Hành trình xuyên Việt:

Những ý kiến đóng góp tâm huyết của Việt kiều cho đất nước

Những ý kiến đóng góp tâm huyết của Việt kiều cho đất nước
(TPO) Họ  đều có một mong mỏi duy nhất  là làm sao cùng nhau đoàn kết để xây dựng đất nước Việt Nam vững mạnh hơn, giàu đẹp hơn. Tiền phong online xin trích một số tâm sự của Đoàn doanh nghiệp Việt kiều tại buổi làm việc với Văn phòng Quốc hội.

Giáo sư Lê Quý, Việt kiều Australia: Đất mẹ chỉ có một !

Những ý kiến đóng góp tâm huyết của Việt kiều cho đất nước ảnh 1

Ông Lê  Quý
ảnh: Khương  Thủy

Giáo sư Lê Quý,  người đã hơn 25 giảng dạy kiến trúc tại một trường đại học ở Australia là  đại biểu “ngốn” nhiều thời gian phát biểu của đoàn doanh nghiệp Việt kiều nhất. Ông mong muốn ngày càng có nhiều người về Việt Nam  để tìm hiểu đất nước mình hơn nữa. Ông cũng muốn  nhắn nhủ với tất cả những người Việt Nam đang sống ở nước ngoài rằng, họ có thể tới nước khác để tạo lập nên quê hương thứ hai, nhưng  không bao giờ có thể tạo nên quê cha đất tổ trên quê hương thứ hai đó. Bởi đất mẹ thì chỉ có một.

Ông Lê Quý  chính là một trong những người tích cực nhất trong đoàn hành trình xuyên Việt lần đầu tiên này. Ông  đã theo đoàn từ đầu đến cuối hành trình, không bỏ một chặng nào. Vợ ông, một người Australia 100% cũng đi theo ông trong hành trình này, nhưng vì lý do công việc và hết hạn visa    nên không thể theo hết cuộc hành trình. Ông tiễn vợ ra sân bay về Australia, rồi lại hối hả đuổi theo đoàn. Ước mong duy nhất của ông hiện nay là  trong vòng 5-10 năm nữa còn sức khỏe để làm việc và đóng góp một chút gì nho nhỏ cho các công trình của nhà nước, dù chỉ với tư cách tư vấn và thù lao không bằng làm cho bên ngoài. 

Trần Anh Dũng, Việt kiều ở Italia: Hãy cho  Việt kiều có được sự  bình đẳng như những người  trong nước.

Vì họ  mong muốn làm việc để đóng góp kinh tế cho nước nhà. Đây là tấm lòng của họ đối với quê hương. Riêng cá nhân tôi, đã kêu gọi tất cả bạn bè nước ngoài và Việt kiều về đây đóng góp cho đất nước nhiều hơn nữa. Theo tôi, sở dĩ  đầu tư của Việt kiều về nước còn khiêm tốn vì rất nhiều vốn đầu tư trước đây phần lớn đều  là  đầu tư chui (thông qua gia đình của họ  ở Việt Nam). Trong tương lai, với sự mở cửa của nhà nước, tôi nghĩ rằng sẽ càng ngày càng có nhiều người về đầu tư tại VN.

Những ý kiến đóng góp tâm huyết của Việt kiều cho đất nước ảnh 2
Ông Huỳnh Minh Bắc  

Huỳnh Minh Bắc, Việt kiều tại Đức: VTV4 nên mở thêm mục Cơ hội   đầu tư  vào  Việt Nam

Các thông tin, chính sách của nhà nước ta kêu gọi kiều bào về đầu tư  cũng như việc giới thiệu  các dự án của Việt kiều đã, đang và sẽ đầu tư tại VN cần được đưa tin thường xuyên cho bà con Việt kiều được biết. Chính sách lưu trú và visa cũng cần  cởi mở hơn, nên chăng miễn thị thực của cộng đồng người Việt ở nước  ngoài khi về nước ?

