nhiều mối nguy hiểm.

Khi cầu Hoàng Long đi vào hoạt động, cầu Hàm Rồng được Bộ GTVT trả về tỉnh Thanh Hoá quản lý. Tỉnh Thanh Hoá đã bàn giao quản lý đoạn đường bộ nối phía bắc cầu cho huyện Hoằng Hoá, đoạn đường bộ nối phía nam cầu cho TP Thanh Hoá, còn cầu Hàm Rồng (cả khu vực đường sắt và khu vực đường bộ) vẫn do Cty quản lý đường sắt Thanh Hoá quản lý.

Ông Nguyễn Như Bình, Giám đốc Cty quản lý đường sắt Thanh Hoá cho biết: Do kinh phí hạn chế nên việc duy tu, bảo dưỡng cầu Hàm Rồng gặp nhiều khó khăn. Đơn vị chỉ thực hiện thay các tà vẹt hư hỏng, chắp vá các tà vẹt bị nứt lớn, lau dầu và thay ốc, bu lông.

Sau nhiều năm, cầu Hàm Rồng bị xuống cấp nghiêm trọng nên việc duy tu, bảo dưỡng trên không làm thay đổi nhiều tình trạng xuống cấp này. Từ năm 2003, đơn vị đã có văn bản đề nghị các cơ quan chức năng có kế hoạch sửa chữa toàn bộ cầu Hàm Rồng.

Tuy nhiên, vừa qua hạng mục công trình này mới được đưa vào kế hoạch thực hiện trong năm 2008. Nhưng kế hoạch, thời gian duy tu, bảo dưỡng cầu này cụ thể như thế nào còn phải chờ.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.