Những vũ khí chiến lược trong Thông điệp liên bang của Tổng thống Nga

Tổng thống Nga Vladimir Putin đề cập về việc thử nghiệm các vũ khí mới nhất trong Thông điệp liên bang 2018. Ảnh: Sputnik
Tổng thống Nga Vladimir Putin đề cập về việc thử nghiệm các vũ khí mới nhất trong Thông điệp liên bang 2018. Ảnh: Sputnik
Trong Thông điệp liên bang 2018, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã công bố một loạt dự án vũ khí chiến lược hiện đại mà nước này đang sở hữu. Đây được đánh giá là những siêu vũ khí, có khả năng răn đe cao và đủ sức đánh bại mọi hệ thống phòng thủ hiện có trên thế giới.

Kho vũ khí “bất khả chiến bại”

Trong bản thông điệp kéo dài gần 2 tiếng đồng hồ, Tổng thống Putin đã dành khá lớn thời lượng để nhắc tới những bước đột phá về mặt kỹ thuật quân sự của xứ sở Bạch dương. Nhà lãnh đạo Nga khẳng định nước này đã đạt được nhiều mục tiêu, trong đó có việc tăng cường tiềm lực quân sự, đầu tư sản xuất nhiều loại vũ khí mới-những loại có các tính năng kỹ thuật cho phép chúng có thể xuyên thủng hoặc vô hiệu hóa các hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ, thậm chí của bất kỳ quốc gia nào.

Trong số đó, loại vũ khí chiến lược được chú ý nhất là tên lửa hành trình sử dụng năng lượng hạt nhân. Tổng thống Putin miêu tả đây là loại “tên lửa hành trình khó theo dõi dù bay ở tầm thấp, được trang bị đầu đạn hạt nhân, có khả năng bay không giới hạn và theo các lộ trình khó xác định…”. Những tính năng như tăng tầm bắn và khả năng điều hướng nhờ hệ thống đẩy sử dụng năng lượng hạt nhân giúp loại vũ khí này có thể xuyên thủng các hệ thống phòng thủ.

Một loại vũ khí siêu vượt âm (HGV) mới có tên Avangard với phần đầu là tên lửa đạn đạo cũng gây chú ý không kém. Sau khi bay vào không gian, đầu đạn siêu vượt âm tách ra và quay trở lại quỹ đạo, nhưng không đi theo đường đạn mà “trượt” tới mục tiêu và có thể thay đổi hướng bay. Điều này cho phép đầu đạn tránh được tầm phủ sóng của radar và hệ thống đánh chặn.

Tổng thống Nga cũng giới thiệu tên lửa đạn đạo xuyên lục địa RS-28 “Sarmat”, một tên lửa nặng 200 tấn có thể mang đầu đạn hạt nhân. Đây không phải là loại vũ khí mới song được Tổng thống Putin nhấn mạnh trong bài phát biểu với khả năng xuyên thủng “hàng phòng vệ” của Mỹ. Ông cho biết, loại tên lửa này không bị giới hạn bởi tầm bắn và thậm chí còn có thể mang theo nhiều đầu đạn.

Theo nhà lãnh đạo Nga, Moscow không phải nước duy nhất đang chế tạo các vũ khí tiên tiến với những đặc tính vật lý mới. Song có mọi lý do để tin rằng nước Nga đã đi trước một bước trong phần lớn các lĩnh vực then chốt.

Phản ứng của phương Tây

Sau khi Thông điệp liên bang kết thúc, báo chí phương Tây thi nhau giật tít về sức mạnh quân sự “khó có thể bắt kịp” của Nga. Trang Euronews có bài: Ông Putin úp mở về siêu tên lửa mới "không thể bắt kịp". Trên CTVnews Canada thì viết rằng: "Châu Âu nói Tổng thống Putin quá lời về sức mạnh tên lửa"... Trong khi đó, AOL, Skynews của Mỹ và một số hãng tin châu Âu khác thì cho rằng "Châu Âu lo sợ trước uy lực tên lửa của Nga"... Kênh tin tức CNN cũng nhắc đến "tên lửa không thể đánh bại của Nga".

Tất nhiên, các nhà chức trách phương Tây cũng dùng không ít lời lẽ “hoa mỹ” để chỉ trích Nga sau màn “phô trương vũ khí”. Bộ Ngoại giao Mỹ đã cáo buộc việc Nga phát triển các loại vũ khí hạt nhân gây bất ổn là vi phạm các nghĩa vụ trong Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF). Phía Anh lại coi việc Moscow giới thiệu các loại vũ khí mới thông qua thông điệp liên bang của Tổng thống Putin là hành động "khiêu khích". Báo Telegraph dẫn bình luận của Bộ trưởng Quốc phòng Anh Gavin Williamson cho rằng, với thông điệp của Tổng thống Putin, Nga đã lựa chọn "đường lối khiêu khích và leo thang căng thẳng". Thậm chí, một số nguồn tin phương Tây còn cáo buộc bài phát biểu của nhà lãnh đạo Nga châm ngòi cho một cuộc “chạy đua vũ trang” hay một cuộc “chiến tranh lạnh” mới.

Thông điệp “Hãy lắng nghe”

Bác bỏ những cáo buộc trên, phía Nga khẳng định, Moscow không có ý định tấn công quân sự bất cứ quốc gia nào và việc Nga tăng cường tiềm lực quân sự là để bảo đảm hòa bình và an ninh toàn cầu.

Được biết, Nga từng nhiều lần đề xuất cùng phối hợp làm việc với Mỹ song đều bị Washington bác bỏ. Cụ thể, Moscow từng cố thuyết phục Washington không vi phạm hiệp ước về phòng thủ tên lửa song không thành công. Trong khi đó, Mỹ cùng các thành viên trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vẫn tiếp tục triển khai quân đội và hệ thống phòng thủ tên lửa sát biên giới Nga. Theo Tổng thống Putin, các nước này chỉ bắt đầu "lắng nghe" Nga sau khi biết được Moscow chế tạo các hệ thống vũ khí mới. Bởi vậy, theo nhà lãnh đạo này, việc công khai các vũ khí kể trên chủ yếu nhằm thuyết phục những đối tác phương Tây tiến hành các cuộc đàm phán.

Trong khi một số nhà phân tích bày tỏ lo ngại hệ thống vũ khí mới mà Tổng thống Putin công bố sẽ khiến mối quan hệ vốn căng thẳng giữa Nga và Mỹ càng trở nên phức tạp hơn thì đa phần nội bộ nước Nga lại đánh giá rất cao về Thông điệp liên bang của Tổng thống Putin. Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Nga Konstantin Kosachev cho biết: “Tổng thống Putin đã truyền đạt rất rõ thông điệp rằng, Nga không đe dọa bất cứ quốc gia nào, Nga không thách thức bất cứ quốc gia nào và cũng không có ý định áp đặt lợi ích của mình lên bất cứ quốc gia nào". Quan chức này cho rằng, cộng đồng quốc tế sẽ lắng nghe những tuyên bố mới nhất này của ông Putin và cuối cùng sẽ tìm thấy "những cánh cửa cơ hội" để cùng nhau giải quyết những thách thức chung.

Theo Theo Quân đội nhân dân
MỚI - NÓNG