Chúng ta đã miễn được thị thực trong vòng 30 ngày cho công dân  Nhật  Bản và Hàn Quốc, tại sao nhà nước ta không mở sự đi lại cho thuận lợi cho kiều bào. Từ sự đi lại thuận lợi ấy, sẽ đem lại cảm tình, sự gắn với cội rễ, tạo cảm giác không có ranh giới giữa đồng bào trong và ngoài nước. Tiềm năng của cộng đồng người Việt ở nước ngoài là rất lớn, trước hết  đó là chất xám   và trình độ quản lý. Cần có chính sách làm sao kêu gọi được hai tiềm năng này, chưa nói gì đến vốn.

Những ý kiến đóng góp tâm huyết của Việt kiều cho đất nước ảnh 3
Ông Nguyễn Ngọc Mỹ

Nguyễn Ngọc Mỹ, Việt Kiều Australia: Chính sách về Việt kiều cần  thực tế hơn. 

Từ năm 1992 về nước đến nay, tôi  đã có đóng góp trong nhiều lĩnh vực tại VN. Qua thời gian, tôi nhận thấy, chính sách về Việt kiều từ trước tới nay là rất tốt, nhưng về ứng dụng cũng cần có một chút thực tế hơn. Ví dụ như cho mua nhà. Thực ra tôi cũng chưa mua căn nhà nào cả, mặc dầu tôi về đây bao nhiêu năm. Chúng tôi chỉ được mua một căn nhà trong khi tôi có tới 9 công ty nằm rải trên toàn quốc. Nhưng cần nhất là cho những người tuổi đã về già, lá rụng về cội. Họ có một số tiền lương lớn từ quĩ   lương hưu ở nước ngoài...

Cần phải đưa ra chính sách dễ dàng hơn giúp Việt kiều có thể đầu tư bài bản, tránh đầu tư chui.  Đầu tư chui rất nguy hiểm, nhà nước không thể kiểm soát được, dẫn đến phình ra ở những chỗ không cần thiết, gây lãng phí tiền của.

Một vấn đề nữa, là  phải đơn giản hóa thủ tục, chẳng hạn tôi mới đăng ký thêm 1 chi nhánh ở Hà Tĩnh, nhưng phải tự tôi tới trình  hộ chiếu thì mới  được giao giấy phép,  chứ không giao cho bất cứ ông phó nào của tôi.   Nếu tôi ở nước ngoài,  muốn  đăng ký, mà  lại cứ phải về nước, rồi đi   đăng ký con dấu... thì rất phiền phức.

Ông Bùi Kiên Thành : Nếu 1 triệu  người Việt Nam ở bên Mỹ đều ủng hộ cho đất nước Việt Nam, không một ông Tổng thống Mỹ nào dám chống lại Việt Nam  cả.

Hiện chúng ta có tới  hơn  3 triệu người Việt Nam sống ở hơn 90 vùng lãnh thổ trên thế giới. Phần lớn trong số họ là những người ra đi sau 1975. Nếu có sự phân chia Việt kiều, thì đều bắt  nguồn từ nguyên nhân chiến tranh. (người ở bên này chiến tuyến, người ở bên kia chiến tuyến). 

Trong 4000 năm văn hiến, chưa bao giờ chúng ta có cơ hội tốt đẹp như ngày hôm nay vì hiện nay nước ta đã hoàn toàn độc lập, hoàn toàn ngang vai với toàn thể thế giới. Ngày hôm nay, dù ở  bất cứ phương trời nào, chúng ta đều có thể thực hiện những trách nhiệm của người Việt Nam đối với quê cha đất tổ.

Nếu  1 triệu Việt kiều ở bên Mỹ ủng hộ cho đất nước Việt Nam, không một ông Tổng thống Mỹ nào dám chống lại Việt Nam  cả.

Người suýt lỡ hành trình xuyên Việt

Những ý kiến đóng góp tâm huyết của Việt kiều cho đất nước ảnh 4
Anh  Vinh                      ảnh:Khương Thủy

Vừa về tới  Việt Nam để trao quà của cộng đồng người Việt tại Nga cho những nạn nhân chất độc màu da cam và kết hợp công việc, nghe nói đoàn doanh nghiệp Việt kiều đang trên đường từ Nghệ An ra Hà Nội, vợ chồng anh Vinh tất tả "bắt lõng" đoàn tại Hà Nội, kịp tham dự buổi làm việc với Văn phòng quốc hội và Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội.

Đó là vợ chồng anh Hoàng Văn Vinh và chị Nguyễn Ngọc Anh vừa từ Nga về. Anh Vinh là   Chủ tịch cộng đồng người  Việt Nam tại Ekaterinburg (thủ phủ của Uran). Cuộc gặp gỡ ở chặng cuối hành trình này là một cơ hội tốt cho anh và các doanh nghiệp  Việt kiều trao đổi thông tin  và hợp tác trong tương lai. Anh Vinh hiện là Chủ tịch Hội đồng quản trị của một nhà máy sợi ở Hà  Tây liên doanh với Trung Quốc.

Những ý kiến đóng góp tâm huyết của Việt kiều cho đất nước ảnh 5
Vợ chồng anh Vinh đang ngồi nghe Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội giới thiệu tiềm năng đầu tư
Ngày 20.11 vừa qua,  thay mặt  cộng đồng người Việt Nam tại Nga, vợ chồng anh đã  đến làng Hòa Bình tặng quà tặng cho các cháu. Anh cho biết: " Đây là hậu quả vô cùng nặng  nề do chiến tranh để lại, mà trách nhiệm đối với họ là trách nhiệm của tòan thể cộng đồng, trong đó có những người con xa Tổ quốc như chúng tôi. Nhân dịp này, một số bạn bè chúng tôi ở Nga cũng  về đầu tư lớn ở Việt Nam.  Hiện, chúng tôi muốn đóng góp công sức của mình, đặc biệt là ở Hà Nội,  xây dựng  một cái gì đó có ý nghĩa cho thành phố. Chúng tôi đang quan tâm tới các hoạt động có tính chất nhân đạo như xây dựng câu lạc bộ cho những nạn nhân chất độc màu da cam, hay quĩ cho những người già không nơi nương tựa... Một tuần trước đây, Đại sứ Việt Nam tại Nga đã mở một cuộc họp để triển khai nghị quyết 36 của Trung Ương, anh em rất ủng hộ và  tham gia nhiệt tình . Trong dịp Tết này, Hội người Việt Nam  tại Nga đã quyên góp được 19.000 USD để ủng hộ cho  nạn nhân chất độc màu da cam".

Hội người Việt  Nam tại  Nga mới được chính thức ra đời từ đầu năm 2004. Đại hội thành lập Hội người Việt Nam ở Nga  đã bầu ra 33 ban chấp hành với 9 ủy viên thường trực. Hội người Việt Nam tại Nga được  làm 7 khu vực: trọng điểm là Matxcova, Saint Peterburg, khu vực Uran và cả vùng Viễn Đông, Siberi...

Anh Vinh, người gốc Hà Tĩnh, tự giới thiệu về mình: "Tôi  đã học tập ở trường Hữu nghị các dân tộc ở Nga từ năm 1987-1993. Sau đó tôi trở  về nước một thời gian, rồi  quay lại đây làm việc. Tôi  dự định đầu tư một khu du lịch hoặc nghỉ ngơi cho nạn nhân chất độc màu da cam vì sau khi đi tìm hiểu ở làng Hòa Bình,  thấy cơ sở vật chất ở đây còn nghèo nàn... Ngày 20.11, tôi đã tuyên truyền tới cộng đồng người Việt ở Nga, trong dịp Tết này sẽ có một đoàn khoảng 25 người  tới đây tặng quà lần thứ hai."

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.